Cao Tòng Hối – ông vua "vô lại" trong lịch sử Trung Hoa

Cao Tòng Hối (891 – 948), gọi theo thụy hiệu là Nam Bình Văn Hiến Vương, tên tự Tuân Thánh, là quân chủ từ năm 929 đến năm 948 của nước Kinh Nam (còn gọi là Nam Bình) thời Ngũ Đại Thập Quốc tại Trung Quốc.

THÂN THẾ

Khi sinh ra, hoặc một thời gian ngắn sau đó, có lẽ ông mang họ Chu do cha ông là Cao Quý Xương trở thành nghĩa tử của Chu Hữu Nhượng, Nhượng lại là nghĩa tử của Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung. (Cao Quý Xương đổi sang họ Cao vào khoảng sau năm 903). Mẹ của Cao Tòng Hối là phu nhân Trương thị; bà được Cao Quý Xương yêu mến. Ông là trưởng tử của Cao Quý Xương.

Sau khi Cao Quý Xương được bổ nhiệm làm Kinh Nam tiết độ sứ, và sau khi Chu Toàn Trung soán Đường mà lập nên triều Hậu Lương, có vẻ như Cao Quý Xương đưa Cao Tòng Hối đến kinh thành Lạc Dương phụng sự triều đình, và sau đó ông trở thành Yên bí khố phó sứ, tức quản lý kho vật tư cho kị binh. Trong một lần, khi ông có cơ hội về thăm cha tại Kinh Nam, cha của ông đã giữ ông lại và bổ nhiệm ông là Kinh Nam nha nội đô chỉ huy sứ. Vào lúc phụng sự tại kinh thành Hậu Lương hoặc sau khi trở về Kinh nam, Cao Tòng Hối lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Hào Châu thứ sử và Quy Châu thứ sử.

Hậu Đường tiêu diệt Hậu Lương vào năm 923, Cao Quý Xương đổi tên thành Cao Quý Hưng do húy kỵ, đến năm 925, Hậu Đường Trang Tông cùng với chư hầu là Nam Bình vương Cao Quý Hưng tiến công tiêu diệt nước Tiền Thục. Trong chiến dịch, Cao Quý Hưng được phân công đánh chiếm ba châu đông bộ của Hậu Thục sát với biên giới Kinh Nam, đó là Quỳ Châu, Trung Châu, và Vạn Châu (nay đều thuộc ). Cao Quý Hưng cho Hành quân tư mã Cao Tòng Hối tạm quyền cai quản quân phủ sự của Kinh Nam còn bản thân thì tây tiến, song chiến bại trước tướng Tiền Thục là Trương Vũ và buộc phải trở về Giang Lăng. (Trương Vũ sau đó dâng lãnh thổ của mình đầu hàng tướng Lý Kế Ngập của Hậu Đường).

Cao Tòng Hối - ông vua "vô lại" trong lịch sử Trung Hoa

Năm 926, Hậu Đường sau khi thôn tính được Hậu Thục thì bản thân lại chìm trong nội loạn, Hậu Đường Trang Tông bị sát hại trong một cuộc binh biến tại Lạc Dương, Lý Tự Nguyên trở thành hoàng đế, tức Hậu Đường Minh Tông. Cao Quý Hưng thỉnh cầu xin được giao cho ba châu Quỳ, Trung, Vạn, Hậu Đường Minh Tông thoạt đầu thì chấp thuận. Tuy nhiên, sau khi triều đình bác bỏ yêu cầu của Cao Quý Hưng là để tự mình bổ nhiệm thứ sử các châu này, Cao Quý Hưng dùng vũ lực đoạt lấy Quỳ châu – trên thực tế có nghĩa là nổi dậy chống triều đình Hậu Đường. Cao Tòng Hối liên tục khuyến gián cha không làm phản, song Cao Quý Hưng không nghe theo. Sau đó, trong lúc kháng cự một đội quân Hậu Đường tiến đến, Cao Quý Hưng quay sang quy phục Ngô, Ngô thoạt đầu từ chối song sau đó lại chấp thuận. Hoàng đế Ngô là Dương Phổ trao cho Cao Tòng Hối chức Trung Nghĩa tiết độ sứ, chức vụ mang tính danh nghĩa vì thực ra nơi này khi đó nằm dưới quyền kiểm soát của Hậu Đường; Dương Phổ cũng ban cho ông danh hiệu tể tướng là Đồng bình chương sự.

Tháng 12 ÂL năm Mậu Tý, Cao Quý Hưng lâm bệnh, Cao Tòng Hối được giao tạm quyền quản lý quân phủ. Cao Quý Hưng mất ngày Bính Thìn cùng tháng (tức 28 tháng 1 năm 929). Dương Phổ bổ nhiệm Cao Tòng Hối làm Kinh Nam tiết độ sứ, kiêm Thị trung. Vậy là từ đây, Cao Tòng Hối nắm quyền quản lý Kinh Nam.

TRỞ MẶT NHƯ TRỞ BÀN TAY

Cao Tòng Hối được đánh giá là kẻ ranh mãnh, láu cá, sau khi lên ngôi tiếp tục chính sách ngoại giao “lựa gió bẻ buồm”. Sử chép rằng từ khi Cao Tòng Hối chấp chính thì “Tấn, Đường, Khiết Đan, Hán chiếm cứ Trung nguyên; Nam Hán, Ngô, Thục đều xưng đế, Tòng Hối vì lợi mà xưng thần với tất cả” (Cựu Ngũ đại sử).

Cao Tòng Hối - ông vua "vô lại" trong lịch sử Trung Hoa

Vì chấp nhận ở vai kẻ dưới nên Cao Tòng Hối trên danh nghĩa chỉ là một quan chức của các quốc gia kia, thí dụ như lần lượt nhận các chức Cung phụng quan, Yên Bí khố sứ cho đến chức Hành quân tư mã, Trung nghĩa Tiết độ sứ của nhà Hậu Lương. Rồi lại nhận chức Bột Hải vương, tiếp đó là Nam Bình vương do triều Hậu Đường ban cho. Chưa hết, Cao Tòng Hối chẳng kể thân sơ, cứ được phong tước vị là nhận tất nhưng khi những đòi hỏi của mình không được đáp ứng thì lập tức trở mặt ngay lập tức.

Chủ trương của Cao Tòng Hối là xưng thần với các nước để cầu sự bình yên, nhưng không chỉ có thế, xưng thần còn mục đích mưu lợi khi xin tiền bạc, của cải thậm chí còn trơ trẽn xin cả đất đai lãnh thổ.

Tháng 2 năm Đinh Mùi (947), khi nghe tin ở phía Bắc, nhà Hậu Tấn bị Khiết Đan diệt, Tiết độ sứ Hà Đông là Lưu Tri Viễn dấy quân đánh đuổi Khiết Đan, xưng đế, lập lên nhà Hậu Hán, Cao Tòng Hối liền sai sứ thần mang lễ vật theo đường biển đến xưng thần để tỏ lòng trung thành. Tuy nhiên, kèm theo việc xưng thần đó là đòi hỏi vua Hậu Hán “ban” cho đất đai ở Dĩnh Châu. Hậu Hán Cao Tổ Lưu Tri Viễn vốn đã nghe “danh tiếng” về Cao Tòng Hối nên vờ chấp thuận, lấy cớ là mới lập nước, chờ tình hình ổn định sẽ tính đến chuyện “ban thưởng”. Thế nhưng chờ mãi không thấy Hậu Hán nhớ đến lời hứa hẹn kia, Cao Tòng Hối liền quay ngoắt thái độ, tuyên bố không xưng thần, cắt đứt mọi quan hệ với Hậu Hán, sau đó ve vãn các nước mới lập là Mân, Nam Hán, Nam Đường…

TẠI SAO CAO TÒNG HỐI BỊ MANG TIẾNG LÀ ÔNG VUA VÔ LẠI?

Bị đánh giá là một vị vua bất tài, không lập được công trạng, thành tích gì trong quản lý, điều hành đất nước nhưng nhờ kế sách xưng thần để cầu an nên nhờ đó Cao Tòng Hối ở ngôi vị được 19 năm, tình hình trong nước ít có biến động.

Nếu chỉ bất tài thôi thì không có gì đáng nói thêm về Cao Tòng Hối nhưng ông vua này còn bị gọi là kẻ “vô lại”. Theo sách Tân Ngũ đại sử (mục Nam Bình thế gia) có giải thích về từ vô lại như sau: “Tục ngữ gọi bọn trộm cắp vô liêm sỉ là vô lại”. Ở bậc quân vương tôn quý như Cao Tòng Hối thì tại sao lại bị coi là vô lại, không khác gì đám trộm cắp ở đáy xã hội? Điều này có nguyên do của nó. 

Số là trong các nước xưng hùng thời bấy giờ, Hậu Lương có thế lực mạnh nhất nên được các nước khác tôn làm minh chủ, hàng năm cống nộp của cải cho Hậu Lương. Vì bị nước Ngô cản trở do có thù với Hậu Lương nên sứ thần nhiều nước khi đến Hậu Lương thường đi qua Nam Bình và tình huống hài hước đã xảy ra. 

Cao Tòng Hối - ông vua "vô lại" trong lịch sử Trung Hoa

Cao Tòng Hối có sở thích quái gở là bắt giữ sứ giả các nước khi đi qua địa phận của mình, khi công khai, khi ngấm ngầm nhưng đến lúc các nước có phản kháng, ông ta liền thả sứ giả ra mà chẳng thấy hổ thẹn về hành động của mình. Thế nhưng điều này xảy ra không nhiều, bởi Cao Tòng Hối nghĩ ra một cách kiếm lợi khác hơn là “đùa giỡn” với các sứ giả mà chẳng đem lại bổng lộc gì.

Cách mà Cao Tòng Hối kiếm chác như sau, lần nào cũng vậy, mỗi khi có đoàn vận chuyển lễ vật của các nước đi qua, Cao Tòng Hối đều sai người đem rượu ngon, thịt béo ra khoản đãi no say rồi mặt khác sai quân lính cải trang thành các đám trộm cướp, thổ phỉ ra cướp bóc.

Thế là một phần đáng kể vải vóc, lụa là, vàng ròng, bạc trắng… rơi vào tay Cao Tòng Hối. Khi thấy tình trạng cướp bóc xảy ra liên tục, các nước lên tiếng trách cứ thì triều đình Nam Bình lập tức sai quan quân đi tiễu phạt, tổ chức “vây quét sào huyệt” của bọn “cướp” rồi lấy một phần nhỏ trong số của cải ăn cướp đem trả lại.

Ban đầu trò khôn vặt của Cao Tòng Hối qua mặt được thiên hạ, nhưng về sau “ăn vụng nhọ mép” là chuyện khó thể giấu được mãi, thế mà Cao Tòng Hối không hề biết ngượng. Dần dà quân vương của các nước đều khinh thường nhân cách, đạo đức của Cao Tòng Hối và gọi ông ta bằng biệt danh “Cao vô lại”.

Tháng 10 năm Mậu Thân (948) ông vua “Cao vô lại” lâm bệnh rồi ốm chết tại Giang Lăng (nay thuộc Long Sơn, huyện Giang Lăng, tỉnh ), thọ 58 tuổi.

Du khách có cảm thấy thích thú với những thông tin mà https://travel.duhoctrungquoc.vn/ vừa chia sẻ như trên đây không? Lịch sử, văn hóa và con người của đất nước Trung Hoa rộng lớn này còn rất nhiều nhiều thú vị mà du khách nên khám phá nếu có dịp du lịch Trung Quốc!

Thông tin bài viết được thu thập và tổng hợp từ Nguồn Internet chỉ mang tính chất tham khảo.- Email: support@duhoctrungquoc.vn

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 19:56:53

Danh mục đăng tin:Ẩm thực Trung Hoa, Văn hoá - Con người,
Top