LĨNH-NAM DẬT-SỬ

HỒI THỨ I

Hoàng Phùng-Ngọc trên tiệc vịnh thơ.
Thạch Thuyền-sư trong chùa tặng phú.

Xưa nay có sách chính-sử thời tất có sách dã-sử, sách chính-sử truyền sự tin không truyền sự nghi, dã-sử thời truyền sự tin mà truyền cả sự nghi và truyền cả sự di-dật; cho nên những sự tai nghe mắt thấy chép ở trong chính-sử ai cũng biết thời không lấy gì làm lạ, còn những việc tai không nghe mắt không thấy, nếu chợt nghe thấy thời đều lấy làm kinh-dị bảo rằng tự người sau bịa đặt ra, không biết rằng thực cũng là việc tai nghe mắt thấy thật, những người không tin là chỉ vì tai mắt mình có chừng hạn không biết đến đó mà thôi. Như là ông Đại-Vũ có dựng cái bia ở núi Câu-Lũ chép những việc thần-quái, ông Chu-tử đến tận nơi tìm không thấy, bảo rằng không có việc ấy, kẻ hiếu-sự bịa ra đó mà thôi. Đến năm Gia-định đời Tống, có kẻ tiều-phu đưa người học trò nước Thục đến tận chỗ bia. lấy giấy in vào mặt bia được 72 chữ, còn khắc để ở quán Quì-môn. Thế mới biết những việc kỳ-quái trong thiên-hạ không có người nói ra thời không tài nào mà biết được, nếu nghe nói những việc tai mắt mình chưa từng trông thấy bao giờ cũng không thể bảo rằng không tin được. Huống chi ngoài chính-sử lại còn có phủ-chí, tỉnh-chí, huyện-chí, La-phù-chí, Xích-nhã ngoại-chí cũng tường chép cả, và những bậc dã-nhân cố-lão cũng nghe thấy cả, thế thời ai muốn biết những sự tân-kỳ, đều nên tin rằng chính-sử tuy không có chép việc ấy mà dã-sử thời có chép đủ cả vậy.

Nói về triều nhà Lý đời vua Nhân-tôn niên-hiệu Thái-Ninh thứ hai năm quí sửu (năm Hi-ninh thứ 6 đời vua Thần-tôn nhà Tống, lịch tây 1073) ở đất Lạc-thành châu Phong phủ lỵ Hạc-sơn quận Thanh-thụy có làng Trình-hương, cách về phía đông độ 50 dặm có thôn Đào hoa, bốn mặt đều non cao núi hiểm, ở giữa có khu đất phẳng, cây cối xanh-um, suối chẩy róc-rách, nước trong như lọc, dân cư có chừng độ mươi nóc nhà. đều dựa núi trông xuống nước, trồng các thức cây: đào, liễu, trúc, mai sâm-si tươi tốt. Gặp buổi trời xuân mát-mẻ, chim kêu ríu rít ông già con trẻ đi lại vui chơi, có cái cảnh-tượng như cảnh Đào nguyên khi xưa, cho nên cũng gọi tên là đỗng Đào nguyên Người làng có độ mươi họ là: Hoàng, Trương, Tiêu, Dương, Đinh Bạch, Lư, Hứa, Hà, Tạ, Quách, Ma, Nùng, đều là người chân thành phác-thực, chỉ chăm cày ruộng đọc sách, chẳng ham chi sự hư danh, thường thường trong thôn những lúc tiếng gà tiếng chó êm-đềm, văng-vẳng nghe tiếng học tiếng đàn như rót vào tai. Thực là:

Riêng một non sông cõi thái-bình,
Danh không đua-đả lợi không tranh.
Canh gà gáy nguyệt trời xuân vẳng,
Dịp sáo dồn hoa ngọn gió thanh.
Ríu-rít đàn chim đua gọi bạn,
Êm đềm giấc bướm lặng thâu canh.
Đào nguyên có phải là đây tá?
Tiên cảnh này xem lắm vẻ xinh!

Nay nói về họ Hoàng trong thôn ấy có một người tên là Hoàng-Quỳnh, tên tự là Phùng Ngọc, tự thủa nhỏ thông minh dĩnh-ngộ, không sách nào là không xem, từ-phú thi-ca lối nào làm cũng hay, và lại thần lực trời phú cho rất khỏe, múa đôi gươm rất tài, tự đời tổ truyền lại có một đôi Long-toàn bảo-kiếm, hễ khi nào Phùng-Ngọc múa lên thời lúc mới trông như đôi con rồng trắng uốn éo lượn-lội, đến lúc múa cực nhanh, thời như là trời đổ mưa tuyết trắng-xóa không trông thấy gươm và cũng không trông cả thấy người. Cha là Tư-Trai, yêu giấu con như là báu ngọc, lại thấy con răng trắng như ngà, mắt sáng như sao đĩnh-đặc như măng non mới mọc, cho nên đặt tên là Quỳnh 瓊 mà tự hiệu là Phùng-Ngọc 逢 玉 Thực là:

Đẹp sánh non xuân thua vẻ đẹp,
Tươi hơn hoa sớm lại càng tươi.
Ngọc này xin chớ coi thường vội,
Văn võ tài đua nọ kém ai.

Một hôm gặp tiết Trùng-dương, khí trời minh-mị, Tư-Trai muốn thừa-hứng đăng-cao. Núi quanh ở đó chỉ có núi Trường-nhĩ là cao nhất cả, lên cao trông được rất xa, vả lại trong núi ấy có kỳ-phong quái thạch, cổ tích rất nhiều đi du-ngoạn cũng thích. Bèn sai tên kiện độc là Hoàng Hán đem tráp trầu hồ rượu theo hầu và dắt Phùng-Ngọc cùng đi chơi, quanh-co trông núi Trường-nhĩ mà đi lên. Núi ấy cao chót-vót, tự chân núi đến đỉnh núi bích-lập ngất trời, cao xa đến bốn năm dặm, ba người vin mây rẽ sắn theo con đường nhỏ mà đi lên, thực là:

Núi cao ngất trên đầu
Mây bay quanh dưới gối.

Ba người đứng trên đỉnh núi, trông xem một hồi lâu, rồi đi vòng quanh các nơi danh-thắng như là đỗng Đường-vương đền Chân-võ, hang Hàn-bà, du lịch xem qua một hồi, rồi trèo lên đỉnh núi Phượng-cốc trông xem suối Bộc-bố chẩy nước tóe ra trắng xóa như trăm trượng lụa, lại đến xem hòn đá bàn-cờ, thưởng-ngoạn một hồi lâu, mặt trời đã xế trưa, bèn qua đến chùa Quảng-phúc để nghỉ. Khi mới đến cửa chùa, thấy trong chùa, trước tòa Tam-bảo thờ phật thắp một đôi nến cực to, bày vô-số các thức phẩm quả để hiến-cúng; lại có các vị sư ngồi la-liệt hình như có việc gì, dưới dẫy hành-lang, lại có mấy ông kỳ-lão mũ áo ngồi chỉnh-tề; nhìn vào trong thấy có một vị hình như Cổ-khê Tăng tiên-sinh, ý chừng chư-sư ở trong đó bày tiệc tết Trùng-dương, vào nghỉ có lẽ không tiện, Tư-Trai vội lùi bước ra toan tháo lui, không ngờ Thạch thiền-sư trông thấy, gọi to lên rằng:

— Hoàng thái-công đi chơi đâu đó mà lại trở ra?

Tư-Trai nghe thấy gọi không hiểu là ai, bước vào vái chào chư-tăng cười mà rằng:

— Tôi muốn vào ngoạn-cảnh chùa, thấy chư-vị tiên sinh đương bận việc phúc, sợ vào làm bận ra không tiện chăng?

Cổ-khê cười mà rằng:

— Hoàng thái-công nhận sai đấy, hôm nay là ngày lục-thập thọ-đản cụ Thạch thiền-sư, nên các anh em môn-đồ trong sơn-môn cùng lại chúc thọ, chúng tôi cũng lại chúc mừng thiền-sư đây, không phải là bận việc phúc-đức gì cả.

Tư-Trai nói:

— Có phải thế à? Tôi không được biết

Liền gọi Hoàng Hán đem tráp lại, mở ra lấy một phong ước độ năm sáu đồng tiền bạc, nâng tay đưa đến trước mặt Thạch thiền-sư thưa rằng:

— Chúng tôi không được biết hôm nay là ngày thọ-đản thiền-sư, nên không sắm lễ mừng thọ trước, gọi là có chút lòng thành xin đại-lão thiền-sư thâu nhận cho.

Thạch thiền-sư khiêm-nhường không chịu nhận mà rằng:

— Thọ-đản bần-tăng này có kể làm chi, dám đâu phiền người đem ngân-tiền tống-lễ, nay người đã quá bước tới đây, thực là làm vẻ-vang thêm cho nhà chùa; còn lễ này quyết không dám nhận.

Tư-Trai nói:

— Lão thiền-sư không nhận cho, hay là ngờ rằng chúng tôi lễ-ý bất-thành, vậy xin cáo-từ, để hôm khác xin lại bái chúc.

Cổ-khê đứng bên cạnh nói rằng:

— Bác Tư-Trai không nên cáo-từ, cụ thiền-sư không nên phụ tấm lòng tốt của bác Tư-Trai tôi, xin cụ nhận cho là phải.

Thạch thiền-sư nghe lời nói lên rằng:

— Người đã quá trách tôi như vậy, thôi thì bần-tăng xin nhận.

Bấy giờ Tư-Trai mới mừng, tới đến chỗ ngồi. Chú tiểu hiến trà xong. Thạch thiền-sư chắp tay lên nói:

— Dám hỏi cậu nhỏ này là con người hay là cháu người vậy?

Cổ-khê đỡ lời thưa lên rằng:

— Đây là lịnh-lang của bác Tư-Trai tôi, lão-sư đừng coi khinh thường, tuy rằng cậu ấy tuổi còn nhỏ, song học-lực cậu ấy không vừa, dẫu các ông túc-học danh nho, dễ thường cũng phải thua kém cậu ta đến mấy dặm.

Thạch thiền-sư hỏi:

— Năm nay cậu đã mấy tuổi?

Tư-Trai nói:

— Cháu nó năm nay mười-một tuổi, trẻ con chốn quê-mùa học đã biết gì. bác Cổ-khê tôi tán-dương khí quá, con nhà ngu dốt chúng tôi sao dám đương.

Chúng-đăng đều nói lên rằng:

— Lịnh-lang coi người đẹp như quan ngọc, cử-chỉ đứng-đắn, Tăng tiên-sinh khen vừa rồi hẳn không sai.

Chúng-tăng dẫu ngoài miệng nói ra như thế, song trong bụng vẫn không tin Hoàng Quỳnh là hẳn có tài học gì hay không. Nói truyện một hồi lâu, chú-tiểu bưng cỗ tray ra, Thạch thiền-sư đứng dậy mời chư-vị giải-tọa, chúng-tăng nhường Tư-Trai hơn tuổi ngồi trên, mời Phùng-Ngọc ngồi bên cạnh. Hai cha con Tư-Trai khiêm nhường mãi không được phải tới ngồi, chúng-tăng cùng tới ngồi chỉnh-tề. Thạch thiền-sư trông vào Phùng-Ngọc mà rằng:

— Ngày thọ-đản bần-tăng này có dám kể vào đâu, song nghe nói lịnh-lang học rộng tài cao, xin cho bần-tăng một câu đối để nhà chùa được thêm vang-vẻ.

Nói xong, liền đưa một chén rượu mà rằng:

— Xin cạn chén này gọi là để lịnh-lang nhuận-bút.

Phùng-Ngọc đỡ lấy chén rượu để trên mặt án, trông Tư-Trai mà mỉm cười, không nói gì cả. Tư-Trai nói:

— Này con, lão-sư đã yêu con mà dạy như vậy, con dấu dốt cũng không được nào, nghĩ được thế nào cứ viết ra, đã có chư tiên-sinh ngồi đây chữa cho, sau có dán lên tường nữa may ra cũng khỏi người cười dốt.

Phùng-Ngọc vâng lời, liền chắp tay hướng vào trước mặt thiền-sư mà đọc một câu rằng:

Mõ cá khua tan niềm tục sạch,
Giáp-hoa tính đốt tuổi già cao.

Chúng-tăng thấy Phùng-Ngọc không phải nghĩ-ngợi gì ứng-khẩu đọc liền ngay ra thành một câu đối mà thiết-điển thọ sáu mươi, lại thiết cảnh thọ của nhà sư, đều kinh-dị mà nói rằng:

— Lịnh-lang ít tuổi mà tài học nhanh như vậy, dẫu tài như Lý-Bật vịnh thơ, Lưu-Yến hay chữ, cũng chửa được mẫn-tiệp như thế.

Cổ-khê nói:

— Lúc trước tôi nói các ông hãy còn không tin, bây giờ các ông xem thế nào?

Tư-Trai nói:

— Chư tiên-sinh chớ nên khen quá, xin chư tiên-sinh chỉ-giáo mà chữa lại cho.

Chư-tăng nói:

— Thực là văn hay không còn phải chữa gì nữa.

Cổ-khê nói:

— Lũ chúng ta chửa có câu đối nào để mừng, mà Hoàn lịnh-lang đã có câu đối mừng rồi, chúng ta nên nghĩ mỗi người một câu. thỉnh-giáo cụ Thạch thiền-sư mới phải. Song trông thấy châu-ngọc ở trước mặt, tự nghĩ mình kém xa, không dám thò chữ ra nữa. Vậy tôi cùng ông Xuân Quang, ông Nhân-Trai ba chúng ta cùng nhờ Hoàng linh-lang làm hộ cho cả, thời mới được xuất-sắc.

Phùng-Ngọc vâng lời, liền đọc ra ba câu đối:

I

Non tiên cảnh tĩnh từng mây phủ
Chùa cổ sư nhàn tuổi hạc cao.

II

Niềm sạch bụi trần người tựa phật,
Lòng say mùi đạo cảnh quên già.

III

Bối-diệp nghe kinh đà thoát tục,
Giáp-hoa tính tuổi cũng chưa già.

Chư tăng nghe thấy Phùng-Ngọc đọc liền ba câu đối, tuy chửa biết rằng hay hay không, song thấy Phùng-Ngọc có tài ứng khẩu như vậy thời đều kính-phục, cùng đồng-thanh tán-dương là bậc thiên-tài. Tư-Trai khoái-ý vô chừng, song vẫn làm điều khiêm tốn. Cổ-khê nói:

— Mấy câu đối ấy đã thấm vào đâu, các ông chửa từng biết cái tài đại-bút của Hoàng-huynh dẫu đến bài tràng thiên đại-cú, cũng chỉ làm nhoáy một cái là xong.

Chúng-tăng nói:

— Chúng tôi mới được biết Hoàng-huynh không dám phiền lắm, Cổ-khê tiên-sinh vốn là cựu giao biết Hoàng-huynh đã lâu xin soạn ra một đầu bài để Hoàng-huynh vịnh chơi cho chúng tôi được nghe nhờ thì hay lắm.

Cổ-khê nói:

— Cái đó có khó gì, mà cũng không phải soạn chi đề-mục xa-xôi, chỉ quanh các núi đây độ hơn một trăm dặm vô-số là núi đẹp, mà nhất là núi Trường-nhĩ và núi Kỳ-bàn, các bậc du nhân dật-sĩ đến chơi đề-vịnh rất nhiều, song không được mấy xuất-sắc, xin các ông cứ nhờ Hoàng-huynh vịnh tức-cảnh ngay hai núi ấy, cũng đủ biết tài Hoàng-huynh, và lại làm cho hai núi ấy được thêm vang vẻ, không biết ý Hoàng-huynh nghĩ sao?

Phùng-Ngọc nói:

— Nếu chư tiên-sinh không cười chúng tôi là ngu-dốt, vậy xin vâng lời chỉ-giáo.

Chúng-tăng cả mừng, gọi chú tiểu lấy các đồ văn-phòng tứ bảo bày ra trên án. Phùng-Ngọc cầm lấy bút toan viết Thạch thiền-sư cả cười mà rằng:

— Chư-vị chúng-tăng sao coi khinh thường làm vậy?

Chư-tăng hỏi:

— Thưa thiền-sư bảo sao vậy?

Thạch thiền-sư nói:

— Hoàng-huynh đã làm hộ câu đối cho chư-tăng, chư-tăng chửa tạ một chén rượu nào; nay lại khinh-di bắt Hoàng-huynh làm thơ, thế ra người giỏi chỉ làm đầy tớ người vụng, mà có công lại không được thưởng chút gì!

Chư-tăng nghe nói vỗ tay cả cười mà rằng:

— Thạch thiền-sư nói phải lắm!

Liền gọi chú tiểu rót rượu dâng lại

Phùng-Ngọc nói:

— Xin hãy để đây, tôi viết thơ xong rồi uống luôn thể, xin chư tiên-sinh hạn vần thơ cho.

Cổ-khê nói:

— Hôm nay hội cả ở Phạn-vương-cung thời bài thơ vịnh núi Trường nhĩ xin lấy vần cung; còn núi Kỳ-bàn kia vuông như cái đài xin lấy vần đài. Song vịnh núi Trường-nhĩ sao lại lấy vần cung? vì bác Tư-Trai tôi trở về đường còn xa phải ngủ lại ở chùa này, nên vịnh bài thơ này để tỏ ý trước cùng Thạch thiền-sư vậy.

Chúng-tăng cả cười đều lấy làm phải Phùng-Ngọc thung-dung cầm bút dấm vào nghiên lấy mực, đặt tờ hoa tiên trên án, rồi giơ bút lên viết như long-xà phi vũ, vụt chốc xong ngay, chư-tăng trông thấy đều ngơ ngác kinh dị, rồi đều đứng dậy xúm quanh lại xem, thấy trên tờ hoa-tiên viết một đầu đề rằng: « Tiết Trùng-cửu ngũ ở núi Trường-nhĩ » lấy vần cung. Thơ rằng:

Cheo leo non Nhĩ ngất từng không,
Nọ giữa lưng trời cảnh phạn cung.
Đỉnh Phụng chạm mây gương nguyệt chếch,
Doành Ngân gợn sóng khói đan xông.
Hương bay nghi ngút tòa sen ngát,
Sương thỏa thâm-nghiêm cửa bụt phong.
Đương giấc du-sơn chưa tỉnh mộng,
Gà đâu gáy giục rạng trời đông.

Lại bài thơ vịnh “Đá bàn cờ” rằng:

Non cao ai khéo đắp nên đài?
Này cảnh cờ tiên cảnh lạ thay!
Lốm-đốm điểm sao quân kể vạn,
Rõ ràng vạch đá nước chia hai.
Được thua bày cuộc khen ai tạc,
Cao thấp đua tài mặc khách chơi.
Nhắn bảo cao-nhân nào những kẻ,
Thử lên đấu-trí với ông trời.

Chúng-tăng thấy Phùng-Ngọc viết xong hai bài thơ, chữ tốt như rồng, nét tươi như hoa, mà văn thơ lại hay, chúng tăng chỉ nức-nở khen hoài, không ai chữa được một chữ nào cả.

Tư-Trai nói:

— Thạch sư-phụ tôi xin mời chư-vị ngồi lại uống rượu; trẻ nhà quê nó mới học làm cho tắc-trách đó thôi, chớ thơ từ đã hay hớm gì là mấy.

Thạch thiền-sư bèn gọi chư-tăng ngồi lại vừa uống rượu vừa xem thơ. Chúng-tăng nói:

— Chén rượu này xin mời Hoàng-huynh cạn đi cho. Bây giờ trời đã xế chiều, chúng tôi xin cáo từ. Tư-Trai ông đường về còn xa, xin nghỉ lại ở đây cho tiện; ngày mai trở về có đi qua tệ quán, xin mời tôn-ông và lịnh lang quá-bộ vào chơi, thời chúng tôi lấy làm vẻ-vang lắm

Cổ-khê nói:

— Thế nào cũng qua chơi, ngày mai tôi xin cắt người theo hầu.

Tư-Trai vâng lời, chúng-tăng cả mừng rồi cùng đứng dậy chắp tay xin cáo-từ. Thạch thiền-sư mời lưu lại một đôi lời rồi tiễn chư-tăng ra khỏi cửa chùa tống-biệt. Thạch thiền-sư trở vào mời cha con Tư-Trai đến mái hậu-hiên ngoạn-cảnh, trông lên đỉnh núi đá bàn-cờ, bèn sai tiểu-đồng hái thứ chè ở trên đỉnh núi ấy đem pha cho cha con Tư Trai uống, rồi bàn luận về lẽ bất-sinh bất-diệt của phái phật-học một hồi lâu, thời trời vừa tối, nhà sư gọi thắp đèn dọn-dẹp rồi đi nghỉ. Sớm hôm sau thức dậy, Tư-Trai cáo từ xin về, thiền-sư cố mời lưu lại một hôm nữa. Ngày hôm sau mới cáo-từ ra về, Thạch thiền-sư đưa ra khỏi cửa chùa cầm tay Phùng-Ngọc mà rằng:

— Tôi xem tướng lịnh-lang mi-mục quang-thái, sau này lắm duyên kỳ-ngộ, công-danh phúc-thọ không biết đâu mà lượng được. Bần-tăng có một đạo thần-chú bí-quyết chỉ mười bốnchữ, xin đưa cho lịnh-lang nhớ lấy, rồi sau sẽ gặp được vợ đẹp chớ đừng quên.

Nói rồi liền đưa ra một phong thư nhỏ tặng cho Phùng-Ngọc Phùng-Ngọc nhận lấy rồi cáo-từ mà trở ra về. Thực là:

Định sẵn nhân duyên sau sẽ gặp,
Tặng cho thần-chú trước làm môi.