Báo cáo tình hình buôn người năm 2022

Báo cáo tình hình buôn người năm 2022  (2022) 
của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Báo cáo được công bố vào tháng 7 năm 2022.

VIỆT NAM (Danh sách theo dõi Nhóm 3)

Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người, và cũng không có những nỗ lực đáng kể để thực hiện việc này, thậm chí là không xem xét tác động của dịch COVID-19 đối với năng lực chống nạn buôn người của chính quyền, do đó Việt Nam bị tụt xuống danh sách theo dõi nhóm 3. Mặc dù không có nỗ lực đáng kể, chính quyền đã thực hiện một số biện pháp đối phó với nạn buôn người, bao gồm việc ban hành các chính sách điều tra chính thức lấy trẻ em làm trung tâm nhằm khắc phục những thiếu sót đã tồn tại từ lâu trong pháp luật hiện hành; tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật; triển khai một quy trình đánh giá pháp luật hiện hành về chống buôn người để sửa đổi luật; đạt được sự gia tăng khiêm tốn trong việc xác định nạn nhân trong 5 năm; và trợ giúp được nhiều nạn nhân hơn so với năm 2020. Chính quyền cũng đã ban hành một loạt các chính sách để xóa bỏ các khoản phí dịch vụ và phí hoa hồng do người lao động chi trả mà lâu nay đã đặt người lao động Việt Nam trước rủi ro cao của việc trở thành nạn nhân lao động cưỡng bức để trừ nợ trong một số ngành và ở một số quốc gia nhập khẩu lao động chủ yếu. Tuy nhiên, chính quyền báo cáo số vụ kết án bọn buôn người bị giảm trong năm thứ 5 liên tiếp; và số vụ truy tố tội phạm buôn người cũng giảm đáng kể so với năm 2020. Nhà chức trách tiếp tục thanh tra hàng ngàn cơ sở có nguy cơ buôn bán nô lệ tình dục cao nhất mà không xác định được nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục nào trong quá trình thanh tra, mặc dù tình trạng này rất phổ biến tại các cơ sở nói trên. Chính quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính đối với hai nhà ngoại giao Việt Nam được cho là đã đồng lõa dẫn đến hai người Việt Nam trở thành nạn nhân buôn người ra nước ngoài trong kỳ báo cáo, và chính quyền đã không có những nỗ lực đáng kể để bảo vệ nạn nhân trong những vụ việc trên. Ngược lại, đôi khi nhà chức trách đã sách nhiễu và gây sức ép đối với những nạn nhân sống sót và gia đình họ để cố gắng dập tắt những cáo buộc về việc cán bộ nhà nước đồng lõa trong các vụ buôn người.

CÁC KHUYẾN NGHỊ CẦN ĐƯỢC ƯU TIÊN: Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi pháp luật về chống buôn người, bao gồm việc sửa đổi bộ luật hình sự để tội phạm hóa tất cả các hình thức buôn bán nô lệ tình dục trẻ em 16 tuổi và 17 tuổi phù hợp với pháp luật quốc tế * Truy tố nghiêm khắc tất cả các hình thức buôn người, kết án và trừng trị bọn buôn người, bao gồm các vụ án liên quan đến lao động cưỡng bức hoặc có cán bộ nhà nước đồng lõa; * Tiếp tục đào tạo cán bộ về các văn bản hướng dẫn thi hành Điều 150 và Điều 151 Bộ luật hình sự, tập trung vào việc xác định và điều tra các vụ án về cưỡng bức lao động và buôn người trong nước, bao gồm cả các vụ việc mà nạn nhân là nam giới. * Phối hợp với xã hội dân sự, cập nhật và đào tạo các cán bộ nhà nước về các văn bản hướng dẫn về xác định nạn nhân và tăng cường hợp tác liên ngành về xác định và trợ giúp nạn nhân trong số các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người lao động di cư, người hành nghề mại dâm, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện trong các cuộc kiểm tra và thanh tra của cảnh sát đối với các cơ sở kinh doanh tiếp tay cho hoạt động mại dâm; lao động trẻ em; công dân Bắc Triều Tiên, công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. * Hoàn thiện và thực thi những sửa đổi của cơ chế chuyển nạn nhân quốc gia (NRM) năm 2014. * Xóa bỏ tất cả các khoản phí tuyển dụng do người lao động chi trả và các hình thức tuyển dụng lao động có tính chất săn mồi đối với người lao động di cư ra nước ngoài hoặc di cư đến Việt Nam; tăng cường các nỗ lực giám sát các công ty tuyển dụng lao động và bên thứ ba môi giới lại lao động, và giám sát thực hiện các điều khoản bảo vệ người lao động trong các hợp đồng ký kết với người lao động di cư; truy tố các mạng lưới môi giới lại lao động có tính chất săn mồi hoặc bất hợp pháp. * Mở rộng đào tạo cho các nhân viên công tác xã hội, các cán bộ có trách nhiệm phản ứng đầu tiên với nạn buôn người và tòa án về các phương pháp tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm khi làm việc với nạn nhân buôn người, trong đó có sự quan tâm hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý. * Thực thi và phân bổ đủ nguồn lực cho kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2021-2025. * Mời các chuyên gia độc lập xác minh về việc chấm dứt tình trạng lao động cưỡng bức trong các trung tâm cai nghiện ma túy và công khai kết quả xác minh.

HOẠT ĐỘNG TRUY TỐ sửa

Chính quyền đã giảm các nỗ lực thực thi pháp luật, trong đó có việc không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính đối với hai cán bộ được cho là đã đồng lõa trong các tội phạm về cưỡng bức lao động. Điều 150 Bộ luật hình sự tội phạm hóa hành vi buôn bán người lao động và buôn người vì mục đích tình dục đối với nạn nhân là người đã thành niên và quy định hình phạt tù từ 5 đến 10 năm và phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng (từ 879 đến 4.390 đô la). Điều 151 tội phạm hóa hành vi buôn bán người lao động và buôn người vì mục đích tình dục đối với nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi và quy định hình phạt tù từ 7 đến 12 năm và phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng (từ 2.200 đến 8.790 đô la). Các hình phạt này đủ mức độ nghiêm khắc, và hình phạt đối với hành vi buôn người vì mục đích tình dục tương xứng với các hình phạt quy định cho các tội phạm nghiêm trọng khác như tội hiếp dâm. Điều 150 không thống nhất với pháp luật quốc tế, áp dụng đối với trẻ em từ 16 tuổi đến 17 tuổi và yêu cầu phải có thủ đoạn ép buộc, lừa gạt, hoặc cưỡng bức thì mới cấu thành hành vi buôn người vì mục đích tình dục; do đó, quy định này không tội phạm hóa tất cả các hình thức buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục. Theo báo cáo trước đây của các quan sát viên xã hội dân sự, điều này dẫn đến sự lúng túng của các tòa án về cách thức xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em 16 tuổi và 17 tuổi, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến buôn bán người lao động, và cản trở các thực tiễn tốt nhất theo cách tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm trong những vụ việc nói trên. Trong một nỗ lực khắc phục tình trạng này, năm 2021, Bộ Công an ban hành một chính sách mới quy định quy trình lấy trẻ em làm trung tâm trong điều tra tội phạm buôn người đối với nạn nhân dưới 18 tuổi; đây là văn bản đầu tiên do chính quyền ban hành hướng dẫn các cán bộ thực thi pháp luật xử lý các vụ án buôn người liên quan đến trẻ em 16 tuổi và 17 tuổi như là các vụ buôn bán trẻ em. Nhà chức trách không báo cáo số liệu thống kê về thực thi pháp luật trong năm 2021. Việt Nam vẫn duy trì luật phòng chống mua bán người năm 2011 có phạm vi rộng, tập trung chủ yếu vào các biện pháp phòng ngừa; luật này có một số quy định mâu thuẫn với các định nghĩa trong bộ luật hình sự. Theo các đại diện của các tổ chức phi chính phủ, một số cán bộ nhà nước không biết chắc chắn là áp dụng luật phòng chống mua bán người năm 2011 hay bộ luật hình sự khi xử lý các vụ án buôn người. Chính phủ đã hoàn thành tổng kết thi hành luật này và ban hành kế hoạch hành động gồm 6 bước để khắc phục những thiếu sót của luật, trong đó có khoảng trống về phạm vi điều chỉnh của luật đối với vụ việc buôn người liên quan đến trẻ em 16 tuổi và 17 tuổi, dự kiến luật sẽ được sửa đổi, bổ sung vào năm 2023. Chính phủ cũng đã ban hành quyết định chính thức phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đầu tiên của Việt Nam giai đoạn 2021-2025, trong đó bao gồm hướng dẫn cụ thể về truy tố. Không có thông tin cụ thể hơn được công bố về nội dung của những sáng kiến nói trên hay tình trạng thực hiện các sáng kiến này vào cuối kỳ báo cáo.

Chính phủ tăng số vụ điều tra tội phạm buôn người trong năm 2021 nhưng giảm số vụ truy tố và kết án tội phạm buôn người so với năm trước. Mặc dù gặp phải những thách thức do đại dịch, chính phủ đã tiếp tục cung cấp dữ liệu thực thi pháp luật được bóc tách theo loại hình buôn người. Theo Bộ Công an, nhà chức trách đã điều tra 149 đối tượng bị tình nghi buôn bán người trong 77 vụ buôn người trong năm 2021 (so với 144 đối tượng bị tình nghi buôn bán người bị điều tra trong 110 vụ buôn người năm 2020). Con số này bao gồm 7 vụ điều tra buôn bán người vì mục đích tình dục, 3 vụ điều tra về cưỡng bức lao động, và 67 vụ điều tra về tình trạng bóc lột chưa được xác định cụ thể “vì mục đích giao hoặc nhận tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác” theo quy định tại Điều 150 và Điều 151 bộ luật hình sự (dữ liệu này không được bóc tách trong năm 2020). Nhà chức trách không cung cấp thông tin đầy đủ để xác định 67 vụ buôn người nói trên có đáp ứng định nghĩa về buôn người theo tiêu chuẩn quốc tế hay không. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 177 đối tượng bị tình nghi phạm tội buôn người trong 98 vụ án trong năm 2021, giảm so với 180 đối tượng trong 106 vụ án năm 2020. Trong số này, 120 đối tượng trong 68 vụ án đã bị truy tố, bao gồm 44 vụ án truy tố theo Điều 150 và 24 vụ án truy tố theo Điều 151; giảm so với 102 vụ án – 65 vụ truy tố theo Điều 150 và 37 vụ truy tố theo Điều 151 – liên quan đến 161 đối tượng trong năm 2020. 68 vụ truy tố bao gồm 14 vụ buôn bán người vì mục đích tình dục, 3 vụ lao động cưỡng bức và 51 vụ bóc lột chưa xác định rõ mục đích; 3 vụ liên quan đến tội phạm buôn người trong nước và 65 vụ buôn người xuyên quốc gia (giảm so với 79 vụ buôn bán người vì mục đích tình dục, 18 vụ lao động cưỡng bức và 5 vụ bóc lột chưa xác định rõ mục đích, với 5 vụ buôn người trong nước và 97 vụ buôn người xuyên quốc gia trong năm 2020). Các tòa án đã thụ lý 66 vụ án liên quan đến 132 đối tượng bị cáo buộc phạm tội buôn người nhưng chỉ đưa ra xét xử 49 vụ liên quan đến 94 bị cáo (giảm so với 107 vụ án được thụ lý liên quan đến 175 đối tượng bị cáo buộc phạm tội buôn người, dẫn đến xét xử 84 vụ liên quan đến 136 bị cáo trong năm 2020). Trong số 49 vụ truy tố, tòa án xét xử 27 vụ liên quan đến 51 bị cáo bị truy tố theo Điều 150 và 22 vụ liên quan đến 43 bị cáo bị truy tố theo Điều 151 (giảm so với 60 vụ và 95 bị cáo bị truy tố theo Điều 150 và 24 vụ và 136 bị cáo bị truy tố theo Điều 151 trong năm 2020). Việt Nam duy trì tỷ lệ kết án cao và tiếp tục áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm buôn người. Hệ thống tòa án kết án tổng cộng 94 bị cáo (giảm so với 136 bị cáo bị kết án năm 2020) theo Điều 150 và Điều 151. Các bản án tuyên phạt bọn buôn người từ dưới 3 năm tù đến tù chung thân theo Điều 150 và Điều 151 (năm 2020 các bản án tuyên phạt bọn buôn người từ 3 năm tù đến 20 năm tù).

Trong kỳ báo cáo, tòa án đôi khi phải đóng cửa do đại dịch; tuy nhiên, để bảo đảm rằng các vụ án hình sự - bao gồm các vụ án về buôn bán người – được xét xử kịp thời, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nghị quyết cho phép tất cả các phiên tòa hình sự, dân sự và hành chính có thể được tiến hành trực tuyến bắt đầu từ tháng 1 năm 2022. Tòa án nhân dân tối cao cũng tiếp tục chỉ đạo các tòa án lên lịch xét xử vào cuối tuần, thuê thêm địa điểm hoặc sử dụng các địa điểm ngoài trời để tổ chức các phiên họp, và ưu tiên mở các phiên tòa sắp hết thời hạn xét xử. Các quan sát viên xã hội dân sự ghi nhận những cải thiện đáng kể trong việc thực thi pháp luật về chống buôn người ở một số tỉnh, trong đó có nỗ lực khắc phục tình trạng cưỡng bức lao động trẻ em trong ngành may mặc ở khu vực Tây Bắc. Dự liệu rằng các lệnh đóng cửa biên giới do đại dịch có thể dẫn đến gia tăng tình trạng buôn người trong nước, Bộ Công an đã ban hành các chính sách chỉ đạo cán bộ thực thi pháp luật tập trung vào việc phát hiện và xử lý tội phạm buôn người xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Công an tiếp tục tiến hành kiểm tra các cơ sở bị nghi ngờ buôn bán người vì mục đích tình dục, mặc dù có những thách thức liên quan đến đại dịch. Theo báo cáo, các cán bộ thực thi pháp luật đã tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin và hợp tác điều tra với các cơ quan đối tác ở Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ và một số quốc gia ở hạ lưu sông Mê kong, bao gồm các đặc khu kinh tế ở Lào. Chính phủ không nhận được yêu cầu dẫn độ nào liên quan đến các vụ việc buôn người trong năm 2021.

Năm 2021, một tùy viên lao động người Việt Nam ở Ả rập Xê út và một nhân viên khác bị cáo buộc đã trực tiếp giúp sức cho hành vi cưỡng bức lao động đối với một số người Việt Nam ở Ả rập Xê út. Chính quyền cho biết đã bắt đầu điều tra về vụ việc; quá trình điều tra vẫn tiếp diễn vào cuối kỳ báo cáo. Nhà chức trách cho phép viên chức ngoại giao nói trên tiếp tục giữ chức vụ và không khởi tố hay áp dụng bất kỳ chế tài xử phạt hành chính nào. Mặc dù nhà chức trách xử phạt hành chính đối với một số doanh nghiệp liên quan đến việc tuyển dụng gian dối hoặc vận chuyển các nạn nhân đến Ả rập Xê út, nhưng nhà chức trách không truy cứu trách nhiệm hình sự; một số kẻ đồng phạm này trở về Việt Nam hoặc di chuyển sang nước khác trong khu vực và theo báo cáo, họ vẫn tiếp tục các hoạt động tuyển dụng mà không bị xử phạt. Nhà chức trách Việt Nam đã xử phạt một công ty xuất khẩu lao động do không giải quyết được một vấn đề về thanh toán; công ty này cho rằng hành động này của chính quyền là sự trả đũa đối với nỗ lực của công ty trong việc trợ giúp một số nạn nhân báo cáo về tình trạng bị lạm dụng. Trong một vụ án khác, chính quyền bắt và khởi tố 4 viên chức lãnh sự cao cấp của Bộ Ngoại giao về hành vi âm mưu trục lợi bằng việc ép buộc những người Việt Nam bị kẹt lại ở nước ngoài trong đại dịch phải chi trả các khoản phí cao cắt cổ để được trở về nước – một nguồn cho vay nợ phổ biến mà bọn buôn người thường khai thác. Nhà chức trách không cung cấp thêm thông tin về những cáo buộc này, và các cáo buộc này dường như không xuất phát từ các sự việc xảy ra ở Ả rập Xê út nêu trên. Công an lưu ý rằng việc trích xuất, lưu trữ, phân tích chứng cứ điện tử cùng với những quy định không rõ ràng về việc chấp nhận chứng cứ điện tử tại tòa án đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của chính quyền trong việc chống tội phạm buôn người trên Internet. Chính phủ tiếp tục cung cấp các khóa đào tạo về chống buôn người – đôi khi với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ nước ngoài – cho các cán bộ nhà nước, bao gồm các cán bộ thực thi pháp luật, các lực lượng bảo vệ biên giới, kiểm sát viên, thẩm phán và các nhân viên công tác xã hội ở cấp huyện, tỉnh và xã. Trên cơ sở phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục xem xét và tổ chức các cuộc thảo luận về các vụ án buôn người đã kết thúc với nỗ lực phát triển án lệ để tham khảo trong các vụ án sau này.

BẢO VỆ NẠN NHÂN sửa

Chính phủ duy trì các nỗ lực trong việc bảo vệ nạn nhân, nhưng hai cán bộ bị cáo buộc đồng lõa với bọn buôn người đã sách nhiễu, hăm dọa và tiếp tay cho việc tiếp tục bóc lột các nạn nhân buôn người sống sót mà không bị xử phạt. Năm 2021, chính phủ công bố đã xác định 126 nạn nhân buôn người, trong đó có 114 người là phụ nữ và 12 người là nam giới; 45 nạn nhân là trẻ em (tăng so với 121 nạn nhân được xác định năm 2020, trong đố có 112 người là phụ nữ, 9 người là nam giới và 32 nạn nhân là trẻ em). Trong số này, 120 nạn nhân là người Việt Nam, và 96 người là nạn nhân buôn người xuyên quốc gia. 22 người là nạn nhân của lao động cưỡng bức và 28 người là nạn nhân của “bóc lột tình dục”, một số người trong 28 nạn nhân này có thể nằm ngoài định nghĩa về buôn người theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn một nửa số nạn nhân được xác định (64 người) là thành viên các cộng đồng dân tộc thiểu số. 76 người là nạn nhân buôn người chưa xác định rõ mục đích; trong những năm trước, số này bao gồm nạn nhân của tình trạng “kết hôn bất hợp pháp” và “nuôi con nuôi bất hợp pháp”, cả hai trường hợp này đều nằm ngoài định nghĩa quốc tế về buôn người (năm 2020, các con số tương ứng là 64 và 3). Chính phủ áp dụng các tiêu chí xác định nạn nhân theo Sáng kiến phối hợp cấp bộ trưởng về chống buôn người tiểu vùng sông Mê kông (COMMIT) và quy trình riêng được phê chuẩn năm 2014 của mình để xác định nạn nhân; tuy nhiên, các quy trình xác định nạn nhân này vẫn chủ yếu mang tính chất phản ứng tình thế - hơn là mang tính chủ động – của các cơ quan chủ chốt. Quy trình xác định nạn nhân vẫn còn quá rắc rối và phức tạp, yêu cầu sự xác nhận của nhiều bộ để nạn nhân có thể chính thức được xác định và hỗ trợ. Các văn bản hướng dẫn thi hành kém hiệu quả về quy trình xác định nạn nhân đã ngăn cản bộ đội biên phòng, cán bộ thực thi pháp luật và các cán bộ nhà nước phát hiện và trợ giúp nạn nhân một cách đầy đủ. Nhà chức trách không chủ động sử dụng các tiêu chí COMMIT hoặc quy trình riêng của họ để sàng lọc các dấu hiệu cảnh báo về buôn người trong các nhóm dân số dễ bị tổn thương, bao gồm những người hành nghề mại dâm, những người quá cảnh qua biên giới, người lao động trong ngành ngư nghiệp và chế biến hải sản, người lao động di trú từ nước ngoài trở về và lao động trẻ em. Mặc dù tiến hành hơn 36.000 cuộc thanh tra các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao nhất về buôn người vì mục đích tình dục, nhà chức trách không xác định được bất kỳ nạn nhân buôn người vì mục đích tình dục nào trong các cuộc thanh tra này.

Chính phủ duy trì một quy trình chuyển nạn nhân chính thức trên toàn quốc được phê chuẩn năm 2014, nhưng cơ chế này không được thực thi một cách có hệ thống do một số cán bộ địa phương chưa quen thuộc với các quy tắc và chính sách chống tội phạm buôn người, thiếu sự hợp tác giữa các vùng, và năng lực hạn chế của các nhân viên công tác xã hội. Trong kỳ báo cáo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì thực hiện một quy trình liên bộ để rà soát và sửa đổi cơ chế chuyển nạn nhân quốc gia cũng như để soạn thảo các văn bản hướng dẫn bổ sung về tiếp nhận nạn nhân và cung cấp các dịch vụ bảo trợ nạn nhân buôn người; nhưng chưa hoàn thành hoạt động nào tính đến cuối kỳ báo cáo. Chính phủ không công bố tổng số nạn nhân được chuyển đến các trung tâm bảo trợ nạn nhân của các tổ chức phi chính phủ hoặc của nhà nước (năm 2020, có 25 nạn nhân được chuyển đến các trung tâm bảo trợ, 20 nạn nhân được chuyển đến công an, 19 nạn nhân được chuyển đến tổ chức phi chính phủ và 3 nạn nhân được chuyển đến Trung tâm phát triển phụ nữ thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), và cũng không bóc tách dữ liệu về việc nạn nhân nhận được sự trợ giúp từ các tổ chức phi chính phủ hay từ các nguồn chính thức. Nhà chức trách có ghi nhận và giải quyết 111 yêu cầu trợ giúp nạn nhân dưới hình thức chăm sóc y tế và tâm lý, trợ giúp pháp lý, chỗ ở, nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại, đào tạo nghề và vay vốn (tăng so với 84 yêu cầu trợ giúp được giải quyết trong năm 2020). Những nạn nhân sống sót được hưởng lợi từ các dịch vụ này bao gồm 12 nạn nhân là nam giới, 99 nạn nhân là phụ nữ, và 5 nạn nhân là người nước ngoài – trong đó có 4 người Campuchia và 1 người Thái Lan (năm 2020 không có báo cáo về số liệu này). 34 nạn nhân có yêu cầu và đã được trợ giúp pháp lý. Về xác định nạn nhân, hơn một nửa số nạn nhân sống sót được trợ giúp là thành viên các nhóm dân tộc thiểu số (64 người). Với nguồn kinh phí tài trợ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục vận hành đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ dành cho nạn nhân của tội phạm, trong đó có nạn nhân buôn người. Các nhân viên trực tổng đài đường dây nóng có thể nói tiếng Việt, tiếng Anh và 7 ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Mặc dù đường dây nóng báo cáo tổng số cuộc gọi nhận được có tăng – 3.808 cuộc gọi so với 2.826 cuộc gọi trong năm 2020 – nhưng số cuộc gọi liên quan đến nạn nhân buôn người trong kỳ báo cáo lại giảm: 35 cuộc gọi liên quan đến 39 nạn nhân, giảm so với 59 cuộc gọi liên quan đến số nạn nhân không xác định trong năm 2020. Đa số các trường hợp này (28 trường hợp) lên quan đến trẻ em. Các quan sát viên cho rằng sự thay đổi này là do tăng số trường hợp người mất tích được báo cáo và giảm số người dễ bị tổn thương di chuyển qua biên giới quốc tế trong thời gian áp dụng các lệnh hạn chế đi lại do đại dịch. Đường dây nóng đã chuyển 19 trường hợp trong số này đến công an để phục hồi và điều tra, 16 trường hợp đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trợ giúp tiếp theo, 2 trường hợp đến một tổ chức phi chính phủ và một trường hợp đến nhà tạm lánh của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Chính phủ duy trì tùy viên lao động tại các phái đoàn ngoại giao ở các nước tiếp nhận số lượng lớn người lao động di cư Việt Nam có giấy tờ như Nhật Bản, Malaixia, Ả rập Xê út, Hàn Quốc, Đài Loan và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Các phái đoàn ngoại giao này có thể cung cấp nhu yếu phẩm, dịch vụ vận chuyển và chăm sóc y tế cho công dân Việt Nam bị buôn bán ra nước ngoài. Nhà chức trách Bộ Ngoại giao không báo cáo dữ liệu đầy đủ về số người hồi hương, nhưng phái đoàn ngoại giao Việt Nam ở My-an-ma báo cáo đã tiếp nhận, xác định và cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho 16 nạn nhân nữ bị bóc lột tình dục là người Việt Nam tại nước này – bao gồm 14 phụ nữ và 2 trẻ em gái – tăng so với 9 nạn nhân trở về nước từ My- an-ma vào năm 2020. Bộ Ngoại giao đã làm việc với nhà chức trách My-an-ma để cấp kinh phí và tổ chức hồi hương cho 11 nạn nhân trong số 16 người nói trên, sau khi 5 người quyết định ở lại My-an-ma.

Quy định cách ly bắt buộc và các lệnh hạn chế khác để phòng dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến một số dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân trong kỳ báo cáo. Chính quyền tiếp tục trợ giúp các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có nạn nhân buôn người thông qua 51 trung tâm bảo trợ xã hội và 43 trung tâm dịch vụ xã hội trên cả nước; một số cơ sở này hoạt động bằng nguồn kinh phí của các tổ chức phi chính phủ, và không có cơ sở nào cung cấp dịch vụ dành riêng cho nạn nhân là nam giới hoặc trẻ em. Trong kỳ báo cáo, Chính phủ cũng công bố một loạt các hành động liên quan đến bảo vệ nạn nhân nhằm sửa đổi, bổ sung hoặc làm rõ các chính sách, pháp luật và sáng kiến hiện hành. Tháng 5 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chính thức phê duyệt Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ kịp thời cho tất cả trẻ em là nạn nhân của buôn bán người vì mục đích tình dục và cưỡng bức lao động. Chính phủ cũng đã thông qua một văn bản mới hướng dẫn luật người lao độngViệt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, trong đó bổ sung hoặc tăng cường các phương án trợ giúp về tài chính, pháp lý và dạy nghề cho người lao động Việt Nam trở về nước trước khi hết hạn hợp đồng, trong đó bao gồm những người chạy trốn khỏi tình trạng lao động cưỡng bức. Một chính sách mới khác về phát triển các dự án tạo thu nhập cho nạn nhân buôn người sống sót trở về trong các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở miền núi. Nhà chức trách không cung cấp thông tin về việc thi hành các chính sách này trong năm 2021. Nhà chức trách cho phép các nạn nhân ở tại các cơ sở trợ giúp tối đa là 3 tháng và có trợ cấp tiền ăn và hỗ trợ y tế theo một thông tư được ban hành năm 2020. Một nghị định được ban hành trong kỳ báo cáo trước quy định nạn nhân của tội phạm buôn người ra nước ngoài được hưởng 4 dịch vụ hỗ trợ: nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý và trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng chính phủ không có các nhân viên công tác xã hội được đào tạo đầy đủ hoặc có kinh nghiệm để cung cấp sự hỗ trợ thích hợp cho nạn nhân buôn người. Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền có đại diện pháp lý cho nạn nhân buôn người; luật không yêu cầu nạn nhân phải có mặt trước tòa án hoặc khai báo trực tiếp tại tòa án. Luật cũng cho phép nạn nhân buôn người được bồi thường trong các vụ án xét xử tội phạm buôn bán người; chính phủ không cung cấp dữ liệu đầy đủ về bồi thường, nhưng thông qua rà soát hồ sơ các vụ án cho thấy có ít nhất 7 vụ tòa án quyết định bồi thường từ 10 triệu VNĐ đến 100 triệu đồng ((từ 439 đến 4.390 đô la) trong năm 2021 (trong năm 2020, có ít nhất 10 vụ án mà tòa án quyết định bồi thường với dữ liệu không được bóc tách, mức bồi thường cao nhất là 45,3 triệu đồng, tương đương 1.990 đô la). Chính phủ khuyến khích các nạn nhân buôn người hỗ trợ trong các quy trình tố tụng tư pháp chống lại bọn buôn người; tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ trước đây báo cáo rằng các nạn nhân thường ít có khả năng khai báo về việc họ bị lạm dụng trong quy trình tố tụng tư pháp do lo sợ rằng họ có thể bị bắt hoặc bị trục xuất vì vượt biên không có giấy tờ. Trong kỳ báo cáo, Bộ Công an đã thiết lập 25 phòng điều tra thân thiện với trẻ em ở cấp tỉnh để hỏi cung người dưới 18 tuổi, nhưng nhà chức trách không cung cấp số liệu thống kê về việc sử dụng các phòng này.

Chính phủ tiếp tục đào tạo cán bộ các cơ quan về xác định nạn nhân và bảo vệ nạn nhân. Trên cơ sở phối hợp với một tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao tiếp tục xây dựng quy trình chuyển nạn nhân chuẩn cho các cán bộ ngoại giao để hỗ trợ phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài là nạn nhân của bạo lực, trong đó có nạn buôn người. Tuy nhiên, sự đồng lõa của cán bộ nhà nước là mối quan ngại đáng kể trong kỳ báo cáo, trong đó có các vụ việc được cho là được thực hiện bởi hai cán bộ ngoại giao Việt Nam. Theo báo cáo, một cán bộ Bộ Ngoại giao đã sách nhiễu, đe dọa và hạn chế liên lạc đối với một số nạn nhân trong vụ cưỡng bức lao động ở Ả rập Xê út đã đề cập ở trên sau khi những nạn nhân này cố gắng yêu cầu trợ giúp. Một số nạn nhân trốn thoát và cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp tại Đại sứ quán Việt Nam, nhưng họ bị chính cán bộ ngoại giao nói trên ép buộc trở về với bọn buôn người. Trong các vụ việc khác, sau khi nạn nhân sống sót tìm kiếm nơi tạm lánh ở một tổ chức địa phương, chính cán bộ đó đã lừa gạt họ với những lời hứa hẹn cho hồi hương, để dụ dỗ họ ra ngoài và sau đó “bán” họ cho những chủ sử dụng lao động mới ở địa phương, để rồi những người này tiếp tục bóc lột họ và cưỡng bức lao động. Các tổ chức phi chính phủ và cảnh sát Ả rập Xê út đã giúp hầu hết các nạn nhân phục hồi và trở về nước mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào của chính phủ Việt Nam – mặc dù một đạo luật của Việt Nam quy định bắt buộc chi trả chi phí hồi hương cho tất cả người Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn người ra nước ngoài. Một tổ chức quốc tế đã phỏng vấn 10 người trong số những phụ nữ trở về từ Ả rập Xê út và xác định 4 người trong số họ là nạn nhân buôn người. Nhà chức trách địa phương cố gắng yêu cầu một đại diện ở Việt Nam của một trong các công ty đã đưa họ đi nước ngoài phải bồi thường cho nạn nhân; tuy nhiên, số tiền bồi thường chỉ được chi trả một phần hoặc thậm chí không hề được chi trả trong một số trường hợp. Theo báo cáo, chính quyền đã kiểm tra, thanh tra và xử phạt hành chính 10 trong số 20 doanh nghiệp đưa người lao động đi Ả rập Xê út, nhưng nhà chức trách không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giúp sức cho tội phạm buôn người của các doanh nghiệp này. Nhà chức trách cũng đã xử phạt một công ty xuất khẩu lao động do không giải quyết được tranh chấp với người lao động về tiền lương, nhưng các đại diện của tổ chức phi chính phủ giải thích đây là hành động trả đũa của chính quyền đối với việc công ty này nỗ lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các nạn nhân. Ở Việt Nam, theo báo cáo, công an đã sách nhiễu và giám sát người nhà của một số nạn nhân hơn là hỗ trợ họ nhằm dập tắt các cáo buộc cán bộ nhà nước đồng lõa với bọn buôn người.

Do thiếu sự thực thi có hệ thống các quy trình sàng lọc lấy nạn nhân làm trung tâm trong các cuộc kiểm tra của công an đối với các cơ sở có nguy cơ cao nhất về buôn người vì mục đích tình dục, nhà chức trách có thể đã trừng phạt một số phụ nữ và trẻ em hành nghề mại dâm về những hành vi bất hợp pháp mà bọn buôn người ép buộc họ phải thực hiện. Ngoài ra, bất cập này cũng tiếp tục khiến cho nạn nhân là người nước ngoài, bao gồm cả trẻ em, có nguy cơ bị trục xuất cao, mặc dù chính quyền khẳng định đã sàng lọc tất cả các cá nhân bị trục xuất theo các dấu hiệu cảnh báo về buôn người và không xác định được nạn nhân nào trong các vụ việc nói trên. Xã hội dân sự đã từng báo cáo rằng các nạn nhân Việt Nam di cư bằng các phương tiện không chính thức, hoặc đã bị ép buộc thực hiện các hoạt động bất hợp pháp do họ trở thành nạn nhân buôn người lo sợ bị nhà chức trách Việt Nam trả thù. Những nạn nhân này ít có khả năng hơn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ, và dễ trở thành nạn nhân buôn người một lần nữa. Các quan sát viên quốc tế trước đây cho biết các quan chức chính phủ thường đổ lỗi cho công dân Việt Nam về tình trạng họ bị bóc lột ở nước ngoài hoặc cho rằng các nạn nhân đã thổi phồng việc họ bị lạm dụng để tránh bị truy cứu về các vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh. Chính phủ không công bố việc cho các nạn nhân nước ngoài các lựa chọn pháp lý thay thế cho việc rời khỏi nước mà họ phải đối mặt với sự trả thù hay khó khăn.

PHÒNG NGỪA sửa

Chính phủ đã tăng cường các nỗ lực phòng ngừa tình trạng buôn người. Ban chỉ đạo do một phó thủ tướng làm trưởng ban, bộ trưởng và một thứ trưởng Bộ Công an làm phó ban, tiếp tục chỉ đạo công tác chống buôn người của Việt Nam. Chính phủ duy trì Kế hoạch hành động quốc gia về chống buôn người giai đoạn 2021-2025. Ngân sách dành cho phòng chống buôn người của chính phủ năm 2021 là 17 tỷ đồng (746.760 đô la), tăng so với ngân sách năm 2020 là 15,44 tỷ đồng (678.100 đô la). Nhà chức trách không báo cáo ngân sách được phân bổ cho mỗi tỉnh ít hơn con số này (so với 9,8 tỷ đồng hay 430.490 đô la được phân bổ cho mỗi tỉnh năm 2020). Chính quyền trung ương, bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiếp tục tổ chức một số chiến dịch quy mô lớn nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về chống buôn người, nhiều chiến dịch trong số đó có sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ khác, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ đã tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức để quảng bá về đường dây nóng. Chính phủ không công bố bất kỳ thông tin nào về việc thực thi kế hoạch hành động quốc gia, nhưng chính phủ tiếp tục giám sát và đánh giá những tiến triển của mình trong việc thực thi kế hoạch thông qua các báo cáo nội bộ hàng tuần, hàng tháng và 6 tháng.

Năm 2021, chính phủ phối hợp với một tổ chức quốc tế thông qua luật sửa đổi, bổ sung Luật số 69 cấm thu phí môi giới và dịch vụ đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và mở rộng phạm vi bảo vệ đối với người lao động, trong đó có quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động. Đáng chú ý là luật xóa bỏ các khoản phí dịch vụ do người lao động chi trả đối với người lao động Việt Nam tham gia Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật của Nhật Bản, trong đó các khoản phí và hoa hồng đã khiến cho hàng ngàn người lao động Việt Nam rơi vào nguy cơ cao bị cưỡng bức lao động để trừ nợ. Luật này cũng quy định thêm sự bảo vệ đối với các thuyền viên, các biện pháp phòng ngừa trên tàu cá và quy định bắt buộc phải có nhân sự hỗ trợ ở các nước tiếp nhận lao động di cư chủ yếu, bên cạnh các điểm mới khác của luật. Một nghị định khác quy định các khoản phí bổ sung là hình thức phạt đối với các doanh nghiệp săn mồi sử dụng các thủ đoạn quảng cáo sai sự thật hoặc tuyển dụng lao động có tính chất lừa đảo để nhử người lao động nhằm mục đích bóc lột hoặc cưỡng bức lao động; hoặc đối với doanh nghiệp không tiến hành đào tạo cho người lao động trước khi đưa họ ra nước ngoài hoặc không bồi thường thiệt hại cho người lao động; hoặc thu các khoản phí bất hợp pháp từ người lao động. Nhà chức trách không cung cấp thông tin về việc thi hành các quy định mới này. Quy định về tuyển dụng lao động của một số quốc gia tiếp nhận lao động đôi khi mâu thuẫn với các quy định mới nói trên; ví dụ, Nhật Bản thông qua một văn bản năm 2021 quy định rằng người lao động Việt Nam vẫn phải chi trả phí dịch vụ để được tham gia vào các chương trình làm việc ở nước này. Theo báo cáo, các công ty tuyển dụng lao động Việt Nam - đặc biệt là các công ty có liên hệ với các doanh nghiệp nhà nước, và các bên môi giới không có giấy phép – tiếp tục thu phí của người lao động tìm kiếm việc làm ở nước ngoài với mức cao hơn so với mức luật cho phép, khiến cho nhiều người lao động bị mắc nợ nần nhiều và bị bọn buôn người lợi dụng để bóc lột. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được 58 đơn khiếu nại dân sự liên quan đến tuyển dụng lao động trong năm 2021, giảm so với 160 đơn khiếu nại trong năm 2020; dẫn đến việc thanh tra 16 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, trong đó Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 doanh nghiệp, tổng số tiền phạt là 699 triệu đồng (30.710 đô la), giảm so với 84 cuộc thanh tra và 32 doanh nghiệp bị xử phạt lên đến 2 tỷ đồng (87.850 đô la) trong năm 2020. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không thu hồi giấy phép kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp tuyển dụng lao động nào do vi phạm Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 (trong năm 2020 thu hồi 6 giấy phép kinh doanh). Nhà chức trách tiếp tục làm việc với công an địa phương để điều tra và xác minh 128 trường hợp các tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi nước ngoài mà không có giấy phép (giảm so với 150 trường hợp trong năm 2020). Trên cơ sở phối hợp với một tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ nước ngoài, chính phủ tổ chức hội thảo lấy ý kiến thẩm định tài liệu tập huấn về chống buôn người dành cho Bộ đội Biên phòng và công an Việt Nam. Trong những năm trước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nâng cao nhận thức về pháp luật lao động và các thực tiễn lao động di cư an toàn cho các trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số báo cáo của các tổ chức phi chính phủ cho thấy Việt Nam không thực hiện các nỗ lực đầy đủ để giáo dục công chúng về những rủi ro vốn có của việc tìm kiếm việc làm ở nước ngoài thông qua các công ty xuất khẩu lao động không trung thực hoặc các kênh tuyển dụng lao động tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trong năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đàm phán với chính phủ các nước I-xra-en và Cô-oét để ký kết các thỏa thuận hợp tác về lao động; tuy nhiên tính đến cuối kỳ báo cáo, việc ký kết các thỏa thuận này vẫn chưa hoàn tất. Chính phủ cũng duy trì các thỏa thuận về lao động di trú hiện hành với Chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất dành cho người lao động giúp việc gia đình và với Chính phủ Nhật Bản về công nhân kỹ thuật lành nghề và thực tập sinh. Chính phủ cũng duy trì Biên bản ghi nhớ về hợp tác năm 2017 với Chính phủ Nhật Bản về tăng cường bảo vệ công dân Việt Nam tham gia Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật của Nhật Bản trong bối cảnh vẫn tiếp tục có các báo cáo về tình trạng bóc lột nghiêm trọng người lao động Việt Nam. Các báo cáo trước đây cho thấy chính quyền không thực hiện giám sát đầy đủ hợp đồng và các quy trình tuyển dụng theo một số thỏa thuận song phương nói trên. Ở trong nước, các quan sát viên của các tổ chức phi chính phủ lưu ý rằng do người lao động không thể thành lập tổ chức công đoàn độc lập nên sự bảo vệ các quyền của người lao động tiếp tục bị hạn chế, và việc hạn chế quyền tự do biểu đạt và tự do lập hội tiếp tục cản trở một số thảo luận công khai về các vấn đề quyền lao động và quyền đất đai cơ bản liên quan đến nguy cơ trở thành nạn nhân buôn người. Khác với năm 2021, chính quyền đã nỗ lực giảm nhu cầu mua dâm và du lịch tình dục trẻ em, trong đó có việc ban hành một nghị định mới tăng mức xử phạt lên gấp đôi đối với vi phạm hành chính liên quan đến “mại dâm” và buộc các doanh nghiệp tiếp tay cho mại dâm phải chịu trách nhiệm. Chính quyền không thực hiện các biện pháp từ chối nhập cảnh đối với những người Mỹ đã từng phạm tội về tình dục .

THỰC TRẠNG BUÔN NGƯỜI Ở VIỆT NAM sửa

Như đã báo cáo trong 5 năm qua, bọn buôn người bóc lột các nạn nhân trong nước và nước ngoài ở Việt Nam và bóc lột các nạn nhân từ Việt Nam đi ra nước ngoài. Đàn ông và phụ nữ Việt Nam di cư ra nước ngoài để lao động không chính thức, thông qua các mạng lưới môi giới bất hợp pháp do người Việt Nam ở nước ngoài điều hành, hoặc thông qua các công ty tuyển dụng lao động của nhà nước hoặc các công ty tuyển dụng lao động do nhà nước quản lý. Một số công ty tuyển dụng không đáp lại các yêu cầu trợ giúp của người lao động trong những trường hợp họ bị bóc lột, và một số công ty thu phí quá cao khiến cho người lao động dễ bị rơi vào tình trạng buộc phải lao động trừ nợ. Bọn buôn người biến các nạn nhân trở thành đối tượng của cưỡng bức lao động trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, khai thác mỏ, công nghiệp hàng hải, khai thác gỗ và công nghiệp chế tạo, chủ yếu ở Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, và một số vùng ở Trung Đông, châu Âu và Vương quốc Anh với mức độ ít hơn, ví dụ trong các cửa hàng làm móng và các trang trại trồng cần sa. Ngày càng có nhiều báo cáo về nạn nhân buôn người là người lao động Việt Nam ở Đài Loan, châu Âu lục địa, Trung Đông, và trong các ngành công nghiệp hàng hải Thái Bình Dương, trong đó có các tàu đánh cá của Inđônêxia và Đài Loan hoạt động dưới chế độ sở hữu và đăng ký phức tạp khiến cho bọn buôn người có thể trốn tránh sự phát hiện và can thiệp của cán bộ thực thi pháp luật. Theo báo cáo, bọn buôn người Việt Nam, bao gồm cả cán bộ ngoại giao Việt Nam, đã đưa công dân Việt Nam vào tình trạng lao động cưỡng bức ở Ả rập Xê út. Nhiều công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động trong Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật của Nhật Bản và trong các chương trình giáo dục nông nghiệp ở I- xra-en. Công dân Việt Nam bị hạn chế tự do di chuyển, bị tịch thu giấy tờ đi lại và giấy tờ tùy thân, bị đe dọa bạo lực thân thể, phải chịu điều kiện sống và làm việc nghèo nàn, hợp đồng không chính thức, bị lừa đảo tuyển dụng và buộc trục xuất tại các nhà máy do người Trung Quốc sở hữu có liên hệ với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở khu vực Ban-căng. Các lệnh hạn chế đi lại càng làm trầm trọng thêm các nguy cơ này đối với nhiều người lao động di cư Việt Nam ở nước ngoài, buộc một số người phải ở lại vị trí của họ một thời gian dài sau khi hết hạn hợp đồng.

Bọn buôn người ngày càng lợi dụng tình trạng thất nghiệp do đại dịch để dụ dỗ người Việt Nam – đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số - với những lời hứa hẹn giả dối về các cơ hội việc làm ở nước ngoài. Bọn buôn người bóc lột phụ nữ và trẻ em Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục ra nước ngoài; nhiều người bị lừa gạt về các cơ hội lao động và sau đó bị bán cho các nhà thổ ở vùng biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước châu Á khác, Tây Phi và châu Âu. Ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam trở thành nạn nhân của buôn bán nô lệ tình dục ở My-an-ma. Một số phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để kết hôn theo môi giới quốc tế hoặc để làm việc trong các nhà hàng, cơ sở mát-xa, quán bar karaoke - ở các nước như My-an-ma, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Singapore, và Đài Loan - bị cưỡng bức trở thành nô lệ giúp việc gia đình hoặc nô lệ tình dục. Theo báo cáo, bọn buôn người ở các bản làng khu vực biên giới đã bắt cóc phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số H’mông, và vận chuyển họ sang Trung Quốc để ép buộc kết hôn, đây là thực tiễn thường dẫn đến buôn bán nô lệ tình dục và/hoặc lao động cưỡng bức. Có các báo cáo về việc phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị ép buộc mang thai, trong đó có những trường hợp bọn buôn người dụ dỗ họ đến Trung Quốc với những cơ hội việc làm giả tạo, bắt cóc họ tại biên giới và vận chuyển họ đến các bệnh viện không chính thức, tại đó họ bị ép buộc thụ tinh nhân tạo và bị giam giữ cho đến khi sinh con. Theo báo cáo, phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam dễ trở thành nạn nhân lao động cưỡng bức và buôn bán nô lệ tình dục ở các “quán bar nữ” – các điểm giải trí quảng cáo các dịch vụ “kèm theo”, thường liên quan đến quan hệ tình dục với phụ nữ trẻ và trẻ em gái - ở các khu vực đô thị ở Nhật Bản. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động trong các đặc khu kinh tế ở Đông Nam Á – đặc biệt là ở đặc khu kinh tế Tam giác vàng tại điểm giao giữa biên giới My-an-ma, Thái Lan và Lào – đã biến công dân Việt Nam trở thành nạn nhân của việc tuyển dụng lừa đảo và buôn bán nô lệ tình dục. Bọn buôn người ngày càng gia tăng sử dụng internet, các trang web chơi game và đặc biệt là mạng xã hội để nhử các nạn nhân, lan rộng hoạt động buôn người, và kiểm soát nạn nhân bằng cách hạn chế họ truy cập mạng xã hội, mạo danh họ phát tán thông tin sai lệch trên mạng. Đàn ông thường dụ dỗ phụ nữ trẻ và trẻ em gái vào các mối quan hệ hẹn hò trên mạng và thuyết phục họ ra nước ngoài, sau đó biến họ thành nạn nhân của cưỡng bức lao động hoặc nô lệ tình dục. Trong quá trình di cư, các băng nhóm tội phạm ở châu Âu và bọn buôn người thường bóc lột nạn nhân Việt Nam dưới hình thức cưỡng bức lao động hoặc bóc lột tình dục trước khi nạn nhân đến được đích cuối cùng. Người điều hành các đồn điền nông nghiệp do người Việt Nam sở hữu đã biến người lao động di cư ở địa phương trở thành nạn nhân lao động cưỡng bức ở Lào.

Ở trong nước, tình trạng thất nghiệp liên quan đến đại dịch, hạn chế đi lại và các yếu tố khác gây sức ép về kinh tế - xã hội đã làm tăng nguy cơ trở thành nạn nhân buôn người, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em ở các vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số.

Bọn buôn người đôi khi chính là cha mẹ, thành viên trong gia đình, hoặc các mạng lưới buôn người quy mô nhỏ, bóc lột đàn ông, phụ nữ và trẻ em Việt Nam - trong đó có trẻ em lang thang và trẻ em khuyết tật - biến họ thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, mặc dù có rất ít thông tin về các vụ việc này. Một nghiên cứu cho thấy 80% nạn nhân buôn người ở Việt Nam là thành viên các cộng đồng dân tộc thiểu số. Một nghiên cứu khác cho thấy 5,6% trẻ em Việt Nam có thể đã từng bị cưỡng bức lao động hoặc bóc lột có dấu hiệu của buôn người hoặc trong bối cảnh di cư, trong đó trẻ em nông thôn và các cộng đồng nghèo đói có nguy cơ đặc biệt cao. Bọn buôn người bóc lột trẻ em và người đã thành niên dưới hình thức cưỡng bức lao động trong ngành may mặc, ép buộc trẻ em hành nghề bán rong và ăn xin trên đường phố ở các trung tâm đô thị lớn, cưỡng bức nạn nhân lao động hoặc lao động để trừ nợ trong các nhà máy gạch, các gia đình ở đô thị và các mỏ vàng ở nông thôn do tư nhân khai thác. Bọn buôn bán nô lệ tình dục nhắm mục tiêu vào nhiều trẻ em đến từ các vùng nông thôn nghèo và ngày càng nhiều phụ nữ đến từ tầng lớp trung lưu và khu vực đô thị. Bọn buôn người cũng ngày càng gia tăng bóc lột trẻ em gái thuộc các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, bao gồm bóc lột nô lệ tình dục và nô lệ giúp việc gia đình, bằng cách lợi dụng tập quán “bắt cóc cô dâu” truyền thống để thực hiện hoạt động tội phạm của chúng. Khách du lịch tình dục trẻ em, theo báo cáo đến từ châu Á, Vương quốc Anh và các nước khác ở châu Âu, Ô-xtrây-lia, Ca-na-đa và Hoa Kỳ, bóc lột trẻ em ở Việt Nam.

Chính phủ Bắc Triều Tiên có thể đã cưỡng bức người lao động Bắc Triều Tiên làm việc ở Việt Nam. Trong năm 2021, chính phủ Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ báo cáo về tình trạng gia tăng số nạn nhân buôn người là phụ nữ và trẻ em gái người Campuchia quá cảnh qua Việt Nam để sang Trung Quốc. Trong các năm trước đây, có các báo cáo về việc một số cán bộ nhà nước Việt Nam, chủ yếu ở cấp xã và thôn, đồng lõa và giúp sức cho việc buôn bán hoặc bóc lột nạn nhân bằng cách nhận hối lộ của bọn buôn người, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo buôn người, và moi tiền để đổi lấy việc nạn nhân được đoàn tụ với gia đình. Năm 2019, chính phủ công bố đã chấm dứt tình trạng cưỡng bức lao động đối với người sử dụng ma túy trong các trung tâm cai nghiện 105. Một điều luật năm 2014 yêu cầu phải có trình tự tố tụng tư pháp trước khi tạm giữ người sử dụng ma túy trong các trung tâm cai nghiện bắt buộc và người bị tạm giữ chỉ phải làm việc tối đa bốn giờ một ngày. Đã có các báo cáo trước đây về việc tù nhân, trong đó có những người bất đồng chính kiến về chính trị và tôn giáo, bị cưỡng bức lao động trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế tạo và các ngành nghề độc hại như chế biến hạt điều.

  Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: