Khổng Tử nói: "Duy có nữ tử và tiểu nhân là khó nuôi, gần nó thì nó vô phép, xa nó thì nó oán hận."[1] Nữ tử và tiểu nhân quy vào một loại, nhưng không biết Khổng Tử có kể cả mẹ mình vào đó không. Về sau, các ông thầy đạo học, đối với mẹ mình, bề ngoài cũng kể được là kính trọng đấy, dù vậy, người đàn bà làm mẹ ở Trung Quốc, ngoài con mình đẻ ra, còn vẫn bị hết thảy đàn ông khinh dể.

Sau cách mạng Tân Hợi, vì tham dự chính quyền, nữ sĩ danh tiếng Thẩm Bội Trinh từng lấy chân đá ngã một người lính gác trước cửa nghị viện. Có đều tôi rất ngờ rằng đó là chính người lính tự vấp ngã, giá dụ bọn đàn ông chúng ta đá hắn thử xem, nhất định là hắn đá trả mình mấy cái. Làm người đàn bà được phần lợi ở chỗ đó. Lại còn, hiện nay có những bà có thể đứng ngang hàng với những người đàn ông sang trọng chụp chung một bức ảnh ở bến tàu hoặc ở sân hội trường ; hay là trước khi tàu thủy máy bay mở máy lần thứ nhất, đi đến đằng trước đập một chai rượu (việc nầy hoặc giả phải các cô tiểu thơ mới được làm chăng, tôi không biết rõ lắm), làm người đàn bà còn được phần lợi ở chỗ đó nữa. Ngoài ra, lại mới có các thứ chức nghiệp, không kể hạng công nhân phụ nữ, vì tiền công rẻ, lại dễ bảo, các chủ xưởng ưa dùng, còn thì chỉ vì là nữ tử, cho nên một mặt tuy bị mỉa là "cái lọ cắm hoa", một mặt khác cũng thường có những cái quảng cáo vẻ vang "hết thảy hầu mời đều dùng con gái"[2]. Người đàn ông nếu muốn được vụt tấy lên như thế, chỉ cậy có một điều mình là nam tử, không được đâu, ít nhất phải biến làm con chó mới được[3].

Đó là cái thành tích kêu gào giải phóng phụ nữ sau vận động "Ngũ tứ". Tuy vậy, chúng ta vẫn còn thường nghe tiếng rên siết đau khổ của phụ nữ có chức nghiệp, tiếng chê cười của nhà bình luận đối với phụ nữ tân thời. Bọn họ từ trong khuê các đi ra, đến ngoài xã hội, thực sự lại là làm tài liệu cho mọi người bông đùa, bàn tán.

Đó là vì bọn họ tuy đã ra ngoài xã hội, vẫn còn nhờ người khác "nuôi". Đã nhờ người khác "nuôi", thì phải nghe người ta cằn rằn, thậm chí bị người ta khinh và làm nhục.

Chúng ta cứ xem câu cằn rằn của Khổng phu tử, thì biết ngài bực mình vì cớ muốn "nuôi" mà "khó", "gần nó" hay "xa nó" đều không được ổn thỏa mười phần. Đó cũng là điều than thở chung của hết thảy đức ông chồng hiện nay. Và cũng là điều đau khổ chung của hết thảy đàn bà. Trước khi chưa phá bỏ cái giới hạn "nuôi" và "bị nuôi", thì sự than thở và đau khổ ấy cứ còn mãi không thể dứt đi được.

Trong cái xã hội chưa cải cách nầy, hết thảy những kiểu mới lẻ loi, đều chỉ là tấm bảng rao hàng, về thực tế không khác gì với trước kia cả. Nhốt một con chim con trong lồng hay là cho nó đứng trên một cái cành khô, địa vị hình như có khác, thực ra thì vẫn là một loạt làm trò chơi cho người khác, ăn một miếng, uống một ngụm, đều ở dưới quyền người khác. Tục ngữ nói: "Ăn cơm chúa, múa tối ngày", là thế. Cho nên, hết thảy đàn bà nếu không có được quyền kinh tế ngang bằng đàn ông, thì tôi cho rằng bao nhiêu nhãn hiệu đẹp đẽ đều là lời suông cả. Tự nhiên, về sinh lý và tâm lý, nam và nữ có khác nhau ; mà dù cho trong đám cùng một tánh[4] người nầy với người kia cũng không khỏi có khác nhau, nhưng mà địa vị ngang bằng nhau rồi, mới có thể có người nam và người nữ chân chính, mới có thể tiêu trừ sự than thở và đau khổ.

Trước khi giải phóng chân chính là chiến đấu. Nhưng không phải tôi nói đàn bà phải cầm súng như đàn ông, hay là chỉ đưa ra chỉ một cái vú cho con bú, còn phần nửa trách nhiệm đem trút cho đàn ông. Tôi chỉ muốn nói rằng không nên tạm bợ an phận ở cái địa vị trước mắt mà phải luôn luôn đấu tranh cho giải phóng tư tưởng, kinh tế các thứ. Đã đành giải phóng được xã hội thì cũng giải phóng được chính mình. Nhưng, riêng đấu tranh để tháo xiềng xích hiện còn trói buộc một mình phụ nữ, tự nhiên cũng là sự cần thiết lắm.

Tôi chưa hề nghiên cứu vấn đề phụ nữ, nếu cũng phải nói mấy câu thì tôi chỉ nói được như thế.

21-10-1933
(Dịch ở Nam xang bắc điệu tập)

  




Chú thích

  1. Câu này thấy trong sách Luận ngữ, nguyên văn là: "Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã: cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán". Lời Khổng Tử nói.
  2. Đây là lời quảng cáo của các tiệm ăn hay phòng nghỉ ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Không biết bây giờ thế nào, chứ hai mươi năm trước, những tiệm cao lâu Hoa kiều ở Sài Gòn, Chợ Lớn cũng có quảng cáo như thế.
  3. "Làm con chó" đây, ý muốn nói làm chó săn cho chính phủ phản động. Hiểu như thế, vì trong văn chương Lỗ Tấn có rất nhiều chỗ nói đến thứ chó ấy.
  4. "Tánh" đây là "nam tánh" hay "nữ tánh". "Cùng một tánh" là cùng một nam tánh hay cùng một nữ tánh (Xem thêm lời chua số 1 ở bài Sự tiến hóa của người đàn ông ở trên). Câu này nghĩa là: Cùng là đàn ông với nhau mà sinh lý và tâm lý của người nầy cũng khác người kia, cùng là đàn bà cũng thế, thế thì sinh lý và tâm lý của người đàn bà với của người đàn ông tất nhiên là có khác nhau vậy.