Tài Nguyên Thiên Nhiên Của Việt Nam

Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam là những tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên môi trường) thuộc về Việt Nam, nằm trong lãnh thổ Việt Nam (bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển Việt Nam).

Tài nguyên thiên nhiên Việt Nam phong phú và có nhiều tiềm năng để khai thác, sử dụng như tài nguyên khí hậu, tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và đa dạng sinh học (tài nguyên rừng Việt Nam, hệ thực vật Việt Nam, hệ động vật Việt Nam). Việt Nam là đất nước có đường bờ biển dài gần 3.500 km, hàng triệu km2 thềm lục địa, hàng ngàn con sông, với rất nhiều sản vật, diện tích núi rừng chiếm đến 40% với những cánh rừng nguyên sinh, hệ động vật và thực vật vô cùng phong phú, nguồn tài nguyên khoáng sản cũng phong phú, nhiều chủng loại, trải dài từ Bắc chí Nam. Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có gồm thủy điện quy mô nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng trên thực tế, việc khai thác tài nguyên của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, tình trạng sử dụng đất tăng mạnh, tài nguyên nước ngày càng bị lạm dụng, rừng tự nhiên bị khai thác lấy gỗ, tàn phá rừng nghiêm trọng, trữ lượng cá cho hoạt động đánh bắt bị cạn kiệt và tài nguyên khoáng sản ngày càng bị khai thác ồ ạt. Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam hiện nay đang bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng, đồng thời gia tăng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí đô thị, kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên. Chính sự suy yếu các nguồn tài nguyên đã đe dọa sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nghiêm trọng nhất là các vấn đề ô nhiễm tại các thành phố lớn do việc quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý và còn lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Hiện trạng tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực, nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam hiện nay đang bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng hiện này đó chính là do hoạt động khai thác bừa bãi, cùng với việc sử dụng tài nguyên lãng phí, và do công tác quản lý yếu kém, tham nhũng, lợi ích nhóm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tài nguyên rừng đang bị thu hẹp theo từng ngày, diện tích rừng tự nhiên che phủ giảm dần do khai thác chặt phá trái phép, đất rừng bị chuyển qua đất nông công nghiệp, các loài sinh vật quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao (ở Việt Nam có khoảng 100 loài thực vật và gần 100 loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng). Tình trạng ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với tài nguyên nước. Tài nguyên khoáng sản đang cạn kiệt do việc khai thác quá mức và sử dụng lãng phí. Tài nguyên đất thì bị thu hẹp, bị nhiễm mặn, bạc màu, bị sa mạc hóa ngày một tăng. Các thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả do tài nguyên khoáng sản bị cạn kiệt.

Các loại tài nguyên Tài Nguyên Thiên Nhiên Của Việt Nam

Đất đai

Việt Nam có hơn 39 triệu ha đất tự nhiên. Thống kê cho thấy, đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, Việt Nam có 33.123,6 nghìn ha, diện tích đất đã được sử dụng vào các mục đích chiếm hơn 93% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, nhóm đất sản xuất nông nghiệp là 11508,0 nghìn ha (chiếm 34,74% tổng diện tích tự nhiên), đất lâm nghiệp 14910,5 nghìn ha (chiếm 45,01% tổng diện tích tự nhiên), đất chuyên dùng là 1875,3 nghìn ha (chiếm 5,66% tổng diện tích đất tự nhiên) và 714,9 nghìn ha đất ở. Vị trí và địa hình làm cho thổ nhưỡng Việt Nam có tính chất đặc trưng của vùng nhiệt đới ẩm và cũng rất đa dạng và phân hóa rõ rệt từ vùng đồng bằng lên núi cao, từ Bắc chí Nam và cả từ Ðông sang Tây. Các nhóm đất bao gồm: Cồn cát và các loại cát ven biển. Đất mặn, đất phèn, đất phù sa. Đất lầy và than bùn, đất xám bạc màu, đất đỏ và xám nâu vùng bán khô hạn, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn vàng đỏ trên núi. Đất mùn trên núi cao, đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ, đất xói mòn trơ sỏi đá và các loại đất khác.

Nguồn nước

Việt Nam nổi tiếng với mạng lưới sông ngòi dày đặc từ Bắc vô Nam với 2.345 con sông có chiều dài trên 10 km. Cứ đi dọc bờ biển 20 km lại gặp một cửa sông. Việt Nam có 11 lưu vực sông chính và gần 3.500 con sông, lượng mưa trung bình năm lớn khoảng 2000 mm. Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài với tổng diện tích trên 1,167 triệu km2. Trong đó có 33 lưu vực sông lớn, liên tỉnh, với 3.140 sông (chiếm 91% số lượng sông của Việt Nam), tổng diện tích lưu vực khoảng 306,44 nghìn km2, bằng 92,6% diện tích đất liền. Tổng trữ lượng động của nước dưới đất trên toàn lãnh thổ, chưa kể phần hải đảo, khoảng 2.000 m3/s (khoảng 63 tỷ m3/năm). Tài nguyên nước mặt của Việt Nam tương đối phong phú, chiếm khoảng 2% tổng dòng chảy của các sông trên toàn thế giới. Nước mặt và nguồn dự trữ nước dưới đất phong phú cung cấp nguồn tài nguyên nước đáng kể và phần lớn các nguồn tài nguyên này có thể khai thác, sử dụng.

Sông Mê Công, sông Hồng, sông Thái Bìnhsông Đồng Nai chiếm khoảng 80% tổng lượng tài nguyên nước Việt Nam. Việt Nam chiếm 8% diện tích của toàn lưu vực sông Mê Công, lượng nước chảy về Việt Nam khoảng hơn 5 tỷ m3, chiếm 57% tổng lượng nước mặt của Việt Nam. Sông Hồng–sông Thái Bình có diện tích lưu vực là 155.000 km2 và lượng chảy vào Việt Nam từ ngoài lãnh thổ là 137 tỷ m3. Lượng nước trung bình đầu người là 9.434 m3. Tuy nhiên, phần lớn tài nguyên nước Việt Nam lại nằm ngoài khả năng quản lý của quốc gia vì 2/3 tổng lượng nước chảy vào từ quốc gia thượng nguồn nên nguồn nước nội sinh của Việt Nam được đánh giá là thấp, mức bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 4.200 m3 so với con số trung bình là 4.900 m3 ở Đông Nam Á. Tài nguyên nước phân bố không đồng đều theo mùa, lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa ngắn, các con sông thường đầy nước vào mùa mưa nhưng lại khô hạn vào mùa khô, rồi nguồn tài nguyên nước cũng phân bố không đều theo không gian.

Hệ sinh thái

Việt Nam có tới 3/4 diện tích quốc gia là đồi núi và rừng che phủ hơn 30% diện tích. Độ che phủ của rừng Việt Nam rất cao giúp giảm dòng chảy ngay sau mưa, làm chậm lũ lụt, điều hoà dòng chảy cho mùa mưa và mùa khô. Sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam đã tạo ra sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm rừng, biển, đất ngập nước và sự giàu có, phong phú về các loài và nguồn gen sinh vật. Việt Nam cũng là quốc gia có đa dạng sinh học cao về các loài động, thực vật và sinh vật từ đó tạo ra sự đa dạng cho giống cây trồng Việt Namgiống vật nuôi Việt Nam. Trong thiên nhiên có tới 7,5 nhìn loài vi sinh vật, 16,4 nghìn loài thực vật, 10,3 nghìn loài động vật trên cạn, 2 nghìn loài thủy sinh nước ngọt, trên 11 nghìn loài sinh vật biển.

Việt Nam có hơn 100 khu bảo tồn thiên nhiên và có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới; 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới; 8 khu Ramsar và 5 Vườn Di sản Có 3 khu sinh quyển tầm thế giới là: vườn quốc gia Xuân Thủy, rừng Sác Cần Giờ và vườn quốc gia Cát Bà. Rừng Việt Nam có khoảng 8000 loài thực vật bậc cao, khoảng 800 loài rêu, khoảng 600 loài nấm. Tài nguyên sinh vật phong phú như Hệ thực vật có nhiều loài thực vật quý hiếm như gỗ đỏ, gụ mật, Hoàng Liên chân gà, hoàng đàn, cẩm lai, pơ mu. Hệ động vật Việt Nam có mức độ đặc hữu rất cao, 80 loài thú và phân loài thú, 100 loài và phụ loài chim, 7 loài linh trưởng, có 820 loài chim, có 180 loài bò sát. Một số loài quý hiếm được phát hiện tại Việt Nam như tê giác, bò rừng, bò tót, trâu rừng, sao la, mang lớn, culy, voọc vá, voọc mũi hếch, voọc đầu trắng, hổ Đông Dương, báo hoa mai Đông Dương, sếu cổ trụi, cò quắm cánh xanh, mang Trường Sơn, bò sừng xoắn, gà Lam đuôi trắng. Việt Nam có 275 loài thú và việc tìm ra 2 loài thú móng guốc lớn là loài Sao la và Mang lớn chứng tỏ sự phong phú và đa dạng của tài nguyên rừng.

Biển Việt Nam đa dạng các chủng loài có chất lượng cao, thêm vào đó trữ lượng cá rất lớn. Việt Nam cũng có tới ¾ diện tích là đồi núi, diện tích rừng che phủ hơn 30%. Mặc dù diện tích đất liền chỉ chiếm 1,35% diện tích thế giới, nhưng Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn nước ngọt của Việt Nam chiếm 2% tổng lượng dòng chảy của các sông trên thế giới. Việt Nam có 3.260 km bờ biển, rộng tới 226000 km2. Trong đó, diện tích có thể nuôi trồng thuỷ sản là 2 triệu ha với 1 triệu ha nước ngọt, có 0,62 triệu ha nước lợ, 0,38 triệu ha nước mặn. Biển Việt Nam còn có 2.028 loài cá biển, trong đó có 102 loài giá trị kinh tế cao, 650 loại rong biển, 300 loài cua, 90 loài tôm, 350 loài san hô, 300 loài thân mềm. Biển Việt Nam có trữ lượng cá khoảng 3,6 triệu tấn, tầng trên mặt biển có trữ lượng 1,9 triệu tấn. Còn tầng đáy có trữ lượng 1,7 triệu tấn. Có 40.000 ha san hô ven bờ. Có 250.000 ha rừng ngập mặn ven biển.

Khoáng sản

Việt Nam còn có các mỏ khoáng sản có giá trị trải dài từ Bắc đến Nam, với nguồn dầu hỏakhí đốt dồi dào. Việt Nam đã phát hiện được trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau, có một số loại khoáng sản quy mô trữ lớn, là nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với hơn 5000 điểm mỏ của 60 loại khoáng sản, với một số loại có trữ lượng quan trọng như bô xít (672,1 triệu tấn), apatit (0,778 triệu tấn), titan (15,71 triệu tấn), than (3.520 triệu tấn), đất hiếm (1,1 triệu tấn) và đá granit (15 tỷ m3). Trữ lượng dầu mỏ ước tính khoảng 6 tỷ tấn và khí đốt khoảng 4.000 tỷ m3, phân bố chủ yếu ở vùng trầm tích từ Nam đến Bắc. Năm 2012, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương (110 triệu gallon barrels), đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc trên thế giới và 1,8% tổng sản lượng xi măng, 1% tổng sản lượng Barite trên thế giới. Theo tính toán, trong giai đoạn 2008 – 2013, đóng góp của ngành khai khoáng vào GDP của Việt Nam tăng từ 9,07 % năm 2008 lên 11,49% vào năm 2013, tương đương với 411.673 tỷ đồng.

Một báo cáo của Bộ Tài chính tổng kết về mức thuế suất thuế tài nguyên cho biết tổng trữ lượng sắt đã được đánh giá và thăm dò của Việt Nam hiện nay khoảng 1,3 tỉ tấn. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng quặng sắt cho ngành luyện kim trong nước năm 2015 khoảng 7,2 triệu tấn, năm 2020 khoảng 18 triệu tấn, năm 2025 khoảng 32 triệu tấn. Bên cạnh đó, trữ lượng quặng titan khoảng 650 triệu tấn (với khoảng 78 triệu tấn zircon), trong đó trữ lượng quặng titan có thể huy động vào khai thác khoảng 440 triệu tấn (với khoảng 52 triệu tấn zircon). Vàng có tổng trữ lượng khoảng 154 tấn, trong đó trữ lượng thăm dò chỉ đạt 42,7 tấn. Tổng trữ lượng tài nguyên wonfram và antimoan tương ứng khoảng 195 ngàn tấn và 67 ngàn tấn. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng trong nước giai đoạn tới (2015-2025) khoảng gần 1.000 tấn/năm đối với wonfram và 1.980 tấn/năm đối với antimoan. Quặng đồng có trữ lượng ước tính khoảng 1 triệu tấn. Dự báo nhu cầu đồng đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 156.000 tấn/năm.

Trữ lượng quặng niken khoảng 4,5 triệu tấn và được tập trung chủ yếu tại mỏ niken Bản Phúc (Sơn La). Tại Việt Nam, niken được khai thác đưa vào sản xuất, chế biến để xuất khẩu (năm 2014, sản lượng tinh quặng niken xuất khẩu khoảng 74.800 tấn với kim ngạch khoảng 87,3 triệu đô la Mỹ, số thu thuế xuất khẩu khoảng 375,6 tỉ đồng). Theo dự báo, nhu cầu trong nước về niken năm 2020 khoảng 5.300 tấn và năm 2025 có thể lên tới 6.700 tấn. Bên cạnh đó, nhôm, bauxite thì khai thác không có lãi. Tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) chỉ có lãi vào các năm 2018 và 2021 và triển vọng rất mong manh. Từ năm 2012 trở về trước, Việt Nam là nước xuất khẩu than, từ năm 2013 kim ngạch xuất khẩu than giảm mạnh do nhu cầu than trong nước tăng phục vụ nhu cầu đốt than để sản xuất điện. Năm 2014, lượng than đá xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn, dự kiến năm 2015, 2016 xuất khẩu khoảng trên 1 triệu tấn. Như vậy, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà người Việt Nam còn lại chẳng bao nhiêu, kể cả nguồn tài nguyên có lợi thế, khai thác giá rẻ là than cũng đã bắt đầu cạn kiệt, đại đa số các mỏ tài nguyên cũng đã được cấp phép khai thác. Từ đó cho thấy, tài nguyên không phải là vô tận, và mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên không thể bền vững.

Thực trạng Tài Nguyên Thiên Nhiên Của Việt Nam

Nhận thức

Trong môn học địa lý, học sinh Việt Nam được dạy về đất nước giàu và đẹp với “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” để nhắc nhở người Việt phải luôn biết giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá như vàng bạc. “Rừng vàng biển bạc” là câu nói quen thuộc của người xưa, chỉ sự giàu có, quý giá của thiên nhiên đất nước. Nhưng câu nói này cũng gây ra cách hiểu khác, nhầm lẫn và ảo tưởng về một đất nước giàu và đẹp, tạo nên tâm lý ỷ lại vào nguồn tài nguyên sẵn có, ăn bám thiên nhiên. Quan niệm không đúng về “rừng vàng biển bạc” vô tận, một đất nước được thiên nhiên ưu đãi đã giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức không đúng về thực trạng tài nguyên đất nước, có tâm lý chủ quan, ỷ lại vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Tài nguyên luôn là hữu hạn nên sống bám vào thiên nhiên dẫn đến còn động lực lao động và sáng tạo, tự lực tự cường và phải trả giá đắt như thiên tai khốc liệt, môi trường khắp nơi bị ô nhiễm trầm trọng, cuộc sống người dân đảo lộn. So sánh với Nhật Bản, sau chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản thua trận, nghèo về tài nguyên thiên nhiên, đất đai cằn cỗi; núi lửa, động đất và sóng thần quanh năm; thời tiết lại khắc nghiệt, nên đã giáo dục thế hệ học sinh ý thức về cái nghèo và tinh thần chinh phục thiên nhiên, cần cố gắng học tập, trở thành những người sáng tạo trong nghiên cứu đổi mới công nghệ và nước Nhật đã phát triển thần kỳ bằng sự mẫn cán và sáng tạo.

Loại tài nguyên nào ở Việt Nam cũng được khai thác thô và đem bán với giá trị thấp. Than là nguồn khoáng sản dồi dào, bể than sông Hồng tính đến chiều sâu 1.700 m có trữ lượng đạt 36,960 tỉ tấn (ở độ sâu 3.500 m có thể đạt đến 210 tỉ tấn) nhưng nay phải sớm phải nhập khẩu than. Dầu khí với trữ lượng được dự báo là 4.300 tỉ tấn quy đổi cũng được ráo riết khai thác và xuất thô toàn bộ, lấy ngoại tệ mua xăng dầu về dùng, ước đoán sẽ hết trong 30 năm. Rừng vàng vì tốt tươi còn nay đã vàng phai, hoang hoải ở Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, Nam Trung Bộ do những cánh rừng bị tàn sát để làm thủy điện và di dân nên từ chỗ diện tích núi rừng chiếm đến 40% tổng diện tích với bạt ngàn rừng nguyên sinh, hệ động vật và thực vật đa dạng, đường bờ biển dài gần 3.500 km, hàng triệu km2 thềm lục địa, sản vật phong phú, tiềm năng kinh tế từ khai thác thủy sản và du lịch nhưng nay đã bị ô nhiễm trầm trọng. Tình trạng tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá, lũ lụt xảy ra liên miên, nhiều nơi vẫn thi nhau phá rừng, kể cả rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển vì cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, làm mất đi hệ sinh thái phong phú dưới tán rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phòng chống lụt bão. Tình trạng phá rừng tiếp diễn chủ yếu vì người dân cùng các lãnh đạo địa phương thiếu ý thức bảo vệ môi trường, chỉ thấy lợi ích trước mắt, chưa quan tâm đến lợi ích lâu dài, bền vững, rồi công tác quản lý rừng còn buông lỏng trong việc bảo vệ rừng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng đưa ra quan điểm về khai thác và sử dụng tài nguyên ngay từ khi bắt tay vào khôi phục và xây dựng đất nước. Trong đó cần chú trọng khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên rừng. Trong Lời kêu gọi đồng bào, nhân dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1965: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây, gây rừng ở bờ biển” và “đồng bào cần phải cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch đã định, đồng thời phải chú ý bảo vệ rừng. Tục ngữ nói: “Rừng vàng, biển bạc”. Chúng ta chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Ông từng nói: “Ta thường nói “rừng vàng biển bạc”. Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” (Bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, ngày 31 tháng 8 năm 1963). Trong bài nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Bắc, ngày 17 tháng 10 năm 1963, Ông nhấn mạnh: “Tục ngữ ta có câu “rừng vàng biển bạc”. Gây rừng và bảo vệ rừng là rất cần thiết. Hiện nay tỉnh ta còn cái tệ phá rừng, thế thì khác nào đem vàng đổ xuống biển?”. Hồ Chí Minh nhắc nhở trong quá trình canh tác không được lãng phí: “Hiện còn có hợp tác xã bỏ sơn, cọ không thu, đất cày rồi không cấy, không săn sóc để trâu bò chết; mỗi lần “liên hoan”, có xã giết từ 30 đến 50 lợn, lãng phí bừa bãi của hợp tác xã và của xã viên”.

Khai thác

Có nhiều hạn chế trong sử dụng vốn tự nhiên ở Việt Nam, hạn chế lớn nhất hiện nay là nguồn lực tài nguyên không được sử dụng có hiệu quả, tình trạng lãng phí, thất thoát và diễn biến phức tạp do tham nhũng, lợi ích nhóm; tình trạng suy thoái tài nguyên đất diễn ra phổ biến, hầu hết là nạo vét để xuất khẩu khoáng sản thô. Đa dạng sinh học suy giảm, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển suy thoái và suy thoái nghiêm trọng tài nguyên biển và vùng bờ biển, nguồn lợi thủy sản bị đánh bắt cạn kiệt. Hàng nghìn héc-ta rừng phòng hộ cũng bị triệt hạ hoàn toàn khi khai thác tài nguyên. Mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam không quan tâm đến bảo tồn vốn tự nhiên gây ra những rủi ro, thách thức tác động đến hệ sinh thái môi trường. Tình trạng làm dụng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên, tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên không tái tạo khiến tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường. Nguồn tài nguyên thiên nhiên mà người Việt Nam còn lại chẳng bao nhiêu, ngay cả nguồn tài nguyên có lợi thế, khai thác giá rẻ là than cũng đã cạn kiệt. Đại đa số các mỏ tài nguyên cũng đã được cấp phép khai thác. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập, nên nguồn nguyên nhiên liệu để sản xuất vật liệu ngày càng khan hiếm.

Việt Nam có những lợi thế quan trọng về tài nguyên khoáng sản với hơn 1.000 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác như than, sắt, titan, đá vôi xi măng, đá xây dựng nhưng nhiều loại tài nguyên khoáng sản nhưng trữ lượng hầu hết không nhiều đều nằm trong danh mục hữu hạn, công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản yếu kém bất cập nên tình trạng khai thác bữa bãi thường xảy ra. Các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các địa phương, đa số các khu mỏ đang khai thác hầu hết nằm ở vùng núi và trung du và không được quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng, việc khai thác tài nguyên khoáng sản bằng công nghệ lạc hậu còn gây tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển. Tác động môi trường của hoạt động khai khoáng tại Việt Nam bao gồm xói mòn, sụt đất, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm đất, nước ngầm và nước mặt do hóa chất từ chế biến quặng. Trong một số trường hợp, rừng ở vùng lân cận còn bị chặt phá để lấy chỗ chứa chất thải mỏ. Bên cạnh việc hủy hoại môi trường, ô nhiễm do hóa chất cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân địa phương. Tại những vùng hoang vu, khai khoáng có thể gây hủy hoại hoặc nhiễu loạn hệ sinh thái và sinh cảnh, còn ở nơi canh tác thì hủy hoại hoặc nhiễu loạn đất trồng cấy và đồng cỏ. Tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản.

Việt Nam chủ yếu khai thác và xuất khẩu quặng thô, mang lại giá trị kinh tế thấp và tổn thất do khai thác hầm lò là từ 40% đến 60%; apatit từ 26% đến 43%; quặng kim loại từ 15%; dầu khí từ 50% đến 60%; tổng thu hồi quặng vàng trong chế biến chỉ đạt 30-40%. Việc đánh giá và quản lý tài nguyên khoáng sản cũng có bất cập. Việt Nam có khoảng 5.000 điểm mỏ được phát hiện thì các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương đã cấp phép khai thác gần hết. Phát hiện khoáng sản đến đâu, các cơ quan quản lý cấp phép cho các cá nhân, doanh nghiệp khai thác đến đó, chưa tính đến những nhu cầu của tương lai. Tài nguyên được khai thác theo kiểu tận thu, nhưng Nhà nước được hưởng lợi không nhiều, khoảng trên dưới 30%, phụ thuộc vào doanh nghiệp khai thác báo cáo thuế. Đây là nghịch lý khi nguồn tài sản chung của nhân dân đang được một số cơ quan quản lý nhà nước tùy tiện cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác.

Khai thác mỏ có liên quan đến phá hoại rừng, ảnh hưởng đến sinh thái, động vật hoang dã, ảnh hưởng đến nguồn nước mặt và nước ngầm. Nước thải có độ axit cao được thải trực tiếp chưa qua xử lý. Nước chảy tràn kéo theo bùn đất, gây ô nhiễm bồi lấp sông, suối, đồng ruộng. Một số bãi thải quặng đuôi có chứa hoá chất độc hại bị chảy tràn vào các mùa mưa lũ gây ô nhiễm cho một vùng rộng lớn. Tình trạng sử dụng hoá chất rất độc hại như xianua để tách chiết vàng sau đó thải trực tiếp ra sông suối đã gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư, gia súc, gia cầm và động vật hoang dã. Tình trạng khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, manh mún phổ biến dẫn đến không thể kiểm soát các dạng ô nhiễm, các Doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận và bỏ qua việc bảo vệ môi trường..

Một số loại quặng như đất hiếm, titan, zircon, chì kẽm, vàng, cát thủy tinh, felspat, kaolin chưa được đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến để sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Các mỏ khai thác với quy mô nhỏ, bán thủ công, các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường như sản xuất xi măng lò đứng, sản xuất gạch nung, khai thác, chế biến quặng titan trong cát xám, khai thác quặng vàng, các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng, các dự án khai thác cát xây dựng còn phổ biến ở nhiều địa phương, gây nhiều tác động xấu đến môi trường, tài nguyên đất, gây ra sạt lở, an toàn lao động. Việt Nam, có khoảng 1.000 lò vôi sản xuất vôi theo phương pháp thủ công với công nghệ sản xuất gián đoạn hoặc liên hoàn, tập trung nhiều nhất ở thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Kiên Giang, với tổng công suất khoảng 2.000.000 tấn/năm. Các lò vôi thủ công gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại các địa phương.

Ngành công nghiệp khai thác than của Việt Nam đã có truyền thống hơn 100 năm và vùng than Quảng Ninh là khu vực tập trung của ngành công nghiệp này. Mỏ lộ thiên càng phải xuống sâu và mở rộng hơn, các mỏ hầm lò phải mở thêm các lò chợ mới. Quặng man gan có trữ lượng nhỏ, phân bổ rải rác trên địa bàn nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung, việc khai thác diễn ra khá phức tạp và ở nhiều nơi, các địa phương giáp với Trung Quốc. Đối với vàng sa khoáng do hàm lượng vàng phân bố không đều, phương pháp quản lý không tốt nên hiệu quả kinh tế thấp. Hoạt động khai thác khoáng sản tạo những mặt tiêu cực như việc khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản, gây thất thoát và lãng phí tài nguyên, nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hoá, du lịch bị ảnh hưởng. Một số khu vực khoáng sản bị khai thác trái phép kéo theo các tệ nạn xã hội phát triển. Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản do chạy theo lợi nhuận xuống cấp hoặc phá hỏng các công trình dân sinh đã làm cơ sở hạ tầng, gây bụi và tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân, hàng năm tai nạn nghiêm trọng, chết người và số lao động bị bệnh nghề nghiệp gia tăng.

Tiêu cực

Vấn nạn nảy sinh tham nhũng, tiêu cực trong việc cấp phép khai thác diễn ra tràn lan và tùy tiện. Trong hàng nghìn giấy phép khai thác đã được cấp, có nhiều giấy phép được cấp khi chưa có điều tra, khảo sát kỹ lưỡng. Việc cấp phép không qua đấu giá, không đúng thẩm quyền, không đánh giá tác động môi trường, cấp không đúng đối tượng, nhiều nhóm không hoạt động trong lĩnh vực khai thác, không có nhân lực, trang thiết bị, lại được cấp phép và sau đó “sang tay”, chuyển nhượng để thu lợi. Tình trạng cấp giấy phép tràn lan của các địa phương cho thấy sự câu kết giữa các "nhóm lợi ích" trong thực thi chính sách khai thác tài nguyên Từng địa phương vẫn tồn tại cơ chế tự phát, địa phương giao cho một số doanh nghiệp sân sau khai thác ké doanh nghiệp Nhà nước và cùng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản xuất hiện. Khoáng “tặc”, “thổ phỉ” kéo theo các hậu quả nghiêm trọng như tàn phá môi trường, làm thất thoát, lãng phí tài nguyên. Riêng đối với hoạt động khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng, tình trạng khai thác trái phép, khai thác vượt quá công suất cho phép vẫn diễn ra gây xói lở bờ sông, ảnh hưởng môi trường và đời sống của người dân.

Chính sách, luật pháp về khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản rất nhiều bất cập với những lỗ hổng cho các "nhóm lợi ích" lách luật. Khi một số khu vực khai thác khoáng sản được thực hiện theo cơ chế chỉ định, chủ đầu tư được quyền khai thác mà không phải đấu giá, thì quyền xác định khu vực nào không phải thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản có thể là một bước đi có tính toán của "nhóm lợi ích" trong việc cấp phép khai thác khoáng sản cho nhà đầu tư đã được chỉ định. Luật Khoáng sản năm 2011 lại không quy định về định giá khoáng sản, định giá mỏ, không quản lý giá trị khoáng sản và quản lý đấu giá khoáng sản. Việc thất thoát và lãng phí tài nguyên luôn có nguyên nhân từ các "lợi ích nhóm". Nhiều cá nhân, doanh nghiệp tư nhân và quan chức làm giàu từ tài nguyên quốc gia và khai thác khoáng sản ở mức báo động. Hậu quả của quá trình này khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt. "Lợi ích nhóm" tiêu cực có mặt trong nhiều hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều tỉnh, thành phố qua việc khai thác trái phép. Vấn nạn "nhóm lợi ích" trong lĩnh vực này chưa thật hiệu quả, nếu không nói là đang ở trong tình trạng "báo động đỏ"..

Chú thích

Tags:

Các loại tài nguyên Tài Nguyên Thiên Nhiên Của Việt NamThực trạng Tài Nguyên Thiên Nhiên Của Việt NamTài Nguyên Thiên Nhiên Của Việt NamHệ động vật Việt NamThềm lục địaTài nguyên thiên nhiênViệt Nam

🔥 Trending searches on Wiki Tiếng Việt:

Đội tuyển bóng đá U-23 quốc gia IndonesiaQuần thể danh thắng Tràng AnVòng loại Cúp bóng đá U-23 châu Á 2024Nanatsumori RiriNguyễn Tấn DũngNhật BảnKim ĐồngPol PotĐộ (nhiệt độ)XVideosBiển xe cơ giới Việt NamBiểu tình Thái Bình 1997HuếChủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt NamVũ Thanh ChươngNhà Tây SơnTrấn ThànhCách mạng Công nghiệpHoa hồngNATOHoàng Phủ Ngọc TườngHalogenBắc thuộcViệt Nam Cộng hòaHang Sơn ĐoòngĐất rừng phương Nam (phim)Hồ Chí MinhTổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt NamNgười ChămĐài LoanQuân lực Việt Nam Cộng hòaChuột lang nướcDanh sách nhân vật trong One PieceĐồng NaiLe SserafimTriệu Lệ DĩnhChiến cục Đông Xuân 1953–1954Chiến dịch Mùa Xuân 1975Chiến dịch Linebacker IIStephen HawkingĐại học Bách khoa Hà NộiKhởi nghĩa Lam SơnGia LaiKim Jong-unKim LânChelsea F.C.Hồ Hoàn KiếmNewJeansQuảng TrịĐội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí MinhToán họcNepalBảy mối tội đầuDanh sách nhân vật trong Thám tử lừng danh ConanNguyễn Thị ĐịnhChu vi hình trònFBuôn Ma ThuộtNguyễn Quang SángB-52 trong Chiến tranh Việt NamTừ mượn trong tiếng ViệtMèoAlbert EinsteinBiên HòaAnh hùng dân tộc Việt NamNăng lượngChiến dịch Điện Biên PhủTrịnh Tố TâmNhà Lê sơẢ Rập Xê ÚtEl NiñoHồ Mẫu NgoạtBảo tồn động vật hoang dãTừ Hi Thái hậuTrường Đại học Kinh tế Quốc dânGiải vô địch bóng đá châu ÂuTrần Đăng Khoa (nhà thơ)La Liga🡆 More