Cờ cầu nguyện Lungta – một trong những nét văn hóa Tây Tạng

Lungta trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “ngựa gió”, vì thế còn được gọi là cờ “phong mã” (“Lung” có nghĩa là “Phong, Gió”; “Ta” là “Mã/ Ngựa”; Lungta là “Ngựa Gió” – “phong mã”). Người Tây Tạng tin rằng, biểu tượng của ngựa gió tiêu biểu cho sự chuyển hóa của cái ác thành cái thiện, những điều không may thành cát tường, thịnh vượng, chướng ngại trở thành cơ hội may mắn.

Cờ Lungta được làm bằng vải có hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng, xanh dương, vàng, xanh lá và đỏ. Trên mặt lá cờ được trang trí bởi các hình ảnh, thần thú và những lời cầu nguyện. Nằm ở chính giữa vị trí trung tâm lá cờ Lungta, biểu tượng chính là ngựa gió chở trên lưng 3 viên ngọc quý bốc lửa gọi là “ratna” hay “tam bảo”. Con ngựa là biểu tượng của tốc độ và sự hóa duyên, phúc lành. 3 viên ngọc tượng trưng cho tam bảo là Phật (Buddha) – Pháp (Dharma) và Tăng (Sangha). Xung quanh phong mã còn có nhiều hình vẽ, ký tự gọi chung là thần chú (mantra). Có khoảng 400 bài mantra, mỗi bài ứng với một vị thần, trong đó nhiều nhất là các bài chú của Liên Hoa Sinh (Padmasambhava), Quán Thế Âm và Văn Thù Sư Lợi. Ở 4 góc cờ còn có tên hoặc hình của 4 linh thú: Garuda (một loài chim thần) tượng trưng cho trí tuệ, rồng tượng trưng cho quyền năng, hổ tượng trưng cho lòng tin và sư tử tuyết đại diện vô úy (dũng cảm).

Cờ cầu nguyện Lungta - một trong những nét văn hóa Tây Tạng

Có nhiều giả thuyết đưa ra về nguồn gốc, xuất xứ của những lá cờ Lungta. Lungta xưa kia thuộc về đạo Bon. Đạo Bon chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, coi thế giới gồm năm nguyên lý: Đất – Nước – Lửa – Khí – Không và họ lấy 5 màu cơ bản để làm cờ đại diện. Và khi Phật giáo hội nhập thì 5 nguyên lý tương ứng với 5 vị Phật, 5 Trí tuệ của Phật. Rồi lại còn tương ứng với 5 vị Độ mẫu chuyên cứu độ loài người. Có loại Lungta in hình Phật, có loại in hình các linh thú chuyên chở kinh Phật, và trên nền luôn là các bài kinh hoặc chú Mật tông: Màu Xanh lam tượng trưng cho Nước – Bảo Sinh Phật – Độ Mẫu Mamaki – phương Nam – Sư tử tuyết; Màu Trắng tượng trưng cho Khí và Gió – Đại Nhật Phật – Độ Mẫu Bạch Đala (White Tara) – Ngựa gió; Màu xanh đậm tượng trưng cho Không Gian và Trời – Bất Không Thành Tựu Phật – Độ Mẫu Thanh Đala – phương Bắc – Con Rồng; Màu đỏ tượng trưng cho Lửa – Di Đà Phật – phương Tây – Độ Mẫu Pandaravasini – Chim Garuda; Màu vàng tượng trưng cho Đất – A Súc Bệ Phật – Độ Mẫu Lochana – Phương Đông – Con Hổ.

Cờ cầu nguyện Lungta - một trong những nét văn hóa Tây Tạng

Lungta thường được treo ở nơi núi cao, bờ sông, các khu đền,…, những nơi có gió. Mỗi khi gió thổi lungta bay lên, là những lời kinh, lời nguyện trải khắp không gian, hình ảnh của chư Phật, chư Độ Mẫu lại trải ra cho muôn vàn chúng sinh cảm nhận. Treo lungta vì thế trở thành cả một nghi thức tâm linh, vừa đơn giản lại vừa thiêng liêng. Ngoài ra, còn có những dây cờ phất phới gọi chung là kim tràng hay cờ nguyện có tác dụng hàn gắn mọi vết thương và chữa lành mọi bệnh tật. 

Một trong những điều cần biết khi đến Tây Tạng là du khách nên tôn trọng những lá cờ này, dù có thấy chúng vô tình bị rơi xuống đất cũng không nên dẫm lên, nếu được thì lượm treo lên hoặc để lên một chỗ cao gần đó. Tốt nhất là đến một nhà dân trong khu vực và gửi cho họ. Mỗi lá cờ đều ẩn chứa những tâm tình và hy vọng của một người nào đó. Những hy vọng vào sự giúp đỡ của thần linh, hãy tôn trọng và bảo vệ nó nhé!

Người Tây Tạng tin rằng, cờ Lungta được treo bên trong hoặc xung quanh ngôi nhà sẽ mang những thiện ý, sự từ bi lan tỏa khắp không gian cũng như đem lại giàu có và trường thọ cho gia chủ. Sự hiện diện của cờ Lungta có thể xua tan các ý nghĩ tiêu cực và kích hoạt năng lượng tích cực. Vì vậy, cờ Lungta được tin là đem lại lợi lộc cho tất cả muôn loài.

Cờ Lungta mang lại tài bảo cho những người sở hữu. Từ thời xa xưa ở vùng núi Himalaya, Lungta được coi là tài sản rất có giá trị. Khi một người con trai kết hôn và đi ở rể, gia đình sẽ cho anh ta một chiếc cờ Lungta để làm của hồi môn. Chính vì thế từ thời đó, cờ Lungta Phodrang đã có giá trị cao hơn các tài sản vật chất khác.

Cờ cầu nguyện Lungta - một trong những nét văn hóa Tây Tạng

Khi treo cờ Lungta ở trên cao, những lời cầu nguyện trên lá cờ sẽ mang đến những ân phước, điều tốt lành đến với tất cả chúng sinh. Những cơn gió lướt trên về mặt của những lá cờ vốn rất nhảy cảm với sự chuyển động của không khí, không gia sẽ được các lời minh chú tịnh hóa và trở nên đầy phúc lành. Treo cờ Lungta cũng trở thành một nghi thức tâm linh. Tuy nhiên, nếu cờ được treo sai ngày, chúng sẽ chỉ đem lại những điều không lành. Và càng được treo lâu bao nhiêu, thì chướng ngại được sinh ra sẽ lớn hơn. Thường niên cứ vào Tết của người Tây Tạng, cờ cũ sẽ được thay bởi những lá cờ mới.

Với những ý nghĩa linh thiêng và cao đẹp như vậy, nên du khách hãy thử một lần viết những lời cầu nguyện trên lá cờ Lungta, treo cao trong gió ở đất trời Tây Tạng trong hành trình du lịch Trung Quốc nhé! Hãy để những chú ngựa gió mang lời nguyện ước của du khách đến khắp thế gian, gửi đi những ân phước tốt lành của chư Phật. Hãy một lần để bản thân mình được thư thoải, viết ra những muộn phiền cũng như mong muốn tốt đẹp cho bản thân và người thân xung quanh mình. Hãy để những cơn gió ở Tây Tạng cuốn đi những u sầu và những điều không tốt đẹp.

Source URL:https://www.tourtrungquoc.net.vn/van-hoa-am-thuc/co-cau-nguyen-lungta-mot-trong-nhung-net-van-hoa-tay-tang.html

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 21:50:43

Danh mục đăng tin:Ẩm thực Trung Hoa, Văn hoá - Con người,
Top