Kế Hoàng Hậu: Hoàng hậu thứ hai của vua Càn Long

Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu (Tiếng Trung: 清高宗繼皇后, 11 tháng 3, năm 1718 - 19 tháng 8, năm 1766), Ô Lạp Na Lạp thị, là Hoàng hậu thứ 2 của Thanh Cao Tông Càn Long Đế.

Trong Thanh sử cảo, bà được gọi là Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị (皇后烏拉那拉氏), sử Triều Tiên gọi là Thanh Cao Tông Hoàng hậu (清高宗皇后), các sách đương thời gọi Na Lạp Hoàng hậu (那拉皇后) hay Nạp Lan Hoàng hậu (納蘭皇后).

Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu
清高宗繼皇后
Càn Long Đế Hoàng hậu
Kế Hoàng Hậu: Thân thế, Phong Phi lập Hậu, Hoàng hậu Đại Thanh
Bức chân dung được cho là Kế Hoàng hậu của Thanh Cao Tông, hiện trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Dole, Pháp
Hoàng quý phi Đại Thanh
(Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự)
Tại vị1 tháng 7 năm 1748
- 2 tháng 8 năm 1750
Đăng quang5 tháng 4 năm 1749
Tiền nhiệmHoàng quý phi Cao thị
Kế nhiệmHoàng quý phi Tô thị
Hoàng hậu Đại Thanh
Tại vị10 tháng 7 năm 1750
- 14 tháng 7 năm 1766
Đăng quang2 tháng 8 năm 1750
Tiền nhiệmHiếu Hiền Thuần Hoàng hậu
Kế nhiệmHiếu Thục Duệ Hoàng hậu
Thông tin chung
Sinh(1718-03-11)11 tháng 3, 1718
Mất19 tháng 8, 1766(1766-08-19) (48 tuổi)
Tử Cấm Thành, Bắc Kinh
An táng28 tháng 9 năm 1766
Minh lâu trong Phi viên tẩm của Thanh Dụ lăng
Phối ngẫuThanh Cao Tông
Càn Long Hoàng đế
Hậu duệ Kế Hoàng Hậu
Thụy hiệu
Không có
Thu hồi sách bảo
Thân phụNa Nhĩ Bố
Thân mẫuLang Giai thị

Từ vị trí Trắc Phúc tấn, Na Lạp thị tấn lên Phi rồi Quý phi. Sau khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu mất, chỉ trong vòng chưa tới 5 tháng, Na Lạp thị đã được Càn Long "tuyên bố" rằng bà sẽ là người kế thừa vị trí Trung cung, phong làm Hoàng quý phi, rồi tạo ra danh hiệu [Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự; 皇貴妃攝六宮事], lễ nghi án theo lễ lập Hậu. Có thể nói quy cách năm đó của Na Lạp thị là điều chưa từng có trong lịch sử nhà Thanh. Sau khi trở thành Hoàng hậu, Na Lạp thị cùng Càn Long Đế ân ái, thường đi theo Hoàng đế tham gia các buổi du tuần quan trọng. Tuy nhiên vào đầu năm Càn Long thứ 30 (1765), khi cùng Càn Long Đế thực hiện Nam tuần, Na Lạp thị đột ngột bị thất sủng và bị đưa về Bắc Kinh. Không lâu sau đó, Càn Long Đế ra chỉ thu hồi toàn bộ sách văn của bà và giam lỏng trong cung.

Quyết định này của Càn Long Đế cho đến nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi của lịch sử nhà Thanh. Việc bà bị cấm túc cũng đã dấy lên nhiều dị nghị bất bình trong triều đình lúc bấy giờ. Theo những tài liệu thể hiện, cùng lời giải thích vào năm 1778 của bản thân Càn Long Đế, ngày hôm đó Hoàng hậu Na Lạp thị đã cắt tóc để xuất gia, hành động cắt tóc (tiễn phát) là điều đại kỵ nhất trong quốc tục Mãn Thanh. Khi Na Lạp Hoàng hậu qua đời, Càn Long Đế không ban thụy hiệu, lại án theo lễ Hoàng quý phi mà an táng, dùng [Hoăng; 薨] thay vì [Băng; 崩] dành cho Đế-Hậu để tuyên cáo thiên hạ cái chết của bà. Những điều này đã khiến nhiều triều thần phản đối, có quan viên vì ngăn cản mà bị lưu đày. Rất nhiều lời đồn và nghi vấn về sự kiện này trong nhân gian, đặc biệt nhất là trong chuyến tuần du Giang Nam, chủ yếu xoay quanh việc Càn Long Đế định cho các kỹ nữ nhập cung khiến cho Hoàng hậu nổi giận mà cắt tóc.

Trong tờ [Thỉnh an chiết] được trưng bày tại bảo tàng Nam Kinh vừa được công bố triển lãm, có nội dung liên quan đến sự việc của Hoàng hậu. Cũng trong năm xảy ra việc, Càn Long Đế mệnh các Nội đại thần của Nội vụ phủ kiểm soát gắt gao hành tung của Hoàng hậu khi hạ lệnh giam lỏng bà, còn bắt tra khảo 3 vị cung nữ phục vụ bà ngay cái đêm mà Hoàng hậu cắt tóc. Chung quy, theo tờ thỉnh an chiết, thì đến cuối cùng Càn Long Đế cũng không hề biết được nguyên nhân vì sao Hoàng hậu đã làm vậy.

Thân thế Kế Hoàng Hậu

Dòng dõi

Cao Tông Kế Hoàng hậu Na Lạp thị, sinh ngày 10 tháng 2 (âm lịch) năm Khang Hi thứ 57. Trong sách Thanh sử cảo, bà được gọi là [Ô Lạp Na Lạp thị; 烏拉那拉氏], nhưng đúng ra bà phải được gọi là [Huy Phát Na Lạp thị; 輝發那拉氏], do dòng tộc bà là hậu duệ của Huy Phát Bối lặc Vương Cơ Trử.

Theo Khâm định Bát Kỳ thông chí (钦定八旗通志) và Bát Kỳ Mãn Châu thị tộc tông phổ (八旗满洲氏族通谱), dòng tộc của bà là Huy Phát Na Lạp thị vốn mang họ Na Lạp thị, sống tại vùng đất tên Huy Phát. Đất Huy Phát là khởi thủy bởi Huy Phát Bối lặc Vương Cơ Trử, xét là Mãn Châu Tương Lam kỳ thuộc Hạ Ngũ kỳ xuất thân. Nguyên gốc dòng họ của Hoàng hậu cần phải giải thích khá phức tạp, bổi vì vốn dĩ họ [Na Lạp thị] là một dòng dõi cổ xưa của người Nữ Chân, đã có ghi chép cuối thời nhà Đường, sang thời nhà Minh thì sinh ra 4 bộ lớn ở Hải Tây, tất cả đều mang họ Na Lạp thị, nên gọi [Na Lạp tứ bộ]. Bốn bộ ấy bao gồm: Diệp Hách, Ô Lạp, Cáp Đạt và Huy Phát.

Vấn đề gọi họ

Căn cứ "Tông phổ", trong 4 bộ tộc của Na Lạp thị thì có sớm nhất là Ô Lạp, sau một nhánh tộc Na Lạp đất Ô Lạp di cư sang Cáp Đạt, hình thành nên hai nhánh lớn của Na Lạp thị là dòng [Ô Lạp Na Lạp thị] và [Cáp Đạt Na Lạp thị]. Ngoài ra nếu trong lãnh thổ có một địa danh do họ [Na Lạp thị] cai quản, cũng lấy tên địa danh gọi thành tông tộc, như [Trương Na Lạp thị]. Về sau, có một người Mông Cổ tên Tinh Căn Đạt Nhĩ Hán (星根達爾漢), nguyên dòng dõi Thổ Mặc Đặc thị, xuất quân tiêu diệt Trương Na Lạp thị, phát hiện địa phương này lấy họ Na Lạp thị làm thủ lĩnh, cũng bèn đổi họ của mình qua Na Lạp thị, gọi là [Thổ Mặc Đặc Na Lạp thị]. Về sau, Thổ Mặc Đặc Na Lạp thị di cư đến đất Diệp Hách, hình thành nên dòng tộc [Diệp Hách Na Lạp thị] danh tiếng.

Tương tự như vậy, Hắc Long giang Nữ Chân có một chi là [Ích Khắc Đắc Lý thị], thủ lĩnh là một đôi anh em tên Ngang Cổ Lý (昂古里) và Tinh Cổ Lực (星古力), đem toàn bộ bộ tộc đến địa phương tên Trương. Địa phương có đại bộ chủ, tên Cát Dương Cát Thổ Mặc Đồ (噶揚噶土墨圖), họ Na Lạp thị, chịu trợ giúp hai anh em, nên hai anh em từ đó sửa họ lại thành Na Lạp thị. Về sau hậu duệ Tinh Cổ Lực di cư đến Huy Phát, phát kiến ra Huy Phát quốc, là ngọn nguồn của [Huy Phát Na Lạp thị]. Do tính chất phân nhánh như vậy của Na Lạp thị, các chi Na Lạp thị luôn tự xưng mình là dòng dõi cổ nhất trong 4 chi, tức Ô Lạp Na Lạp thị.

Cho nên đáng lý ra, Kế Hoàng hậu phải được gọi là [Hoàng hậu Huy Phát Na Lạp thị], nhưng dòng dõi của bà vẫn tự xưng là ["Ô Lạt Na Lạp thị"], đây cũng đều có nguyên do vì các gia tộc Mãn Châu luôn có hiện tượng "leo lên", tức là các bộ tộc ít tiếng tăm hơn đều tự xưng là một bộ tộc có cùng họ. Trong đây "Huy Phát" là nơi phát tích, "Na Lạp thị" mới là họ. Trường hợp này tương tự Giác La thị, đương thời có: Ái Tân Giác La thị, Y Nhĩ Căn Giác La thị, Tây Lâm Giác La thị, Thư Thư Giác La thị và Gia Mộc Hồ Giác La thị. Trong đó, ngoại trừ "Ái Tân Giác La" là hoàng thất, còn thì "Y Nhĩ Căn Giác La thị" là dòng họ có nhiều nhất, nên trong sách phong hoặc truyện ký, hậu duệ Thư Thư Giác La thị và Gia Mộc Hồ Giác La thị thường xuyên tự nhận mình là Y Nhĩ Căn Giác La, dù thực tế chẳng có liên quan gì. Trong các kim sách hoặc văn bản của người Mãn Thanh, nơi phát tích không thường được ghi kèm với họ mà chỉ ghi họ không, mà nơi phát tích dòng dõi của Kế Hoàng hậu là ["Huy Phát"], do đó đương thời bà chỉ được gọi là [Na Lạp thị] mà thôi.

Như vậy xét ra, Kế Hoàng hậu Na Lạp thị không cùng dòng dõi với Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu - nguyên phối của Thanh Thế Tông Ung Chính Đế; cũng như không hề liên quan đến gia tộc Ô Lạp Na Lạp thị của Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu.

Gia thế

Nếu chỉ xét về nguồn gốc, dòng dõi của Kế Hoàng hậu là dòng dõi của Huy Phát Quốc chủ Na Lạp thị, nhìn chung gốc gác rất cao quý. Cao tổ phụ là Mãng Khoa (莽科), là cháu nội của Huy Phát Bối lặc Vương Cơ Trử, cùng thế hệ với vị Bối lặc cuối cùng của Huy Phát quốc, Bái Âm Đạt Lý. Mãng Khoa dẫn tông tộc nhập Mãn Châu kỳ, phân phó ở Tương Lam kỳ, qua các đời được thế tập chức vụ [Tá lĩnh; 佐领], thuộc hàng Tứ phẩm. Mãng Khoa sinh La Hòa (罗和) nhậm chức Phó Đô thống. La Hòa sinh ra La Đa (罗多) nhậm chức Hộ quân Tham lĩnh và Na Nhĩ Bố (那爾布) nhậm chức Tá lĩnh. Na Nhĩ Bố là cha thân sinh ra Na Lạp thị, từng giữ chức ở Thịnh Kinh, do đó rất có thể Na Lạp thị sinh ra tại đây. Chính thất và cũng là mẹ của Na Lạp thị là Lang Giai thị (郎佳氏), ngoài Na Lạp thị còn sinh ra một con trai tên Nột Lý (讷里), Nột Lý sinh ra Nạp Tô Khẳng (纳苏肯; cũng phiên Nột Tô Khẳng 讷苏肯).

Suy xét về gia thế, gia đình của Kế Hoàng hậu không hề thấp kém, nhưng cũng không xem là quá vinh quý. Tổ phụ đảm nhiệm Phó Đô thống, bá phụ đảm nhiệm Hộ quân Tham lĩnh, tuy xem là cao cấp quan viên, song xét với Thượng thư hay Đô thống vẫn là có chênh lệch. Tuy vậy, cha bà được tập tước Tá lĩnh, mà ở xã hội Mãn Châu, tầng lớp cai trị rất xem trọng thể thức "Thế quản Tá lĩnh", và "Thế tước thế chức"; biểu thị cho địa vị của dòng tộc trong xã hội Mãn Châu khi đó. Trong đó, Thế tước thế chức biểu thị địa vị gia tộc có công lao khai quốc mà được thụ phong, còn Thế quản Tá lĩnh lại biểu thị dòng dõi có truyền thống và gốc gác cao. Đấy là bởi vì để có được chức Tá lĩnh, thông thường đều là từ tầng lớp giai cấp ["Bộ trưởng"] (nghĩa là tộc trưởng của một bộ tộc) của người Nữ Chân khi xưa, vì những Bộ trưởng sau khi nhập kỳ mới đủ tư cách có chức Tá lĩnh. Người Mãn có tư duy tôn sùng "Bộ trưởng" đặc biệt cao, nhất là giai đoạn đầu thời kì nhập quan. Khi Thanh Thánh Tổ Khang Hi Đế chọn lập Hoàng hậu, tính chọn cháu gái Sách Ni, thì Ngao Bái không đồng tình, mà nên chọn con gái của Át Tất Long. Vì bởi lẽ, Sách Ni tuy là phụ chính đại thần, quan hàm cao quý, song xuất thân Hách Xá Lý thị rất thấp, chỉ là Hải Tây bộ nhân, không có chức Bộ trưởng hay Lộ trưởng, trong khi đó Át Tất Long xuất thân Nữu Hỗ Lộc thị cao quý, thế tập Lộ trưởng của Anh Ngạch địa phương.

Điều này không có nghĩa gia đình của Kế Hoàng hậu Na Lạp thị là có địa vị cực cao, nếu tính ra thì tuy dòng dõi Huy Phát quốc chúa, song gia đình bà không thuộc chi gần bằng gia tộc của Thông Quý (通貴) thuộc Tương Hồng kỳ, cũng là tử tôn của Vương Cơ Trử, chi tộc này có Thế quản Tá lĩnh lẫn Thế tước truyền đời. Nên là nếu xét dòng dõi thì Na Lạp thị rất sang trọng và có gốc gác, nhưng gia tộc lại không mấy hiển hách khá giả. Đó là điểm khác biệt khi xét về dòng dõi và gia thế của người Bát kỳ.

Phong Phi lập Hậu Kế Hoàng Hậu

Trở thành Trắc Phúc tấn

Na Lạp thị nguyên xuất thân là Mãn Châu Tương Lam kỳ, tức [Kỳ phân Tá lĩnh] hay [Ngoại Bát kỳ], do đó theo lệ sẽ tham gia trong các đợt Bát kỳ tuyển tú, và trong đợt ấy bà đã được chọn làm Trắc Phúc tấn của Bảo Thân vương Hoằng Lịch - chính là Càn Long Đế sau này.

Vào thời gian trước vì tư liệu khiếm khuyết, thời điểm Na Lạp thị được chỉ định không xác định rõ. Căn cứ vào tư liệu tuyển tú, năm Ung Chính thứ 5 (1727) tiến hành Bát kỳ tuyển tú, cùng với dựa theo thường quy suy tính ba năm một lần dưới triều Ung Chính, thì các mốc tuyển tú còn lại sẽ là: năm thứ 2 (1724), năm thứ 8 (1730) và năm thứ 11 (1733). Dựa theo bản thân Càn Long Đế về sau cũng từng nói: ["Tự Hoàng khảo khi ban làm Trắc thất phi của Trẫm, hơn 20 năm tới nay”], cộng thêm tính thời gian trong chỉ dụ vào năm Càn Long thứ 15 (1750), thì trước khi có tư liệu của Quất Huyền Nhã (橘玄雅), nhiều nhận định cho rằng Na Lạp thị lại ở đợt tuyển tú năm Ung Chính thứ 8 (1730) nhập Bảo Thân vương phủ (thực ra đó là Trọng Hoa cung trong Tử Cấm thành, chưa bao giờ được gọi là "Bảo Thân vương phủ", do Hoằng Lịch luôn ở trong cung). Tuy nhiên dựa theo cứ liệu trước mắt, Na Lạp thị ở năm Ung Chính thứ 12, mùa xuân, mới được chỉ định làm Trắc Phúc tấn cho Bảo Thân vương Hoằng Lịch.

Theo điều tra hồ sơ ban thưởng, thì vào tháng 5 năm Ung Chính thứ 12, cho thưởng cho cha của Na Lạp thị là Na Nhĩ Bố cùng chính thê vật phẩm. Sang ngày 29 tháng 10 (âm lịch) sang năm sau (1735), ban cho nhà Na Nhĩ Bố dinh trạch ở rộng 42 gian, từ tư liệu này biết được thì nguyên nhà của Na Nhĩ Bố ở phía Đông ven sông Hà Tạo. Trên thực tế, nhà Na Nhĩ Bố căn bản là trung đẳng Bát Kỳ, dòng dõi cao quý nhưng lại không thịnh vượng, gia tộc đã bắt đầu xuống dốc. Trước đó, một vị tỷ tỷ của Na Lạp thị được gả cho một Tông Thất vị Công tước, một đường chất nữ gả vào Trịnh Thân vương phủ, nhưng chung quy đối với gia tộc cũng không mang lại lợi ích gì lớn lao. Bởi vậy, có thể hình dung toàn bộ gia tộc đối với việc Na Lạp thị trở thành Trắc Phúc tấn của Hoằng Lịch đã ôm rất nhiều kỳ vọng. Cùng năm ấy (tức năm Ung Chính thứ 12), ngày 8 tháng 11 (âm lịch), Khâm Thiên giám quyết định là "ngày lành tháng tốt", cử hành lễ đưa Na Lạp thị vào Trọng Hoa cung. Năm ấy, Na Lạp thị chỉ vừa 16 tuổi. Thanh cung mãn sư Quất Huyền Nhã thuyết minh vào đời Thanh, lễ Trắc Phúc tấn cưới vào phủ của Thân vương, đều như lễ cưới Đích Phúc tấn của Quận vương, đấy là theo lệ thường, do đó khi Na Lạp thị năm ấy cưới cho Bảo Thân vương chính xác là dùng lễ Đích Phúc tấn của Quận vương. Ngoài ra còn một số vật phẩm cho cha mẹ bà, đều là theo lệ thường.

Trong các đợt Bát kỳ tuyển tú, Hoàng đế có thể chọn các tú nữ vừa mắt cho Hoàng tử - Thân vương, đó là một loại vinh dự vì do chính Hoàng đế ban hôn. Mà có thể tham dự Bát kỳ tuyển tú, thì chắc chắn xuất thân và gia thế không thể nào tồi, nên thông thường đều là Đích Phúc tấn, hoặc ít nhất cũng là Trắc Phúc tấn. Tuy chỉ là trắc thất, song địa vị Trắc Phúc tấn trong phủ đệ vương công cũng được xem là cao quý, có sắc phong, đãi ngộ và triều phục đều theo quy định của triều đình gần giống Đích Phúc tấn. Đây cũng là một trong các lý do Na Lạp thị được chọn làm Hoàng hậu về sau.

Sơ phong Nhàn phi

Năm Ung Chính thứ 13 (1735), ngày 23 tháng 8 (âm lịch), Thanh Thế Tông Ung Chính Đế băng hà. Ngày 3 tháng 9 (âm lịch) cùng năm, Bảo Thân vương Hoằng Lịch nối ngôi, sử gọi [Càn Long Đế]. Cùng ngày hôm ấy, dụ tôn Hi phi Nữu Hỗ Lộc thị làm Hoàng thái hậu, lập Đích phúc tấn Phú Sát thị làm Hoàng hậu.

Ngày 24 tháng 9 (âm lịch) cùng năm ấy, Càn Long Đế mới quyết định danh vị cho phi tần. Hoàng đế ra chỉ dụ tấn Trắc phúc tấn Na Lạp thị là Phi, tạm gọi [Na phi; 那妃]. Cùng ngày đó, có Trắc phúc tấn Cao thị được dụ tấn Quý phi, đứng đầu chúng tần phi và trên Na phi. Ngoài ra còn có Cách cách Tô thị và Cách cách Hoàng thị đều phong Tần, Cách cách Kim thị phong làm Quý nhân, còn Cách cách Hải thị cùng Cách cách Trần thị làm Thường tại.

Năm Càn Long thứ 2 (1737), ngày 4 tháng 12, lấy Hiệp bạn Đại học sĩ Lễ Bộ Thượng thư Tam Thái (三泰) làm Chính sứ, Nội các Học sĩ Đại Kỳ (岱奇) làm Phó sứ, tuyên chỉ sách phong Phi Na Lạp thị phong hiệu là Nhàn phi (娴妃). Theo Hồng xưng thông dụng (鴻稱通用) của Nội vụ phủ soạn thảo, “Nhàn” theo Mãn văn là 「Elehun」, ý là “Điềm nhiên”, “Thản nhiên”, “Điềm tĩnh”.

Sách văn viết:

Tấn phong Quý phi

Năm Càn Long thứ 10 (1745), ngày 23 tháng 1 (âm lịch), Càn Long Đế ra chỉ dụ tấn phong Quý phi Cao thị làm Hoàng quý phi. Bên cạnh đó Hoàng đế cũng quyết định đại phong hậu cung, tấn phong Nhàn phi Na Lạp thị, Thuần phi Tô thị đều trở thành Quý phi, Du tần lên Phi, Ngụy Quý nhân lên Tần. Nguyên văn lời dụ năm ấy:

Càn Long năm thứ mười. Ất sửu. Tháng giêng. Ất vị. Dụ, trẫm phụng Hoàng thái hậu ý chỉ. Quý phi sinh ra nơi vọng tộc, Tá trì hậu cung, hiếu kính tính thành, Ôn cung tố trứ, nay tấn phong Hoàng quý phi. Dĩ chương thục đức. Nhàn phi, Thuần phi, Du tần, Ngụy Quý nhân. Phụng thị cung đình, thận chuyên uyển thuận. Nhàn phi, Thuần phi tấn phong Quý phi, Du tần tấn phong Du phi, Ngụy Quý nhân tấn phong Lệnh tần. Dĩ chiêu dạ quyến. Khâm thử. Đặc biệt truyền dụ. Cai thuộc cấp ứng với điển lễ. Xét lệ cụ tấu.

Khoảng 2 ngày sau khi có chỉ dụ, Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao thị đã hoăng thệ, Nhàn Quý phi Na Lạp thị bấy giờ có phẩm vị cao nhất trong Hậu cung vì chỉ xếp sau Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu. Còn Tô thị tuy đồng vị Quý phi, có tư lịch lâu hơn và sinh hạ Hoàng tam tử Vĩnh Chương cùng Hoàng lục tử Vĩnh Dung, song Tô thị xuất thân thường dân, còn Na Lạp thị xuất thân Mãn Châu quý tộc, hơn nữa từ khi ở tiềm để thì Na Lạp thị đã là Trắc Phúc tấn còn Tô thị là Cách cách, do đó hiển nhiên rằng địa vị của Na Lạp thị cao quý hơn. Bên cạnh đó, Na Lạp thị khi được đề cập cùng Tô thị đều luôn được đứng trước trong các ghi chép, mà việc đứng trước hay sau trong các tài liệu cổ cực kì quan trọng và nghiêm ngặt. Cùng năm vào tháng 2, ngày Giáp Dần, Càn Long Đế dụ trong Nghi trượng của Hoàng quý phi và Quý phi, một số bộ phận dùng màu [Kim hoàng sắc; 金黄色], như vậy thì về cơ bản Hoàng đế đã nâng Nhàn Quý phi cùng Thuần Quý phi có địa vị cao hơn rất nhiều nếu so với các vị Quý phi ở hai thời Khang Hi và Ung Chính, hay thậm chí là so với Tuệ Hiền Hoàng quý phi vừa mất.

Ngày 17 tháng 11 (âm lịch) cùng năm, lấy Đại học sĩ Sử Di Trực (史貽直) làm Chính sứ, Lễ bộ Hữu thị lang Giác La Thặc Nhĩ Sâm (覺羅勒爾森) làm Phó sứ, sách phong Nhàn phi Na Lạp thị làm Nhàn Quý phi (嫻貴妃).

Sách văn viết:

Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự

Năm Càn Long thứ 13 (1748), ngày 11 tháng 3 (âm lịch), Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời, ngôi vị Hoàng hậu do đó để trống.

Ngày 1 tháng 7 (âm lịch) cùng năm ấy, chỉ khoảng 4 tháng sau khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu mất, Càn Long Đế ra một đạo chỉ dụ dẫn một phần ý chỉ của Sùng Khánh Hoàng thái hậu, tuyên bố hậu cung không thể vô chủ, mà Nhàn Quý phi đoan trang huệ hạ, rất xứng kế vị, nhưng niệm đi tình cảm với Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, nên khảo trước tiền lệ triều Minh cùng lễ sách lập Đổng Ngạc Hoàng quý phi thời Thuận Trị, trước tiên tấn phong Nhàn Quý phi Na Lạp thị lên Hoàng quý phi. Trong đạo chỉ dụ, Càn Long Đế còn tuyên bố sau 27 tháng mãn tang Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, sẽ lập Hoàng quý phi Na Lạp thị làm Hoàng hậu, kế nhiệm Trung cung một cách chính thống.

Thực tế, trước đó vào ngày 21 tháng 4 (âm lịch), tức chỉ vừa 1 tháng sau khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời, đã xuất hiện ghi chép từ Nội vụ phủ đề cập đến [Hoàng quý phi cùng các tần phi đến Tĩnh An trang Tấn cung], được công bố trong tập hồ sơ đã xuất bản Thanh đại Ung Hòa cung đương án sử liệu (清代雍和宫档案史料). Đoạn hồ sơ nói đến việc Càn Long Đế đến đích thân tưới rượu lễ cho Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, và Hoàng quý phi Na Lạp thị được các Thái giám lĩnh sự và Thái giám ở Ung Hòa cung, Dực Khôn cung, Vĩnh Thọ cung cùng Trữ Tú cung tháp tùng. Như vậy có thể thấy, Na Lạp thị chỉ trong vòng 1 tháng sau khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời đã được dụ tấn phong làm Hoàng quý phi, thủ lĩnh chúng tần phi xử lý tang nghi của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, chỉ là chưa công bố chính thức do gặp đại tang. Bên cạnh đó, Thể Thuận đường - Đông Nhĩ phòng của Dưỡng Tâm điện là nơi dùng để cho thị tẩm Hoàng hậu, sau khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu vừa qua đời nửa tháng, thì đã ghi nhận việc sửa sang Đông Nhĩ phòng và cho đón Na Lạp thị từ Tây Nhĩ phòng vào.

Tước vị [Hoàng quý phi] mà Na Lạp thị hưởng hoàn toàn không giống bình thường, bởi vì đãi ngộ cùng đặc ân hưởng của Na Lạp thị đều án theo mọi nghi lễ của Hoàng hậu, cũng có thể thống lĩnh lục cung với tư cách của Hoàng hậu, Càn Long Đế đặc biệt gọi đấy là Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự (皇貴妃攝六宮事).

Đoạn đặc dụ ấy có nội dung:

Ngày 5 tháng 4 sang năm (1749), lấy Đại học sĩ Lai Bảo (來保) làm Chính sứ, Lễ bộ Thượng thư Hải Vọng (海望) làm Phó sứ, chính thức tiến hành đại lễ sách phong Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự. Ngày 8 tháng 4, dâng thêm huy hiệu cho Sùng Khánh Từ Tuyên Hoàng thái hậu, thêm hai chữ [Khang Huệ; 康惠]. Chiếu cáo thiên hạ.

Sách văn rằng:

Theo ghi chép, lễ sách phong của Hoàng quý phi Na Lạp thị không giống Hoàng quý phi bình thường, mà đều tương đồng với Hoàng hậu như cử hành chiếu cáo thiên hạ việc sách lập Hoàng quý phi, khiển quan viên tế cáo Thái Miếu, Phụng Tiên điện cùng Viên khâu, Phương trạch và Xã tắc. Cùng năm đó, Gia phi Kim thị được lên Quý phi, các phi tần khác như Lệnh tần Ngụy thị, Thư tần Diệp Hách Na Lạp thị và Quý nhân Trần thị cũng đều thăng lên 1 cấp, nhưng lễ tế cáo Thái Miếu Hậu điện cùng Phụng Tiên điện của các phi tần kia đều được cử hành khác ngày, còn lễ của Hoàng quý phi Na Lạp thị lại riêng hẳn 1 ngày. Đây là một đại lễ rất đáng chú ý, bởi vì nhà Thanh khi sách phong phi tần tập thể như vậy, đều cử hành tế cáo chung 1 ngày, chỉ duy có Hoàng hậu là sẽ dùng lễ khác riêng biệt mà thôi, hơn nữa Na Lạp thị là tế cáo ở Thái Miếu chứ không phải Thái Miếu hậu điện, rất khác các phi tần khác. Điều này cho thấy địa vị rất đặc biệt của Na Lạp thị, tất cả đều ngang với Trung cung. Tuy nhiên, sách Thanh thực lục thời Càn Long ghi các lễ này khác hẳn, Na Lạp thị cùng 4 vị tần phi đều cùng 1 ngày cử hành khiển quan tế cáo Thái Miếu hậu điện, đây có lẽ là do ghi chép thiếu sót triều Gia Khánh Đế, vì Thanh thực lục thời Càn Long chỉ bắt đầu soạn từ đời vị Hoàng đế này, còn những ghi nhận kia có từ Hoàng triều Văn hiến thông khảo (皇朝文献通考), được soạn từ thời Càn Long.

Ngoài ra, căn cứ Khâm định Đại Thanh hội điển tắc lệ (钦定大清会典则例) hoàn thành vào năm Càn Long thứ 29 (1764), khi phong Na Lạp thị làm [Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự], Càn Long Đế đã dùng chữ [Sách lập; 册立] dành cho Hoàng hậu, thay vì [Sách phong; 册封] dành cho một phi tần, các sách về sau mới dần sửa thành "Sách phong", như sách văn phía trên là được ghi theo Hội điển được soạn vào thời Gia Khánh. Theo điển chế nhà Thanh, Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự Na Lạp thị là vị Hoàng quý phi đầu tiên được dùng màu [Minh hoàng sắc; 明黄色] - loại màu vàng tươi sáng mà trước đó chỉ được dùng bởi Hoàng thái hậu, Hoàng đế cùng Hoàng hậu. Từ đó về sau, việc Hoàng quý phi triều Thanh có phẩm phục mang màu vàng này mới thành điển lệ.

Bên cạnh những đãi ngộ đặc thù trên, Hoàng quý phi Na Lạp thị còn được hưởng hành lễ và biểu dâng. Ngày hôm sách lập Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự còn cử hành lễ ăn mừng dâng tôn hiệu cho Sùng Khánh Hoàng thái hậu, Hoàng đế nhân dịp sách lập Na Lạp thị mà chiếu cáo thiên hạ, trong chiếu thư có 18 hạng mục lớn nhỏ. Bên cạnh đó ông còn khiển quan tế cáo Sông, Núi cùng Thần linh và Lịch đại đế vương trong các thần miếu. Buổi lễ sách lập tổ chức theo quy mô lập Hậu, do đó có đại lễ khánh hạ, triệu tập Tần phi cùng Công chúa, Phúc tấn và Cáo mệnh phu nhân trật Tam phẩm trở lên đều vào Giao Thái điện hướng đến trước Na Lạp thị tiến hành đại lễ bái lạy được gọi là [Lục túc tam quỳ tam bái; 六肃三跪三叩禮] - một loại hành lễ mà mệnh phụ chỉ dùng khi chúc mừng Hoàng thái hậu và Hoàng hậu. Còn các Vương công đại thần, Văn võ bá quan mặc áo Mãng bào chúc mừng tại Thái Hòa điện.

Trước Na Lạp thị, chỉ có Đổng Ngạc Hoàng quý phi và Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu được cử hành lễ sách phong Hoàng quý phi (trường hợp Đôn Túc Hoàng quý phi và Tuệ Hiền Hoàng quý phi đều bệnh nặng không thể cử hành lễ mà chỉ có chỉ dụ tấn phong). Mặc dù lễ của Đổng Ngạc thị cũng được ghi nhận ra sức long trọng như chiếu cáo thiên hạ cùng lệnh gia tôn thêm huy hiệu cho Hoàng thái hậu, hay dùng cụm từ [sách lập] thay vì [sách phong], nhưng lễ của Na Lạp thị lại được Càn Long Đế tổ chức không khác lễ sách lập Trung cung Hoàng hậu về mặt hình thức, ngoài ra còn tuyên bố thẳng trong chiếu dụ rằng sau khi mãn tang Đại hành Hoàng hậu sẽ được sách lập làm Kế hậu. Về sau, khi Hiếu Toàn Thành Hoàng hậu được phong Hoàng quý phi cũng án theo Na Lạp thị, gọi là [Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự] nhưng lễ sách phong và việc chiếu cáo thiên hạ đều gộp chung khi tổ chức sách lập Hoàng hậu.

Trong lịch sử nhà Thanh, Na Lạp thị là một trong ba vị Hoàng quý phi duy nhất được đảm nhiệm mọi việc ở hậu cung như một Hoàng hậu chân chính bên cạnh Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu và Hiếu Toàn Thành Hoàng hậu. Bà cũng là vị đầu tiên và một trong ba vị duy nhất được tấn phong Hoàng quý phi để kế nhiệm vị trí Trung cung Hoàng hậu, sau bà là Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu và Hiếu Toàn Thành Hoàng hậu.

Hoàng hậu Đại Thanh Kế Hoàng Hậu

Kế vị Trung cung

Năm Càn Long thứ 15 (1750), ngày 10 tháng 7, Càn Long Đế xuống chỉ dụ lập Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự làm Hoàng hậu:

Chỉ dụ này chỉ định vào ngày 10 tháng 7, Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự Na Lạp thị đã chính thức trở thành Hoàng hậu, chỉ cần đợi lễ sách lập nữa là hoàn thành. Nhưng thực tế ngay từ tháng giêng đầu năm, một bộ phận hồ sơ cung đình đã dùng danh xưng [Hoàng hậu] để gọi bà, hơn nữa lễ Thiên thu (sinh nhật) của bà cũng đã sớm án theo lễ Hoàng hậu mà tiến hành. Như vậy có thể thấy, Na Lạp thị chưa đầy năm đã hoàn toàn được hưởng quy cách Hoàng hậu, việc chọn ngày làm lễ sách lập rốt cuộc cũng chỉ là hình thức.

Ngày 2 tháng 8 (âm lịch) cùng năm, lấy Đại học sĩ Phó Hằng làm Chính sứ, Đại học sĩ Sử Di Trực làm Phó sứ, tuyên sách lập Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi Na Lạp thị trở thành Hoàng hậu. Cùng dịp ấy, lại dâng thêm huy hiệu cho Sùng Khánh Từ Tuyên Khang Huệ Hoàng thái hậu, thêm hai chữ [Đôn Hòa; 敦和]. Chiếu cáo thiên hạ.

Sách văn viết:

Xuân phong đắc ý

Bấy giờ, Hoàng hậu Na Lạp thị được Càn Long Đế rất sủng ái, thực sự xuân phong đắc ý, vinh quang phi thường. Khoảng thời gian này bà chủ yếu sống ở Dực Khôn cung, dù trước đó đã có ghi nhận bà đã ở tại đây từ khi còn là Nhàn phi.

Từ khi được tấn dụ làm Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi năm Càn Long thứ 13, vào ngày 30 tháng 7 (âm lịch) cùng năm, gia đình bà đã nhập Mãn Châu Chính Hoàng kỳ, còn đạt được đặc phong tước vị [Thừa Ân hầu; 承恩侯]. Đến khi vừa lập làm Hoàng hậu, cha bà được phong làm [Nhất đẳng Thừa Ân công; 一等承恩公], mẹ bà trở thành Thừa Ân công phu nhân. Cháu trai bà Nạp Tô Khẳng, trước đó vào ngày 11 tháng 4 (âm lịch) trong năm ấy, chỉ tầm 1 tháng sau khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời, đã được Càn Long Đế phong cho chức Càn Thanh môn thị vệ, khi Na Lạp thị trở thành Hoàng hậu, thì được tiếp nhận tước vị [Nhất đẳng hầu; 一等侯], thế tập truyền đời.

Hoàng hậu Na Lạp thị từ vị tần phi, tuy hơn 30 tuổi chưa hề sinh nở cho hoàng thất, nhưng vẫn được Càn Long Đế quyết định lập làm Hoàng hậu, hơn nữa từng ban cho địa vị Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự có cùng sự đối đãi tương đương Hoàng hậu, có thể thấy là hiếm có trong lịch sử nhà Thanh. Nếu không phải vì năng lực được Sùng Khánh Hoàng thái hậu bảo chứng, thì cũng là vì Càn Long Đế đặc biệt coi trọng bà. Từ khi kế vị Trung cung, bà luôn có mặt trong các dịp Càn Long Đế bái yết Tông miếu, luôn cùng Hoàng đế ngao du Giang Nam, lên Ngũ Đài sơn thắp hương, tuần du Tây Nam. Các tần phi đi theo, sẽ có người này, người kia tùy đợt mà được chỉ định đi cùng, chỉ riêng Hoàng hậu Na Lạp thị [không hề thiếu], có thể thấy sự gần gũi giữa bà cùng Hoàng đế là không hề ít.

Bên cạnh đó, Hoàng hậu Na Lạp thị là một trong số ít những người được Càn Long Đế tin tưởng mà giao cho việc chỉnh sửa y phục. Đó là ghi chép trong Xuyên đái đương (穿戴档), ghi nhận lại những chỉ dụ về việc dâng tiến và chỉnh sửa trang phục cho Hoàng đế. Năm Càn Long thứ 23, ngày 15 tháng 3, Hồ Thế Kiệt truyền chỉ, dẫn nguyên văn của Hoàng đế:“Cổ áo choàng hơi nhỏ, về đến hoàng cung, đưa cho Hoàng hậu sửa lại nhé”. Hay như một lần khác, truyền chỉ mời Hoàng hậu làm thêm một cái túi Đông Châu để đeo.

Trung niên sinh dục

Năm Càn Long thứ 17 (1752), ngày 25 tháng 4 (tức ngày 7 tháng 6 dương lịch), giờ Dần, Hoàng hậu sinh hạ Hoàng thập nhị tử Vĩnh Cơ. Sang năm sau, ngày 23 tháng 6 (tức ngày 23 tháng 8 dương lịch), giờ Dần, Na Lạp thị lại sinh hạ Hoàng ngũ nữ.

Năm Càn Long thứ 20 (1755), 22 tháng 4 (âm lịch), Hoàng nữ mất khi mới 2 tuổi, lúc này Hoàng hậu Na Lạp thị đang mang thai. Cùng năm ấy, vào ngày 21 tháng 12 (tức ngày 2 tháng 1 sang năm 1756), giờ Mão, sinh hạ Hoàng thập tam tử Vĩnh Cảnh (永璟).

Ở độ tuổi hơn tam tuần, Hoàng hậu Na Lạp thị sinh được con, mà lại là Hoàng tử, đối với hai vợ chồng Đế - Hậu thì có lẽ là một chuyện vui mừng khôn xiết chưa từng thấy. Năm thứ 17, tháng 4 thì Na Lạp Hoàng hậu hạ sinh Hoàng tử Vĩnh Cơ, như vậy độ chừng tháng 6 hoặc tháng 7 năm Càn Long thứ 16 thì bà đã mang thai sinh đôi. Mà trong khoảng thời gian ấy, Càn Long Đế đang đi Mộc Lan Vi Trường săn thú, có Hoàng hậu tùy giá, nên hẳn là bà đã hoài thai trong đợt này. Ngày Hoàng tử Vĩnh Cơ hạ sinh, Càn Long Đế chỉ vừa cùng Hoàng hậu hồi cung có mấy ngày, và ông đã làm một việc rất hiếm khi làm, là không tự mình đến Sướng Xuân viên thỉnh an Sùng Khánh Hoàng thái hậu, mà chỉ đặc phái Thái giám đến và báo tin mừng việc hạ sinh Hoàng tử. Đối với một Càn Long Đế luôn hiếu thuận và không ngừng đích thân thỉnh an Hoàng thái hậu, có thể thấy việc sinh hạ Vĩnh Cơ đối với Càn Long Đế là một việc đại hỉ, còn báo với các đại thần cùng ông "cùng vui".

Càn Long Đế cũng đích thân viết thơ mừng về việc con trai sinh ra:

Tựa bài thơ là Thị triều toàn tất nghệ Sướng Xuân viên vấn an toại chí Côn Minh hồ thượng ngụ mục hoài hân nhân thi ngôn chí (视朝旋跸诣畅春园问安遂至昆明湖上寓目怀欣因诗言志), dịch nôm na là “Sau khi lâm triều đi Sướng Xuân viên thỉnh an rồi dạo hồ Côn Minh, thấy cái gì cũng vui nên đem niềm vui viết thành bài thơ", cho thấy ngày Hoàng hậu hạ sinh Vĩnh Cơ, đối với Càn Long Đế là một niềm hạnh phúc to lớn như thế nào. Còn Hoàng ngũ nữ, đại khái bà mang thai vào tầm tháng 8 năm Càn Long thứ 17, chỉ tầm nửa năm sau khi sinh hạ Vĩnh Cơ. Vào lúc ấy, Hoàng hậu vừa từ Tị Thử Sơn Trang về cùng Càn Long Đế, lại cùng ông ngay sau đó đi Mộc Lan Vi Trường. Sự ra đời của Hoàng ngũ nữ đã khiến Hoàng hậu Na Lạp thị trở thành người mẹ trai-gái song toàn, thực sự là một ý nghĩa rất lớn đối với một người phụ nữ hơn 30 tuổi, và cũng chính vì thế mà cái chết của Tiểu công chúa dường như là một điểm đả kích đối với Hoàng hậu. Vào thời điểm Tiểu công chúa qua đời, cả nhà (gồm Đế-Hậu và Vĩnh Cơ) đều đang ở Viên Minh Viên, hồ sơ thời Thanh không ghi lại nơi chôn cất của Tiểu công chúa, nên có lẽ Tiểu công chúa được chôn gần khu vực ấy.

Chỉ hơn 7 tháng sau cái chết của Tiểu công chúa, Na Lạp thị hạ sinh con trai thứ hai. Hoàng tử được mang thai khi Na Lạp Hoàng hậu đang cùng Càn Long Đế trú tại Viên Minh Viên. Ngày Hoàng tử Vĩnh Cảnh ra đời, Khởi cư chú thời Càn Long chuyên ghi chép công việc Hoàng đế xử lý [trống rỗng], ngoài việc vấn an Sùng Khánh Hoàng thái hậu. Sách Thanh thực lục vào ngày hôm ấy cũng chỉ ghi duy nhất một việc: [Các vị đại thần Quân Cơ xứ nghị trình, tướng quân Phúc Châu là Tân Trụ tấu xin định nhiệm vụ cho lính đồn trú ở Phúc Châu (tỉnh lược nội dung tấu chương...). Càn Long Đế dụ: Y nghị]. Khởi cư chú bình thường đều dày đặc chữ, nhưng riêng ngày Hoàng tử Vĩnh Cảnh ra đời thì gần như trống trơn, có nghĩa là Càn Long Đế hôm ấy không lâm triều cũng không phê tấu chương. Nhưng dường như là Hoàng hậu Na Lạp thị mang thai Hoàng tử không đủ tháng, nên dẫn đến việc Hoàng tử chết yểu vào giờ Tý, ngày 24 tháng 7 (âm lịch) năm Càn Long thứ 22 (1757), được 19 tháng tuổi. Ngày hoàng tử chết, Đế-Hậu cùng đang ở Nhiệt Hà, Hoàng tử có khả năng lưu lại hoàng cung do còn quá nhỏ. Trong Khởi cư chú, mấy ngày trước và sau khi Vĩnh Cảnh qua đời, Càn Long Đế vẫn luôn ở tại Nhiệt Hà, cái gì cũng không làm trừ việc thỉnh an Hoàng thái hậu, có thể nói việc Hoàng tử ra đi cũng khiến Càn Long Đế đặc biệt đau lòng. Hoàng tử Vĩnh Cảnh qua đời còn nhỏ, không có mộ riêng, nên được phụ táng bên trong lăng viên của Đoan Tuệ Hoàng thái tử Vĩnh Liễn.

Trước đó, vào tháng 3 cùng năm, mẹ ruột của Hoàng hậu là Thừa Ân công phu nhân Lang Giai thị cũng qua đời. Liên tiếp con chết non, mẹ ruột cũng ra đi, Hoàng hậu Na Lạp thị sau đó được ghi nhận hướng chuyên về Phật học hơn. Vào đại thọ 70 tuổi của Sùng Khánh Hoàng thái hậu, Hoàng hậu Na Lạp thị được ghi nhận đã dâng lên một bản kinh Phật bằng chữ Hán. Bên cạnh đó, Hoàng hậu Na Lạp thị cũng phủ dục các Cung nữ tử thành phi tần, đáng chú ý có Thận tần Bái Nhĩ Cát Tư thị, được phong làm [Y Quý nhân] cùng Hòa Trác thị, phong [Hòa Quý nhân]. Trong hai vị hậu cung này, Bái Nhĩ Cát Tư thị khá được Càn Long Đế coi trọng trong việc nội trợ, do trong Xuyên đái đương ghi chép về việc sửa chữa và làm y phục của Hoàng đế, Bái Nhĩ Cát Tư thị thường cùng Hoàng hậu làm một số vật dụng cá nhân cho Hoàng đế như Hà bao hoặc sửa chữa những y phục không vừa vặn. Còn về Hòa Trác thị, nhanh chóng tiến Dung tần, là một trong những sủng phi nổi tiếng nhất của Càn Long Đế về sau.

Năm Càn Long thứ 28 (1763), ngày 18 tháng 5, Càn Long Đế thân đến Nhiệt Hà chơi, đi theo có Hoàng hậu Na Lạp thị, ngoài ra còn có Dĩnh phi, Khánh phi, Hãn tần, Dự tần, Thận tần, Dung tần và Tân Thường tại. Tại đây Hoàng đế cho vẽ bức Càn Long cung trung hành lạc đồ (乾隆宫中行乐图), đằng sau có câu thơ rằng:

    喬樹重密石逕紆,前行迴顧后行呼。
    鬆年粉本東山起,摹作宮中行樂圖。
    小坐溪亭清且紆,侍臣義漫襍傳呼。
    閼氏來備九嬪列,較勝明妃齣塞圖。
    幾閑壺單小遊紆,憑檻何鬚清蹕呼。
    詎是衣冠希漢代,丹青寓意寫為圖。
    瀑水當年落澗紆,巖邊馴鹿可招呼。
    林泉寄傲非吾事,保泰思艱懷永圖。
    Kiều thụ trọng mật thạch kính hu, tiền hành hồi cố hậu hành hô.
    Tùng niên phấn bổn Đông Sơn khởi, mô tác cung trung hành lạc đồ.
    Tiểu tọa khê đình thanh thả hu, thị thần nghĩa mạn tập truyện hô.
    Yên thị lai bị cửu tần liệt, giác thắng Minh phi xuất tắc đồ.
    Kỉ nhàn hồ đan tiểu du hu, bằng hạm hà tu thanh tất hô.
    Cự thị y quan hi Hán đại, đan thanh ngụ ý tả vi đồ.
    Bộc thủy đương niên lạc giản hu, nham biên tuần lộc khả chiêu hô.
    Lâm tuyền ký ngạo phi ngô sự, bảo thái tư gian hoài vĩnh đồ.

Ý thơ rằng, Càn Long Đế trung niên thưởng lãm, mặc đồ người Hán, nhưng so với các Hoàng đế Nhà Hán lại thêm uy phong, vì Hán Hoàng phải gả Vương Chiêu Quân (tức Minh phi) để yên bờ cõi. Đặc biệt, Càn Long Đế còn khen Na Lạp Hoàng hậu tuy đã gần 50 tuổi còn đẹp hơn cả Vương Chiêu Quân, dựa vào câu Yên thị lai bị cửu tần liệt, giác thắng Minh phi xuất tắc đồ (閼氏來備九嬪列,較勝明妃齣塞圖). Danh từ Yên thị (閼氏), hay Yên chi, là chính thất của một Thiền vu người Hung Nô.

Đột ngột thất sủng Kế Hoàng Hậu

Nam Tuần sinh chuyện

Năm Càn Long thứ 30 (1765), tháng 1, Na Lạp Hoàng hậu đi cùng Càn Long Đế trong lần du hành xuống phương Nam lần thứ 4, còn có 5 vị phi tần khác là Lệnh Quý phi Ngụy thị, Khánh phi Lục thị, Dung tần Hòa Trác thị, Vĩnh Thường tại Uông thị và Ninh Thường tại. Đoàn du hành đi qua Dương Châu, Tô Châu, Giang Ninh trong vỏn vẹn một tháng trời.

Trong chuyến tuần du này, hết thảy mọi việc đều diễn ra bình thường, Càn Long Đế vẫn còn rất sủng ái Hoàng hậu, ngày 18 tháng 1 ra chỉ thưởng đồ ăn cho Hoàng hậu (mà không ra chỉ thưởng cho 6 vị cung phi kia), ngày 9 tháng 2 khi Khánh phi dâng món ăn thì Càn Long Đế ra chỉ dụ tặng cho Hoàng hậu, thậm chí Càn Long Đế còn tổ chức buổi tiệc sinh nhật linh đình cho bà (tức ngày 10 tháng 2), năm đó vừa 48 tuổi. Sang ngày 14 tháng 2, tại hành cung Tây Hồ, truyền phủ dịch Tô Châu làm món gà ngũ vị hương nấu tổ yến cho Hoàng hậu. Đến ngày 18 tháng 2, đoàn Nam tuần đã đến Hàng Châu, ngay khi trời sáng thì Càn Long Đế sai người gửi thức ăn đến cho Hoàng hậu, đặc biệt là trước khi ăn lẫn sau khi ăn đều có chỉ dụ ban thưởng cho bà. Nhưng vào buổi cơm tối hôm đó, bà không lộ diện ăn cùng ông mà chỉ có 5 vị cung phi trên. Về sau, cho đến tận khi kết thúc Nam tuần, Hoàng hậu Na Lạp thị đều không còn xuất hiện nữa. Sau này mới biết được, căn cứ Thượng dụ đương (上谕档) của triều Thanh, chính ngày 18 tháng 2 ấy, Càn Long Đế đã bí mật phái Ngạch phò Phúc Long An (福隆安), chồng của Hòa Thạc Hòa Gia công chúa, đích thân đưa Na Lạp Hoàng hậu về Bắc Kinh bằng đường thủy. Phân lệ của Na Lạp Hoàng hậu trong thời gian này vẫn giữ như cũ, tạm thời bị giam lỏng ở nơi bà sống là hậu viện của Dực Khôn cung.

Thu hồi sách bảo

Tháng 4, sau khi đoàn Nam Tuần trở về, Càn Long Đế bắt đầu cắt giảm người hầu của Na Lạp Hoàng hậu, nhưng vẫn giữ cung phân. Đến ngày 14 tháng 5 (âm lịch) cùng năm, Càn Long Đế ra chỉ dụ thu hồi 4 kim sách đã ban cho bà trước đây; tức là kim sách của [Hoàng hậu], [Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi], [Nhàn Quý phi] và [Nhàn phi]. Bên cạnh đó, Hoàng đế còn từng bước cắt giảm số cung nữ theo hầu bà, và đến tháng 7 thì chỉ còn có hai người cung nữ bên cạnh Hoàng hậu. Tuy nhiên Hoàng đế vẫn giữ lại 10 Thái giám có nhiệm vụ giám sát.

Năm Càn Long thứ 31 (1766), ngày 14 tháng 7 (âm lịch), giờ Mùi, Hoàng hậu Na Lạp thị qua đời, chung niên 49 tuổi. Bà được ghi nhận là bệnh rất nặng vào tháng 6 năm đó, tuy nhiên Càn Long Đế vẫn không hoãn chuyến đi nghỉ hè ở sơn trang Thừa Đức. Việc bà qua đời ở Dực Khôn cung hay Vĩnh Hòa cung vẫn còn nghi vấn, vì theo ghi chép việc đưa than theo phân lệ, vào ngày Na Lạp thị qua đời thì Vĩnh Hòa cung ngừng đưa than, do đó không ít nhận định Na Lạp thị qua đời tại Vĩnh Hòa cung. Tuy nhiên, vì sao khi về kinh sư, Càn Long Đế đem Hoàng hậu giam ở hậu viện Dực Khôn cung, mà đến khi qua đời thì bà lại ở Vĩnh Hòa cung cũng gây tranh cãi.

Khi Hoàng hậu Na Lạp thị mất, Càn Long Đế đang ở Mộc Lang Vi Trường (木蘭圍場) săn thú. Ông không phản ứng bi ai, cũng không dừng chuyến đi săn lại mà chỉ sai Hoàng tử Vĩnh Cơ về Tử Cấm Thành chịu tang. Ngày hôm sau (15 tháng 7), Càn Long Đế ra chỉ dụ, đại khái ý tứ như sau:

Nhìn chung, Càn Long Đế ý nói Na Lạp Hoàng hậu qua đời là do không có phúc phận, không tiện cử hành đại tang như Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu năm xưa, nên dụ cho Nội vụ phủ tiến hành an táng theo nghi thức dành cho Hoàng quý phi, vào Phi viên tẩm của Dụ lăng, chôn vào Minh lâu to nhất trong viên tẩm, bên cạnh quan tài của Thuần Huệ Hoàng quý phi. Gia đình Na Lạp thị khi Na Lạp Hoàng hậu thất sủng cũng bị cưỡng chế đổi trở lại thành Mãn Châu Tương Lam kỳ, tước vị "Thế quản Tá lĩnh" cũng bị tước bỏ, đổi lại thành "Công trung Tá lĩnh". Gia đình của Hoàng hậu từ đó trở nên xuống dốc.

Hậu sự Kế Hoàng Hậu

An táng Minh lâu

Kế Hoàng Hậu: Thân thế, Phong Phi lập Hậu, Hoàng hậu Đại Thanh 
Minh lâu - nơi an táng Thuần Huệ Hoàng quý phi.
Kế Hoàng Hậu: Thân thế, Phong Phi lập Hậu, Hoàng hậu Đại Thanh 
Sơ đồ Phi viên tẩm của Dụ lăng - Na Lạp Hoàng hậu (那拉皇后) được đưa vào Minh lâu, vị trí bên rìa của tòa kiến trúc.

Ngày 28 tháng 9 (âm lịch) cùng năm, an táng Na Lạp thị vào tòa Minh lâu chung với Thuần Huệ Hoàng quý phi trong Dụ lăng.

Theo chỉ dụ của Càn Long Đế, Na Lạp Hoàng hậu chỉ được hưởng tang lễ như một vị Hoàng quý phi, nhưng thực tế còn tệ hơn. Trong tang lễ của một Hoàng quý phi; công chúa, các mệnh phụ phu nhân và một số quan lại đại thần được yêu cầu vào viếng tang, nhưng tang lễ của Na Lạp Hoàng hậu thì không có. Với danh vị thấp nhất là Phi mà bà từng thụ phong thì bà phải có lăng mộ riêng, tuy nhiên bà chỉ được nhập táng bên trong Minh lâu, nơi vốn là mộ riêng của Thuần Huệ Hoàng quý phi. Theo Đại Thanh hội điển, quan tài Hoàng quý phi là "Tử mộc" (梓木), 35 đạo, khiên bởi 96 người, nhưng theo tài liệu Nội vụ phủ ghi được thì quan tài của Na Lạp thị là "Sam mộc" (杉木), khiêng phu 64 người, xét ra thuộc bậc Tần. Mặt khác, Hoàng quý phi, Quý phi và Phi thì ít nhất phải có bài vị và mộ phần, cùng được phối hưởng trong Viên tẩm Hưởng điện, tế lễ thì tại bên trong điện mà cử hành, chỉ có Tần trở xuống không có thần bài. Nay thì Na Lạp thị không có bài vị, nhập táng vào mộ Thuần Huệ Hoàng quý phi, do đó mộ phần của bà thuộc khu Bảo đính của Minh lâu. Căn cứ Nội vụ phủ hồ sơ ghi lại, toàn bộ tang sự của Na Lạp thị dùng tốn 890 lượng 10 phân 9 li bạc.

Cái chết của bà không được cáo phát chính thức trước triều đình, nên hầu như rất ít người biết được, do vậy cũng không có quốc tang. Về sau người ta mới biết và hồ nghi về nguyên nhân bà chết, thì Càn Long Đế mới ra chỉ dụ giải thích qua loa. Hơn nữa, trong chỉ dụ mà Càn Long Đế phát ra, ông sử dụng việc bà qua đời lại dùng "Hoăng" (薨), mà không phải "Băng" (崩) chuyên dùng cho Đế-Hậu, dù sách Thanh sử cảo về sau vẫn dùng "Băng" cho bà.

Từ [Kế; 继] trong cách gọi không phải thụy hiệu của bà, mà có nghĩa là ["Hoàng hậu kế tiếp"] của Hoàng đế. Bà được biết đến là Hoàng hậu duy nhất của nhà Thanh không được truy phong thụy hiệu sau khi qua đời.

Hủy hết chân dung

Họa sĩ Lang Thế Ninh vào năm Càn Long nguyên niên từng vào triều phụng mệnh vẽ chân dung Hoàng đế, Hoàng hậu và Phi tần. Ta có thể thấy tần phi phẩm phục đều được vẽ, ghi chú đàng hoàng, hẳn là phải có chân dung Na Lạp Hoàng hậu khi còn là Nhàn phi. Hơn nữa khi bà làm Hoàng hậu, tất phải có họa tượng mặc Triều bào toàn thân, thế nhưng tất cả tranh vật như vậy về bà hiện không có, rất có thể khi Na Lạp Hoàng hậu bị thất sủng thì Càn Long Đế đã hủy tranh, thậm chí là bất kì tranh có khuôn mặt bà cũng bị sửa.

Hiện nay bức tranh cho là bà vốn là một bức họa vô danh được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Dole của Pháp, từng nói là Thục Gia Hoàng quý phi khi còn trẻ. Nhưng xét ra trong loạt tranh Tâm tả trị bình (心写治平), loạt tranh chân dung còn khá nguyên vẹn về Càn Long Đế cùng tần phi hồi trẻ cũng có một bức hoạ Gia phi, thì lại không khớp như vậy. Hơn nữa trong loạt tranh của Tâm tả trị bình đều có ghi rõ địa vị từng người, mà tranh này thủ pháp tương tự loạt Tâm tả trị bình nhưng lại không hề xuất hiện trong tranh.

Ngoài ra cũng có suy đoán bức hoạ này là của Vương Trí Thành sở hoạ. Người trong tranh mặc trang phục được cho là của Tần vị, Kim thị từ Gia tần tiến Gia phi chỉ cách 4 năm, dung mạo khó có thể thay đổi nhanh chóng như vậy. Na Lạp Hoàng hậu cũng chưa từng trải qua Tần vị, nên cũng khó có thể khẳng định đây là hình vẽ của bà mà nhiều khả năng là Du Quý phi hoặc Thư phi khi còn trẻ. Tuy vậy ý kiến này vẫn chưa có cơ sở chắc chắn, chính là vì quy chế triều Càn Long thay đổi lớn giữa sơ kỳ và trung kỳ, hơn nữa màu áo trên loạt tranh cũng gây tranh cãi. Ví dụ nhất là trong loạt tranh, vẽ Tuệ Hiền Hoàng quý phi mặc áo vàng Minh hoàng giống Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, mà quy chế Càn Long mãi đến năm thứ 14 mới áp dụng màu này cho Hoàng quý phi, tức rằng loạt tranh này hẳn đã có một cuộc thay đổi lớn về màu sắc nữa. Nên có thể thấy, chỉ nhìn màu sắc trang phục vẫn không thể khẳng định rõ ràng.

Tương quan Kế Hoàng Hậu

Khi còn là Phi, Na Lạp thị đã có những điểm đặc thù nhất định thể hiện việc Càn Long Đế tương đối coi trọng bà. Căn cứ hồ sơ hiện có, Na Lạp thị trở thành Trắc Phúc tấn là thời điểm tháng 11 năm Ung Chính thứ 12, vỏn vẹn 1 năm đến lúc Càn Long Đế đăng cơ. Trước đó, Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao thị, do có gia thế đã được Ung Chính Đế chỉ định làm Trắc Phúc tấn, dĩ nhiên Na Lạp thị ở vị trí Trắc Phúc tấn thứ hai - vị thứ có khác biệt. Địa vị trước sau, đối với hoạch định nhà nề nếp xưa đã rất là quan trọng, chứ không cần nói đến hoàng tộc. Ở đây, Na Lạp thị hiển nhiên khi đại phong phải xếp dưới Cao thị, nhưng vị thứ khi còn ở tiềm để của bà cũng đủ để bà có được tước Phi, đứng hàng thứ ba chỉ sau Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu và Tuệ Hiền Hoàng quý phi.

Rồi thời điểm Tuệ Hiền Hoàng quý phi qua đời, chính là lúc Na Lạp thị lộ rõ được quan tâm nhiều hơn. Chỉ chưa đầy một tháng sau, Càn Long Đế đã cho nâng đãi ngộ vị Quý phi của Na Lạp thị cùng Tô thị cao hơn so với khi trước. Rồi đến khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời, chưa tới một năm mà Na Lạp thị đã được tuyên bố [Người kế vị Trung Cung], lại còn được nhận danh vị chưa từng có là [Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự]. Không chỉ dừng lại ở đó, Càn Long Đế còn cho sửa sang Nghi trượng của bậc Hoàng quý phi lên rất nhiều: tổng 58 kiện. Đây là lần đầu tiên Hoàng quý phi có Nghi trượng giữ khoảng cách với Quý phi (trước đó Nghi trượng cả hai bậc là như nhau), đồng thời là Hoàng quý phi đầu tiên có Nghi trượng được dùng màu vàng Minh hoàng vốn chỉ dành cho Đế-Hậu. Sau đó, số kiện của Hoàng quý phi đã vượt mốc Hoàng hậu (tầm khoảng 55 kiện), nên Càn Long Đế lại quyết định tăng số lượng kiện phẩm cho Nghi giá của Hoàng hậu và Hoàng thái hậu lên rất nhiều, có tổng là 77 kiện. Đến khi lên Hoàng hậu, vinh quang của Na Lạp thị không giảm. Bà thường cùng Càn Long Đế thực hiện các chuyến công du, khi ở độ tuổi trung niên lại sinh hạ liền hai vị Hoàng tử và một vị Công chúa. Cuộc đời của bà đột ngột thay đổi khi xảy ra chuyện trong chuyến Nam Tuần năm ấy. Cách năm, Na Lạp Hoàng hậu liền bạo băng, nhưng Càn Long Đế lại chỉ dùng nghi lễ Hoàng quý phi hạ táng, còn với một quy cách thấp hơn.

Cũng bởi vì lẽ ấy, khi nghe chiếu dụ thực hiện tang lễ cho Na Lạp Hoàng hậu, có Ngự sử Lý Ngọc Minh (李玉鸣) bất bình, đã cầu xin Càn Long Đế hãy tổ chức tang lễ xứng với địa vị Hoàng hậu của bà. Kết quả, ông bị đày ra biên cương. Tuy nhiên việc đó cũng không làm chấm dứt sự bất bình của triều đình đối với việc làm của Hoàng đế. Điều đặc biệt là không chỉ triều đình, đến người trong hoàng tộc họ Giác La thị và ngay cả trong dân gian, nhất là vùng Giang Nam, vẫn liên tục phỏng đoán vụ việc này, tất cả đều đả kích việc làm của Càn Long Đế.

Khoảng 12 năm sau, năm Càn Long thứ 43 (1778), lại có người dâng thư thỉnh Hoàng đế cử hành hậu sự cho Na Lạp Hoàng hậu, việc này khiến Càn Long Đế bắt buộc phải ra chiếu dụ giải thích:

Như vậy, lúc đó Na Lạp Hoàng hậu đã cắt tóc, mà theo phong tục Mãn Châu thì việc cắt tóc chỉ khi Hoàng đế hoặc Hoàng thái hậu mất, khép vào đại bất kính, đại bất hiếu, và việc Na Lạp Hoàng hậu cắt tóc như xúc phạm bề trên đã khiến Càn Long Đế nổi giận. Tuy nhiên, với một người xuất thân Mãn Châu Bát Kỳ như Na Lạp Hoàng hậu lại không biết điều cấm kỵ này mà phạm phải? Hơn nữa, khi này là do nhân gian đả kích việc Hoàng đế bạc bẽo Na Lạp Hoàng hậu đang ở cao trào, mà hơn 10 năm sau khi Na Lạp Hoàng hậu qua đời thì Càn Long Đế mới ra chỉ giải thích, thật giả khó kiểm chứng được.

Tuy vậy, theo lá thư mà Càn Long Đế viết cho cháu trai bà sau sự việc năm đó, thì có lẽ thực sự Na Lạp Hoàng hậu vào lúc đó chính xác đã cắt tóc vì muốn xuất gia. Vấn đề ở đây là, Hoàng hậu Na Lạp thị từ khi ở Tiềm để đến khi vào sống trong hậu cung hơn 30 năm, làm Hoàng hậu 15 năm, luôn ôn nhu uyển thuận, cẩn thận sáng suốt, đến cuối cùng vì việc gì mà Na Lạp Hoàng hậu đến quốc tục tối kị cũng không màng mà cắt tóc xuất gia? Nguyên do bà cắt tóc xuất gia đến nay vẫn còn là câu hỏi lớn, đến bản thân Càn Long Đế trong chiếu dụ giám sát Hoàng hậu vào năm đó cũng cho thấy sự mơ hồ của chính bản thân ông trong sự việc này.

Nguyên nhân sự việc Kế Hoàng Hậu

Dân gian đồn đại

Sự việc xảy ra đối với Na Lạp Hoàng hậu dấy lên rất nhiều cách nhìn, mà nhất là có thể liên quan đến chuyến Nam tuần vào năm ấy của Hoàng đế và Hoàng hậu. Chính điều này đã làm dấy lên nhiều phỏng đoán nghi vấn tại Giang Nam. Giả thiết được lưu truyền nhiều nhất, là do Na Lạp Hoàng hậu phản đối việc Càn Long Đế xuống Giang Nam vi hành, cho rằng ông chỉ xuống để tìm người đẹp để nhập cung, được gọi là Giang Nam liệp diễm (江南猎艳).

Trong lịch sử, Càn Long Đế cũng như Khang Hi Đế rất tích cực Nam tuần, không chỉ vì cảnh đẹp Giang Nam, mà còn vì ở đây nổi tiếng nhiều mỹ nữ như hoa như ngọc. Trong truyền thuyết, khi Nam tuần thì Càn Long Đế từng đến Thanh Phố, Hoài An và sủng hạnh một vài ca nữ xinh đẹp. Có một ca nữ tên Tuyết Như (雪如), nhan sắc xinh đẹp, chuyên câu dẫn nam nhân đã khiến Hoàng đế vui thích bằng dáng vẻ chiều chuộng, kỹ năng phòng the cao nên rất được Hoàng đế chiếu cố. Xong việc, nàng còn được Hoàng đế ban cho rất nhiều thứ như ngọc như ý, trân châu, trâm cài đều tinh xảo. Trên bả vai Tuyết Như có thêu một hình Tiểu đoàn long, nhiều người diễn giải rằng do Hoàng đế hay vuốt ve bả vai nàng, nên lệnh cho đặc biệt thêu lên một hình Tiểu long, mang ý sủng dị. Na Lạp Hoàng hậu tuyệt nhiên không hề biết chuyện này. Khi cả đoàn đến Hàng Châu, Càn Long Đế nổi hứng mặc Thường phục, cải trang làm du khách ăn chơi lên phố, hòng tiếp tục tìm kiếm người đẹp. Na Lạp Hoàng hậu biết được thì bàng hoàng phản đối, thậm chí khóc lóc khuyên can, Càn Long Đế không nghe, thậm chí chửi mắng Hoàng hậu tinh thần không ổn, nên mới bí mật đem bà hồi kinh.

Một truyền thuyết nữa nói rằng, Na Lạp Hoàng hậu cùng Càn Long Đế thực hiện chuyến Nam tuần năm thứ 30, khi đến Kim Lăng, Hoàng đế cùng với đám thần tử sủng ái chạy trên sông Tần Hoài tìm ca kỹ mua vui. Quan viên địa phương muốn lấy lòng Hoàng đế, đã cho sắp xếp một chiếc thuyền hoa tráng lệ, bên trên đầy những kỹ nữ tuổi trẻ mơn mởn, nhan sắc hồ mị, dáng điệu lẳng lơ nhảy múa ca hoan. Càn Long Đế đại hỷ, ban thưởng cho quan viên bọn họ, còn cùng các ca kỹ nghe hát nhạc dâm đến hết cả đêm. Hoàng hậu biết được chuyện này, vốn không thể nhẫn nhịn nữa, đã đem toàn bộ tóc cắt đi hết. Càn Long Đế trở về thì thấy sự tình, trách mắng Hoàng hậu vô phép thất đức, ghen tuông vô cớ, bèn sai người đưa Hoàng hậu về kinh sư, giam cầm trong cung.

Sách Thanh triều dã sử đại quan (清朝野史大观), một quẩn sách chuyên tổng hợp những chuyện dã sử lưu truyền rộng rãi vào thời Dân Quốc có nhắc đến chuyện Na Lạp Hoàng hậu cắt tóc làm ni sư ngay tại Hàng Châu, mà không phải quay về cung giam cầm:

Ghi chép đương thời

Ghi chép về Na Lạp Hoàng hậu trong Thanh sử cảo:

Chuyện Na Lạp Hoàng hậu đột ngột bị giam cầm, được sứ giả người Triều Tiên là Hồng Đại Dung (홍대용), một học giả nổi tiếng ở Triều Tiên ghi lại với tâm thế rất bất bình thay cho Hoàng hậu. Ông từng sang triều Thanh làm sứ thần thời Càn Long, và đã ghi chép một số truyện trong cuốn Ngoại tập yến ký (外集燕记), ông từng ghi chép về sự kiện cấm túc Na Lạp Hoàng hậu như sau:

Trong Văn tự ngục án cung từ (文字狱案供词) của Nghiêm Tăng (严譄), có nói rằng:

Trong Khiếu đình tạp lục (啸亭杂录) cũng có ghi lại chuyện tông thất A Vĩnh A (阿永阿) can gián Càn Long Đế việc đối đãi tệ bạc với Na Lạp Hoàng hậu.

Trong Thanh sử cảo, phần Bộ viện đại thần niên biểu, Tiền Nhữ Thành khuất dưỡng ở năm thứ 30, ngày 3 tháng 5; còn ở Thanh sử liệt truyện (清史列传), truyện về Tiền Nhữ Thành cũng ghi là năm thứ 30, tháng 5 thì xin khuất dưỡng. Tuy cả hai bộ đều không nói rõ nguyên nhân Tiền Nhữ Thành khuất quan, song thời gian đều minh xác, có thể thấy câu chuyện ở Khiếu đình tạp lục thập phần đáng tin.

Còn chuyện A Vĩnh A vì can gián mà bị bãi chức, thực sự có gi trong Triều Tiên vương triều thực lục: "Càn Long giam cầm Hoàng hậu, mà Hình bộ Thị lang A Vĩnh A cực lực can gián" (Nguyên văn: 乾隆幽囚皇后,而刑部侍郎阿永阿极谏。). Thanh sử cảo ghi chuyện A Vĩnh A, ghi nhận ngày 2 tháng 5 năm Càn Long thứ 30, A Vĩnh A bị khiển cách chức.

Bức thư gửi Nạp Tô Khảng

Năm Càn Long thứ 30, tức ngay năm xảy ra chuyện, vào ngày 20 tháng 6 (âm lịch), tức khoảng gần 4 tháng sau khi Na Lạp Hoàng hậu bị giam lỏng, Càn Long Đế đã bí mật gửi một bức thư đến Nạp Tô Khảng, cháu trai gọi Na Lạp Hoàng hậu là cô mẫu. Bức thư được phát ra là từ ngày 3 tháng 3 cùng năm, gần 1 tuần sau sự kiện Na Lạp Hoàng hậu.

Nội dung bức thư viết, theo Hán ngữ đã được dịch (do bức thư gốc là theo chữ Mãn):

Ở đây, [Tiễn phát; 翦发], cùng với [Cạo phát; 剃发], tuy dịch ở tiếng Việt nôm na là dùng vật sắt cắt đi mái tóc, nhưng ở ngôn ngữ đa nghĩa như chữ Hán, hơn nữa là chữ Hán diễn đạt văn hóa của người Mãn, thì đây lại là 2 vấn đề một trời một vực, cần phải được giải thích kỹ càng.

  • Cái gọi là [Cạo phát]: chỉ chính là việc hằng ngày cắt tóc, tức cũng gọi "Li phát" (理发). Người nam giới Bát Kỳ triều Thanh bởi vì muốn lưu bím tóc, cho nên yêu cầu thường xuyên chỉnh sửa cắt tóc ở rìa mái. Vào lúc chủ nhân qua đời, hay quốc tang trọng thể, thường yêu cầu 「"Trăm ngày không được cạo phát"」, tức là cấm không được cắt cạo tóc trong vòng 100 ngày diễn ra đại tang, để biểu thị tình trạng ủ rũ không để tâm chỉnh trang tóc tai quần áo, biểu thành kính trọng.
  • Còn như gọi là [Tiễn phát]: trong văn thư cũng gọi "Tiệt phát" (截发), đây là một tập tục cổ của người Mãn Châu. Đó là khi chủ nhân hoặc là tôn trưởng qua đời, các nô tài hoặc vãn bối (nam hay nữ đều được) muốn biểu thị tiếc hận đối với người ấy, liền "Tiễn phát" để tỏ tấm lòng. Việc này có chép lại khi Thanh Thế Tổ Thuận Trị Đế băng hà: 「"Thánh Tổ Nhân Hoàng đế cắt bím tóc, thành phục. Từ Thân vương đến Văn Võ các quan, Cố Luân công chúa, Hòa Thạc phúc tấn, Tông nữ, Tá lãnh, Tam đẳng Thị vệ, Mệnh phụ trở lên, toàn bộ thành phục. Nam trích quan anh, cắt bỏ bím tóc, nữ bỏ trang sức và tiễn phát"; 圣祖仁皇帝截发辫,成服。王以下文武各官,固伦公主、和硕福晋以下宗女,佐领、三等侍卫命妇以上,皆成服。男摘冠缨,截发辫,女去首饰,剪发。」.

Sau sự việc của Na Lạp Hoàng hậu, vào ngày 21 tháng 3 (âm lịch) cùng năm, Càn Long Đế còn ra chỉ dụ khen thưởng Nạp Tô Khảng và dự định thăng quan tước cho ông. Thế nhưng cuối cùng vào tháng 5, Càn Long Đế thu hồi sách bảo của Na Lạp Hoàng hậu, Nạp Tô Khảng cùng toàn gia không lâu sau đó phải từ [Mãn Châu Chính Hoàng kỳ] trở lại [Mãn Châu Tương Lam kỳ].

Nội dung trong Thỉnh an chiết

Theo lời trong bức thư mà Càn Long Đế gửi và thuật lại, thì khi ấy Na Lạp Hoàng hậu đã [tiễn phát], trong khi Hoàng đế và cả Hoàng thái hậu đều còn sống, hẳn là đã phạm đại kị. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao Na Lạp Hoàng hậu đột nhiên muốn xuất gia, ngay cả Càn Long Đế vẫn không hay biết.

Sự việc này liên quan đến Na Lạp Hoàng hậu còn xuất hiện trong loạt "Chu phê thứ" của Càn Long Đế khi phúc đáp tờ chiết thỉnh an của Thập ngũ a ca Vĩnh Diễm, tức là tờ thiết thỉnh an [Thập ngũ a ca thỉnh an chiết; 十五阿哥请安折] hiện còn trưng bày tại bảo tàng Nam Kinh. Nội dung phúc đáp giữa Càn Long Đế và giữa tổng quản Phan Phượng (潘凤), có nói đến sự kiện Càn Long Đế đã tra hỏi cung nữ 3 người bên cạnh Na Lạp Hoàng hậu, ngay cái hôm mà Na Lạp Hoàng hậu cắt tóc:

Tổng hợp tư liệu hiện có, Na Lạp Hoàng hậu là đột nhiên có ý định xuất gia, quá trình này đến cả Càn Long Đế cũng không phát hiện ra, cho nên mới đột ngột như vậy. Việc thẩm tra cung nữ đã rời khỏi phòng hôm Na Lạp Hoàng hậu cắt tóc, chứng tỏ khi vụ việc xảy ra, Na Lạp Hoàng hậu âm thầm làm, do không muốn liên lụy cung nữ nên xua họ ra ngoài, vậy thì căn bản khi Hoàng hậu cắt tóc là Càn Long Đế không có mặt chứng kiến.

Trong chỉ dụ phúc đáp của tờ Thỉnh an chiết, Càn Long Đế suy đoán [Nàng ngày thường rất hận trẫm], lại sai khiến người quan sát Hoàng hậu phản ứng khi tiếp chỉ, lục soát nơi ở của Hoàng hậu tại Viên Minh viên xem có manh mối đáng nghi nào không. Có thể thấy được Càn Long Đế đối với sự việc Na Lạp Hoàng hậu cắt tóc rất là quan tâm, nhưng dường như cũng không biết được nguyên nhân thật sự nên cho rằng Hoàng hậu "Phát điên".

Hậu duệ Kế Hoàng Hậu

Hoàng hậu Na Lạp thị có ba người con với Càn Long Đế:

  1. Hoàng thập nhị tử Vĩnh Cơ [永璂; 7 tháng 6, năm 1752 - 17 tháng 3, năm 1776], con trai thứ 12 của Càn Long Đế. Dù là đích xuất nhưng cả đời ông không được thụ phong tước hiệu gì. Mãi sang thời Gia Khánh, ông mới được truy tặng làm [Bối lặc; 貝勒].
  2. Hoàng ngũ nữ [皇五女; 23 tháng 7, năm 17531 tháng 6, năm 1755], con gái thứ năm của Càn Long Đế.
  3. Hoàng thập tam tử Vĩnh Cảnh (永璟; 2 tháng 1, năm 1756 - 7 tháng 9, năm 1757), con trai thứ 13 của Càn Long Đế. Được an táng vào Đoan Tuệ Hoàng thái tử viên tẩm (端慧皇太子园寝).

Trong văn hóa đại chúng Kế Hoàng Hậu

Năm Phim điện ảnh và truyền hình Diễn viên Nhân vật
1998 Hoàn Châu cách cách Đới Xuân Vinh Ô Lạp Na Lạp Hoàng hậu
1999 Hoàn châu cách cách 2
2002 Hoàn Châu cách cách 3: Chi thiên thượng nhân gian Khương Lê Lê
《Càn Long du Giang Nam》 Khương Hồng
2004 《Càn Long và Hương Phi》 Ông Hồng
2011 Tân Hoàn Châu cách cách Đặng Tụy Văn
2012 Chân Hoàn truyện Trương Nghiên Ô Lạp Na Lạp Thanh Anh
2013 《Họa khuông nữ nhân》 Phạm Băng Băng Ô Lạp Na Lạp Hoàng hậu
2014 《Cung tỏa liên thành》 Dương Minh Na
2018 Như Ý truyện Châu Tấn Ô Lạp Na Lạp Thanh Anh / Như Ý
Diên Hi công lược Xa Thi Mạn Huy Phát Na Lạp Thục Thận

Xem thêm

Chú thích

Tham khảo

Nguồn Kế Hoàng Hậu

Tags:

Thân thế Kế Hoàng HậuPhong Phi lập Hậu Kế Hoàng HậuHoàng hậu Đại Thanh Kế Hoàng HậuĐột ngột thất sủng Kế Hoàng HậuHậu sự Kế Hoàng HậuTương quan Kế Hoàng HậuNguyên nhân sự việc Kế Hoàng HậuHậu duệ Kế Hoàng HậuTrong văn hóa đại chúng Kế Hoàng HậuNguồn Kế Hoàng HậuKế Hoàng Hậu11 tháng 31718176619 tháng 8Chữ HánHoàng hậuThanh Cao TôngThanh sử cảoTriều TiênÔ Lạp Na Lạp thị

🔥 Trending searches on Wiki Tiếng Việt:

Quân khu 2, Quân đội nhân dân Việt NamVương Đình HuệPhạm Minh ChínhĐoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí MinhSư tửNữ hoàng nước mắtDanh sách di sản thế giới tại Việt NamHành chính Việt Nam thời NguyễnNgô Đình DiệmTrung du và miền núi phía BắcHà GiangENIACThanh xuân vật vãDanh sách Chủ tịch nước Việt NamTrịnh Đình DũngThanh gươm diệt quỷCổ khuẩnNhà Tiền LêTam QuốcMỹ ĐứcSamsungHải PhòngQuan họSự kiện 11 tháng 9Người ViệtPhú YênTBan Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt NamACờ tướngAi CậpVladimir Ilyich LeninNguyễn Bỉnh KhiêmAnh hùng dân tộc Việt NamLê Trọng TấnHồn Trương Ba, da hàng thịtChuỗi thức ănNhà LýMinh Thành TổHệ sinh tháiLê Long ĐĩnhBảy hoàng tử của Địa ngụcNhà MinhHạnh phúcDấu chấmNgũ hànhĐiện Biên PhủChóPhân cấp hành chính Việt NamHội Liên hiệp Thanh niên Việt NamNhà NguyễnNguyễn Đình ThiChủ tịch Quốc hội Việt NamTạp chí Cộng sảnInternetSố nguyên tốĐới đứt gãy Sông HồngVincent van GoghDinh Độc LậpMặt TrờiChăm PaHuếDanh sách quốc gia theo dân sốBảo ĐạiKung Fu Panda 4Chiến tranh Pháp – Đại NamBộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt NamTrần Quốc VượngTử thần sống mãiRomeo và JulietLạm phátLiên QuânTừ Hi Thái hậuBồ Đào NhaTikTokĐô la MỹLong AnĐờn ca tài tử Nam Bộ🡆 More