Phi tần sống lâu nhất bên vua Càn Long trong lịch sử Trung Quốc

Trong bộ phim cung đấu “Hậu cung Như Ý truyện”, để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ có nhân vật Càn Long và Như Ý hay Lệnh Phi Vệ Yến Uyển mà Du Phi Hải Lan cũng để lại điểm nhấn đặc biệt khiến người xem vô cùng thích thú. Mở đầu phim, Du Phi Hải Lan xuất hiện chỉ là một Thường tại nhỏ bé, yếu đuối, nhu nhược, bị các phi tần khác bắt nạt nhưng may mắn được Như Ý, lúc đó là Nhàn Phi bao che giúp đỡ. Cho đến khi Như Ý bị hãm hại, đày vào lãnh cung, Hải Lan không còn chỗ nương tựa rồi dần dần “hắc hóa” để tự bảo vệ bản thân. Về sau, nàng không chỉ chiếm được chỗ đứng trong chốn thâm cung mà còn giúp Như Ý rửa oan, trở thành cánh tay đắc lực phò tá cho Như Ý xuyên suốt mạch phim. Tuy nhiên, đó chỉ là trên phim ảnh còn trong lịch sử, Du Phi là một vị phi tần như thế nào?

Phi tần sống lâu nhất bên vua Càn Long trong lịch sử Trung Quốc

Đại Thanh tần phi

Du Qúy Phi Hải thị là một phi tần của Thanh Cao Tông Càn Long Đế. Bà được biết đến là sinh mẫu của Vinh Thuần Thân vương Vĩnh Kỳ – vị Hoàng tử được Càn Long Đế sủng ái nhất và từng có ý định lập làm Trữ quân.

Bà sinh ngày 4 tháng 5 (âm lịch) vào năm Khang Hi thứ 53 (1714), phụ thân là Viên Ngoại lang Ngạch Nhĩ Cát Đồ. Kỳ tịch của bà thuộc Mông Cổ Tương Lam kỳ, Nam Uyển Hải Tử nhân, xuất thân từ gia tộc Hải thị, còn phiên gọi là Kha Lý Diệp Đặc thị hoặc Hải Giai thị. Bà hầu Càn Long Đế khi ông còn là Bảo Thân vương, danh hiệu Cách cách.

Năm Ung Chính thứ 13 (1735), ngày 3 tháng 9 (âm lịch), Càn Long Đế tức vị. Sang ngày 24 tháng 9 (âm lịch) cùng năm, Hoàng đế đại phong phi tần, Cách cách Hải thị được phong làm “Thường tại” là bậc gần cuối của hàng ngự thiếp, chỉ trên “Đáp ứng”. Bấy giờ, tước vị của bà cùng Trần Thường tại là thấp nhất trong số các phi tần đã theo hầu Càn Long Đế từ Tiềm để. Năm Càn Long nguyên niên (1736), lại thăng Quý nhân.

Phi tần sống lâu nhất bên vua Càn Long trong lịch sử Trung Quốc

Năm Càn Long thứ 6 (1741), ngày 7 tháng 2 (âm lịch), Hải thị sinh hạ Ngũ a ca Vĩnh Kỳ tại Vĩnh Hòa cung. Ngày 13 tháng 2 (âm lịch) cùng năm, chiếu tấn Du tần. Theo Hồng xưng thông dụng, “Du” có Mãn văn là “Hebengge”, nghĩa là “hòa thuận”, “thuận theo”, “thỏa hiệp”. Tháng 11 năm ấy, lấy Lễ bộ Thượng thư Nhậm Lan Chi làm Chính sứ, Nội các Học sĩ Xuân Sơn làm Phó sứ, hành tấn phong lễ.

Năm Càn Long thứ 10 (1745), ngày 23 tháng 1, Càn Long Đế chỉ dụ thăng Quý phi Cao thị làm Hoàng quý phi, đồng thời gia ân hậu cung. Nhàn phi Na Lạp thị cùng Thuần phi Tô thị tấn Quý phi, Quý nhân Ngụy thị lên Tần, còn Du tần Hải thị được sắc phong làm Phi, tức Du Phi. Lúc này cùng có vị Phi là Gia phi Kim thị – người hạ sinh Hoàng tứ tử Vĩnh Thành. Ngày 17 tháng 11, mệnh Lễ bộ Thượng thư Lai Bảo làm Chính sứ, Công bộ Tả thị lang Tác Trụ làm Phó sứ, hành sắc phong lễ.

Khi ấy, con trai duy nhất của bà là Ngũ a ca Vĩnh Kỳ rất thông minh, đa tài đa nghệ, nên được Càn Long Đế sủng ái. Năm Càn Long thứ 30 (1765), Ngũ a ca Vĩnh Kỳ được phong làm Vinh Thân vương – là Hoàng tử đầu tiên của Càn Long Đế được phong tước Vương, cho thấy Càn Long Đế có nhiều kỳ vọng ở vị Hoàng tử này. Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau đó, Vĩnh Kỳ bị bệnh qua đời, thọ 25 tuổi.

Phi tần sống lâu nhất bên vua Càn Long trong lịch sử Trung Quốc

Ngũ a ca qua đời, Du phi bị thất sủng

Vốn dĩ Du phi không được Càn Long sủng ái, chỉ nhận được vinh hoa và ngồi lên được phi vị là nhờ vào con trai Ngũ a ca Vĩnh Kỳ. Vì thế, sau khi Vĩnh Kỳ qua đời thì Du phi liền bị Càn Long ghẻ lạnh. Từ đó về sau, bà cũng không hoài thai được thêm bất kỳ lần nào nữa.

Nhưng chính sự ghẻ lạnh này, ngày nay đã được nhiều nhà sử học coi như là điều may mắn của Du Phi, bởi bà không còn phải vướng vào các cuộc tranh sủng tàn khốc nào nữa. Không ai hại bà, bà cũng chẳng hại ai, cứ điềm nhiên sống cuộc đời của riêng mình trong chốn cấm cung.

Để rồi, sau khi Lệnh Ý Hoàng Quý phi, Khánh Quý phi và Thư phi lần lượt qua đời, địa vị của Du phi trong Hậu cung là cao nhất. Cộng với tư lịch lâu bền, hầu hạ Càn Long kể từ khi ông còn là Bảo Thân vương ở Tiềm Để đến tận những năm tháng về già, nên lúc này đây Du Phi có thể coi là phi tần đứng đầu chúng phi.

Phi tần sống lâu nhất bên vua Càn Long trong lịch sử Trung Quốc

Truy tặng Quý phi

Năm Càn Long thứ 57 (1792), ngày 21 tháng 5 (âm lịch), Du phi Hải thị qua đời, thọ 79 tuổi.

Sau khi Du phi Hải thị qua đời, kim quan tạm quàn tại Cát An sở. Sang ngày 23 tháng 5 (âm lịch) cùng năm ấy, Càn Long Đế ra chỉ dụ tang lễ của Du Phi lấy theo tang nghi của Khánh Cung Hoàng Quý Phi, khi qua đời là vị Quý Phi, do đó có thể thấy Du Phi là lấy lễ Quý phi mà an táng. Ngày 27 tháng 5 (âm lịch), giờ Dần, kim quan của Du Quý phi được đưa từ Cát An sở đến Tĩnh An trang tạm an. Ngày 2 tháng 6 (âm lịch), lần lượt cử hành Tế văn sơ thứ và đại tế. Trong tế văn của hai lần này, Hải thị vẫn được giữ là Du Phi, tuy nhiên vào Tế văn sau 100 ngày thì bà được Càn Long Đế nâng thành Quý Phi trong lời văn tế, do vậy về sau bà được gọi là Du Quý phi. Tất cả đều do Hoàng thập thất tử Vĩnh Lân cùng Lễ bộ Thị lang Thiết Bảo chủ trì.

Năm Càn Long thứ 58 (1793), ngày 13 tháng 10 (âm lịch), phụng di kim quan của Du Quý phi từ Tĩnh An trang đến Dụ lăng, Thanh Đông lăng. Ngày 20 tháng 10 (âm lịch), làm lễ nhập táng Du Quý phi vào Phi viên tẩm.

Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành https://travel.duhoctrungquoc.vn/ nhé!

Nguồn: Internet

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 20:37:38

Danh mục đăng tin:Ẩm thực Trung Hoa, Văn hoá - Con người,
Top