2 bí mật nổi tiếng xoay quanh cuộc đời Ung Chính Đế ở Trung Hoa

Thanh Thế Tông (13/12/1678 – 8/10/1735), tên húy Dận Chân, pháp hiệu Phá Trần Cư Sĩ, Viên Minh Cư Sĩ, Hãn hiệu Nạp Y Lạp Nhĩ Đồ Thác Bố, Tây Tạng tôn vị Văn Thù Hoàng đế, là vị Hoàng đế thứ năm của đế quốc Đại Thanh, trị vì từ năm 1722 đến 1735. Ông dùng niên hiệu Ung Chính trong suốt thời gian 13 năm trị vì, nên các sử gia thường gọi ông là Ung Chính Đế.

Ông là con trai thứ 4 trong số những người con trưởng thành của Thanh Thánh Tổ Khang Hi Hoàng đế. Mẹ là Hiếu Cung Nhân hoàng hậu Ô Nhã thị, thuộc Tương Hoàng kỳ Mãn Châu. Bấy giờ, Hiếu Cung Hoàng hậu chỉ là cung nhân, xuất thân lại rất thấp (Bao y), theo quy chế không được tự nuôi con, vì vậy Dận Chân vừa đầy tháng đã được đưa đến cho Hiếu Ý Nhân hoàng hậu Đông Giai thị chăm sóc. Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu vốn là con gái của Nhất đẳng công Đông Quốc Duy, chất nữ của Hiếu Khang Chương Hoàng hậu, từng sinh một Hoàng tử nhưng không may mất sớm.

Ung Chính là một vị Hoàng đế siêng năng, cần kiệm và chống tham nhũng quyết liệt, mục tiêu của Ung Chính là tạo ra một triều đình hiệu quả với chi phí thấp nhất. Các chính sách của ông đã mở đường cho sự thịnh trị gần 150 năm tiếp theo của Đại Thanh. Cuối đời ông, quốc khố hãy còn dư nhiều. Về đối ngoại, Ung Chính tiếp nối vua cha Khang Hi, Ung Chính sử dụng các biện pháp quân sự mạnh mẽ để giữ gìn vị thế của Đại Thanh đối với các nước lân bang. Triều đại của ông được xem là chuyên chế, hiệu quả và mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc Ung Chính thống trị bằng bàn tay sắt khiến hình tượng trong dân gian của ông không được tốt, có những lời đồn gây ảnh hưởng tới uy tín của nhà vua và người kế vị ông như Hoàng đế Càn Long không phải là con ông mà là người Hán. Sự phản cảm của nhân dân đối với ông còn được thể hiện qua lời đồn rằng ông bị một thích khách đâm chết và bị cắt lấy thủ cấp.

Mặc dù triều đại của Ung Chính ngắn hơn nhiều so với cha mình (Khang Hi Đế trị vì 61 năm) và con trai (Càn Long Đế trị vì 60 năm), cái chết đột ngột của ông lại là do khối lượng công việc nặng nề của ông mang lại. Ung Chính đã tiếp nối một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng cho Nhà Thanh, không có ông thì không có cái gọi là Khang Càn thịnh thế. Ung Chính đã ngăn chặn tệ nạn tham nhũng và cải cách việc quản lý của đất nước. Thời ông cũng bắt đầu thành lập Quân cơ xứ, một cơ quan có ảnh hưởng lớn đến đế chế Trung Hoa trong tương lai.

2 bí mật nổi tiếng xoay quanh cuộc đời Ung Chính Đế ở Trung Hoa

NGHI VẤN UNG CHÍNH “THANH TRỪNG” VUA CHA VÀ CÁC HUYNH ĐỆ ĐỂ LÊN NGÔI HOÀNG ĐẾ

Vào năm Khang Hi thứ 61 (1722), con trai thứ 4 của Dận Chân (Ung Chính Đế sau này) là Hoằng Lịch tròn 12 tuổi, Khang Hi Đế đến Viên Minh Viên dự tiệc dùng thiện. Sau khi Càn Long đăng cơ, “Cao Tông Thuần Hoàng đế” có ghi chép lại, Khang Hi Đế vì Hoằng Lịch mà đến Viên Minh Viên dự tiệc, còn khen sinh mẫu Hoằng Lịch là người có phúc. Nhưng trong “Thánh Tổ Nhân Hoàng đế thực lục” lại không có ghi chép gì về việc Khang Hi Đế yêu thích mẹ con Hoằng Lịch hay sách phong Thế tử, Phúc tấn gì để ban thưởng.

Ngày 13/11 (tức ngày 20/12 dương lịch), Khang Hi Đế băng hà ở Sướng Xuân viên. Đến ngày 20/11 (tức ngày 27/12 dương lịch), theo di chiếu, Hoàng tứ tử Ung Thân vương Dận Chân kế vị. Bắt đầu sang năm (1723) dùng niên hiệu là “Ung Chính”. Chữ “Ung Chính”, xuất phát từ chữ “Ung”, nghĩa là “hòa thuận”; và chữ “Chính”, nghĩa là “ngay thẳng” hay “chính thống”.

Về cái chết đột ngột của Khang Hi Đế khi đến Viên Minh Viên dự tiệc, một giả thuyết phổ biến là Khang Hi đã uống phải bát canh độc do người của Dận Chân dâng lên. 

Các sử gia Trung Quốc ghi nhận có nhiều ghi chép khác nhau về việc qua đời và truyền ngôi của Hoàng đế Khang Hi. Có ý kiến cho rằng Khang Hi đã chủ ý truyền ngôi cho con trai thứ 14 là Dận Đề, nhưng Dận Chân đã liên kết các đại thần nhà Thanh thay đổi di chiếu của vua cha bằng cách thêm dấu vào và sửa đổi k‎ý tự. Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là việc Ung Chính đã thay đổi chữ “thập tứ” (十四) thành chữ “vu tứ” (于四, vu nghĩa là “cho”), một số khác cho rằng từ “thập tứ” thành “đệ Tứ” (第四). Khi các câu chuyện này truyền trong dân gian, cũng có một số ít chứng cứ cho quan điểm này, đặc biệt là dựa trên việc chữ “vu” (于) không được dùng rộng rãi trong suốt thời đại Nhà Thanh, vì người ta thường dùng chữ “於”. Tiếp đó, phong tục của Nhà Thanh là di chiếu sẽ được viết cả bằng tiếng Mãn Châu và tiếng Hán, mà tiếng Mãn Châu khó viết hơn, trong trường hợp này việc sửa di chiếu có lẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, dù có nhiều nghi ngờ dấy lên khi mà di chiếu viết bằng tiếng Mãn bị thất lạc đâu đó và di chiếu bằng tiếng Hán, đang được lưu giữ trong viện Bảo tàng sử Trung Quốc, chỉ được ban bố 2 ngày sau cái chết của Khang Hi. Một số nhà sử đưa ra giả thuyết rằng Ung Chính Đế không thay đổi di chiếu nhưng đã viết một bản khác.

Do sự lên ngôi của ông có nhiều điều nghi vấn, Ung Chính đã nhận thấy sự đố kỵ và tranh chấp từ các Hoàng tử còn lại. Từ đó, Ung Chính đã chủ động cô lập, diệt trừ các Hoàng tử khác để tránh mối họa về sau. 

Dận Thì, Đại Hoàng tử tiếp tục bị giam cầm tại gia. Dận Nhưng, Phế Thái tử mất 2 năm sau khi Ung Chính Đế lên ngôi, dù việc họ bị giam cầm không phải do Ung Chính mà do Khang Hi Đế. Việc khó khăn nhất chính là phải chia rẽ nhóm của Hoàng tử Dận Tự (bao gồm Dận Tự; Hoàng tử thứ 9 Dận Đường, Hoàng tử thứ 10 Dận Ngã; và các thuộc hạ), và chia cắt Dận Trinh nhằm cắt đứt liên minh này. Dận Tự, người nắm giữ chức Thượng thư Bộ Công, và tước Liêm Thân vương, được theo dõi rất kỹ bởi Ung Chính. Dận Đường được cử tới để hỗ trợ quân đội, nhưng thực chất là chịu sự cai quản thuộc hạ của Ung Chính là tướng quân Niên Canh Nghiêu. Dận Ngã bị tước bỏ mọi quyền vị vào tháng 5 năm 1724, và bị đày đi phương bắc tới vùng Nội Mông. Hoàng tử thứ 14 là Dận Trinh, em ruột của Ung Chính, thì bị đày đến canh giữ tẩm lăng của các Tiên hoàng.

Trong những năm đầu tiên dưới sự cai trị của Ung Chính, sự ủng hộ ông đã tăng lên rõ rệt. Dận Tự muốn dùng vị thế và chức vị của mình nhiều lần ép buộc nhà vua nhằm làm cho Ung Chính phải đưa ra những chính sách, quyết định sai lầm dù bề ngoài Dận Tự vẫn tỏ ra ủng hộ nhà vua. Dận Tự và Dận Đường, những người từng ủng hộ Dận Trinh lên vị trí ngôi báu, đã bị tước hết mọi quyền vị và bị giam cầm trong ngục cho đến chết vào năm 1727.

Có thể nói, Ung Chính là một vị hoàng đế gây nhiều tranh cãi, nhưng cũng được coi là một đấng minh quân tận lực cống hiến, đặt nền móng để Càn Long mở ra một giai đoạn hưng thịnh cho nhà Thanh.

Trong bản tóm tắt tiểu sử toàn diện nhất về Hoàng đế Ung Chính của học giả Phùng Nhĩ Khang, tác giả đã nhìn nhận việc kế ngôi của Ung Chính bằng một nhãn quan mới mẻ. Phùng Nhĩ Khang viết rằng vẫn còn một số nghi ngờ từ di chiếu bị thất lạc hay ngày được ban hành, song đa số các luận điểm chứng tỏ rằng Ung Chính đã thành công trong việc lên ngai vàng một cách hợp lẽ, dẫu cho ông cũng đã có sử dụng quân đội trong một số trường hợp cần thiết. Hoàng tử thứ 8 là Dận Tự đã bỏ cả đời để chiêu nạp các quan viên, thuộc hạ bằng con đường hối lộ, và những ảnh hưởng của Dận Tự đã liên quan đến chính bíến Phong Đài.

Ngoài ra, Phùng Nhĩ Khang cũng cho rằng: “Mặc dù chúng ta không hoàn toàn chắc chắn điều gì đã xảy ra với sự kế vị, cũng như bên nào đúng bên nào sai, nhưng có lý do để nói rằng các thế lực chính trị chống lại Ung Chính đã làm nhiều điều mờ ám đằng sau ‎nhằm phủ lên vương triều Ung Chính một bức tranh đen tối; truyền thống hoàng gia Trung Hoa đã dẫn đến những suy nghĩ tin tưởng rằng toàn bộ công lao cai trị của Ung Chính có thể bị phủ định bởi vì sự kế vị của ông không do di mệnh của tiên hoàng, người nắm đặc quyền quyết định tối cao”.

Ngoài ra, học giả Phùng Nhĩ Khang cho rằng Khang Hi đã phạm một sai lầm to lớn khi để các con của mình lao vào trò chơi chính trị quá nhiều, và đặc biệt là trong hoàn cảnh chiếc ghế Thái tử bị bỏ trống, do đó một cuộc quyết chiến giành ngôi vua, bao gồm cả việc chiếm đoạt nếu có thể, là một kết quả không thể tránh khỏi trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Vì thế, thậm chí sẽ là một sai lầm to lớn hơn nữa khi đánh giá một nhà cai trị đơn giản thông qua cách mà ông ta đạt đến quyền lực. Có một điều chắc chắn là sau này Hoàng đế Ung Chính đã bảo đảm rằng quá trình chuyển giao quyền lực cho người kế vị mình diễn ra thuận lợi, không như trường hợp của chính ông. Để tránh cho chính biến lặp lại, Ung Chính cho viết tên người kế vị vào hai tờ giấy, một tờ giấu trong một cái hộp, cất trong Càn Thanh cung. Một tờ giấy hoàng đế giữ bên mình. Một khi Ung Chính qua đời, các đại thần sẽ lấy hai tờ giấy so sánh với nhau, nếu tên người kế vị trong hai tờ giấy giống nhau thì người ấy chính là Hoàng đế tiếp theo.

GIAI THOẠI VỀ XÁC CHẾT KHÔNG ĐẦU VÀ LƯỠI ĐAO RỬA HẬN CỦA HẬU NHÂN NHÀ HỌ LÃ

Về sự kiện Ung Chính qua đời, các nguồn sử liệu chính thống không lưu lại bất kỳ ghi chép chi tiết nào. Ngay tới chính sử nhà Thanh chỉ lưu lại vỏn vẹn: “Sáng sớm ngày 23 tháng 8 năm Ung Chính thứ 13, hoàng đế đột ngột qua đời ở li cung thuộc Viên Minh Viên”.

Một vài tài liệu khác cũng có đề cập tới việc Hoàng đế băng hà. Tuy nhiên, phần lớn chỉ chép chung chung rằng Ung Chính đột nhiên bệnh nặng rồi qua đời một cách hết sức đột ngột.

Đại thần Trương Đình Ngọc có chép lại rằng mình tận mắt nhìn thấy Ung Chính trào máu mà chết.

Liên quan tới sự kiện này, có giai thoại truyền rằng ông bị trúng gió nên đột tử, có giả thiết khẳng định ông bị cung nữ và thái giám hạ sát. Thậm chí còn có câu chuyện thêu dệt nên chuyện tình của ông với tình nhân của Tào Tuyết Cần (người được cho là nguyên mẫu của Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”), sau đó bị chính tác giả này và tình nhân liên thủ đầu độc đến chết.

2 bí mật nổi tiếng xoay quanh cuộc đời Ung Chính Đế ở Trung Hoa

Thế nhưng, một trong số những giai thoại bài bản và được lưu truyền rộng rãi nhất về cái chết của Ung Chính phải kể tới giả thiết ông bị nữ thích khách Lã Tứ Nương chặt đầu. Giai thoại này từng được đề cập trong hai tác phẩm dã sử là “Thanh Cung thập tam triều” và “Thanh cung dị văn”. Theo đó, lý do khiến Lã Tứ Nương hành thích Ung Chính bắt nguồn từ một bản án đẫm máu của gia tộc họ Lã.

Năm xưa, Lã Lưu Lương đã bị chém đầu vì án văn tư ngục (những bản án liên quan tới chữ nghĩa). Gia tộc họ Lã cũng không thoát khỏi liên can, toàn bộ nam giới từ 16 tuổi trở lên đều bị chém đầu, số còn lại hoặc bị giết, hoặc bị lưu đày và trở thành nô bộc, người hầu.

Bấy giờ, số người chịu liên lụy từ bản án chữ nghĩa của Lã Lưu Lương phải lên tới con số hàng trăm, duy chỉ có người cháu gái Lã Tứ Nương là may mắn trốn thoát. Chứng kiến thảm cảnh máu chảy đầu rơi của cả dòng họ, Lã Tứ Nương đã cắt tay viết ra một bức huyết thư 8 chữ: “Không giết Ung Chính – chết không nhắm mắt”.

Sau đó, người cháu gái này của gia tộc họ Lã đã mai danh ẩn tích, bái sư học nghệ, đến khi trưởng thành thì trà trộn vào tẩm cung của Ung Chính ở Viên Minh Viên để nhân cơ hội chặt đầu Hoàng đế, khi chuyện đã thành thì đem theo thủ cấp rồi biến mất.

2 bí mật nổi tiếng xoay quanh cuộc đời Ung Chính Đế ở Trung Hoa

Để bưng bít cho vụ án trên, hoàng tộc nhà Thanh đã bí mật làm ra một chiếc đầu lâu bằng vàng nhằm an táng cùng thi thể không đầu của Ung Chính và chôn cất tại Thái Lăng.

Tuy nhiên theo các tài liệu chính sử liên quan tới Thanh cung, không có vụ án nào liên quan tới việc người nhà họ Lã chạy trốn. Hơn nữa với sự canh phòng nghiêm ngặt của quân lính Thanh triều, một nữ thích khách như Lã Tứ Nương dù có cải trang giỏi tới đâu cũng khó trà trộn được vào tẩm cung chứ chưa nói đến việc có cơ hội tiếp cận và hành thích Hoàng đế.

Cho tới ngày nay, giai thoại Lã Tứ Nương chặt đầu Ung Chính vẫn chưa có chứng cứ xác thực. Vì vậy giả thiết này vẫn chỉ là câu chuyện được người đời kể cho nhau nghe trong những lúc trà dư tửu hậu mà thôi..

Nếu không phải bị Lã Tứ Nương ám sát, vậy đâu là nguyên nhân khiến Ung Chính đế chết bất đắc kỳ tử chỉ sau 2 ngày lâm bệnh ngắn ngủi?

Theo ghi chép của các tài liệu chính sử liên quan tới Thanh cung, từ năm Ung Chính thứ 7 sau khi mắc một trận bạo bệnh, vị Hoàng đế này đã đưa ra một chỉ dụ cho các đại thần tâm phúc của mình để yêu cầu họ tiến cử một vài lương y và đạo sĩ cao tay. Từ đạo mật chỉ này, có suy đoán cho rằng Ung Chính thực chất đã bắt đầu tìm kiếm các đạo sĩ, lương y khắp nơi để tiến hành luyện đan nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ, thậm chí trường sinh bất tử. Bằng chứng rõ nhất là ông từng đặc biệt xây một đạo viện ở Viên Minh Viên dành riêng cho các đạo sĩ, hơn nữa còn từng vận chuyển hơn 2 tấn than, củi tới nơi này chỉ trong 1 tháng ngắn ngủi.

Ngoài ra, những thánh chỉ do chính tay Hoàng đế này chắp bút cũng từng đề cập đến việc ban thưởng đan cho các tướng quân. Đây là một điểm đáng lưu ý, bởi các vị vua thời xưa khi luyện đan, chế thuốc thường tiến hành rất bí mật, còn Ung Chính lại sẵn sàng ghi rõ trong chỉ dụ của mình.

Đặc biệt, Càn Long đế sau khi lên ngôi đã nhiều lần ban chiếu hạ lệnh đuổi toàn bộ các đạo sĩ ở Viên Minh Viên. Dựa vào việc một vị Hoàng đế mới đăng cơ vẫn còn bộn bề nhiều việc mà lại để tâm tới điều này đã cho thấy rất có thể cái chết của Ung Chính phần nào có liên quan tới những đạo sĩ nói trên.

Vào thời xưa, “tiên đan” mà cổ nhân luyện thành thực chất được bào chế từ nhiều loại độc dược nguy hiểm như thủy ngân, lưu huỳnh, thạch tín… Cho nên loại đan dược này vốn không có công dụng trường sinh bất lão hay kéo dài tuổi thọ mà thậm chí còn có thể khiến người dùng mất mạng.

Bởi vậy thông qua những bằng chứng trên đây, rất có khả năng Ung Chính vì ăn quá nhiều đan dược trong thời gian nên cơ thể tích tụ quá nhiều độc tố, từ đó trúng độc mà đột ngột băng hà. Thế nhưng suy cho cùng, giả thiết này cũng mới chỉ dừng lại ở suy đoán.

Trong lịch sử Trung Hoa, những đế vương vì “tiên đan” mà chết vốn không hề ít, có thể kể tới như Tấn Ai Đế, Đường Thái Tông, Minh Nhân Tông… Điểm đáng lưu tâm là nguyên nhân dẫn tới cái chết của những vị Hoàng đế nói trên đều được sử sách ghi lại rõ ràng, còn riêng Ung Chính đế lại được bố cáo chung chung.

Vì vậy không loại trừ khả năng cái chết của vị vua Thanh triều này vẫn còn ẩn chứa một bí mật mà hoàng tộc Ái Tân Giác La không muốn tiết lộ cho đời sau.

Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành https://travel.duhoctrungquoc.vn/ nhé!

Source URL:https://www.tourtrungquoc.net.vn/van-hoa-am-thuc/2-bi-mat-noi-tieng-xoay-quanh-cuoc-doi-ung-chinh-de-o-trung-hoa.html

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 21:23:04

Danh mục đăng tin:Ẩm thực Trung Hoa, Văn hoá - Con người,
Top