Trung Quốc cố tránh sai lầm thời đại dịch SARS

Năm 2003, Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) lần đầu xuất hiện ở miền nam Trung Quốc, đất nước rơi vào rối loạn. Bệnh dịch nhanh chóng lan qua biên giới, các trường học phải đóng cửa, hàng trăm người điều trị cách ly.

Trung Quốc cố tránh sai lầm thời đại dịch SARS

Nhân viên từ bộ phận phòng chống và kiểm soát dịch khử trùng khu dân cư trong đợt dịch do 2019-nCoV. Ảnh: Reuters

Lúc bấy giờ, tại thành phố của Trung Quốc, cách ổ dịch khoảng 1.000 km, Li đang là một học sinh 15 tuổi, cố “nhồi nhét” để vượt qua kỳ thi chuyển cấp.

Các lớp học trong thời kỳ nước rút, học sinh bị giữ lại trường đến chiều tối. Phụ huynh tụ tập thành đám đông bên ngoài, truyền hộp thức ăn tiếp tế cho các con.

Li cho biết trường học của anh đầy mùi giấm, bởi nhiều người tin rằng hơi giấm có thể giúp ngăn ngừa bệnh SARS. Li cảm thấy bản thân không dễ mắc bệnh.

Vũ Hán năm 2003 không có tàu cao tốc nối với các thành phố khác. Người dân tỏ ra bình thản với dịch bệnh vì khoảng cách địa lý. Một số người đeo khẩu trang để đề phòng, số khác thì không.

Từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003, dịch SARS đã lây nhiễm cho hơn 8.000 người trên thế giới và giết chết 774 người. 

Sau gần hai thập kỷ, châu Á đối mặt với một đại dịch khác, có nhiều điểm tương đồng. Bệnh viêm phổi lạ khởi phát ở Vũ Hán cũng do chủng virus thuộc họ corona (nCoV), gây ra các triệu chứng giống cúm và có thể biến đổi để lây từ người này sang người khác.

Chỉ trong chưa đầy một tháng, bệnh đã lan rộng sang  Mỹ, Australia, Pháp và nhiều nước châu Á bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và Malaysia. Ít nhất 2.022 người dương tính với virus nCoV, trong đó 56 bệnh nhân tử vong, tính đến sáng 26/1.

Thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, 13 thành phố lân cận bị hạn chế đi lại. Tất cả xảy ra vào Tết Nguyên đán, dịp quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc, thời điểm người dân thực hiện ba tỷ chuyến đi về đoàn tụ cùng gia đình.

6 tuần sau khi bệnh viêm phổi bùng phát, Trung Quốc đang cho thấy những động thái cứng rắn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về độ minh bạch của giới chức nước này. Trung Quốc từng nhận chỉ trích lớn từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì đã giấu giếm thông tin về bệnh SARS trong nhiều tháng liền. Các địa phương cạnh tranh với nhau về số ca nhiễm bệnh thấp nhất, trong khi chính phủ trì hoãn các biện pháp khẩn cấp.

Phải đến ngày 20/4/2003, nhà chức trách Trung Quốc mới thừa nhận số ca bệnh cao gấp 10 lần so với dữ liệu được công bố ban đầu. Bộ trưởng Y tế và Thị trưởng thành phố Bắc Kinh thời ấy sau đó bị sa thải.

Sự thiếu minh bạch từ Trung Quốc, kết hợp với hiểu biết hạn chế về chủng virus gây ra bệnh SARS, đã ảnh hưởng đến khả năng ứng phó của các quốc gia trong khu vực.

Rút kinh nghiệm trong đợt bùng phát dịch viêm phổi cuối năm 2019, Trung Quốc đã lập tức thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về loại virus mới, chưa đầy ba tuần sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên vào ngày 12/12. Chủng virus nCoV xác định vào ngày 7/1.

Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance, tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, cho biết việc kịp thời xác định chủng virus giúp chẩn đoán bệnh dễ hơn, góp phần quan trọng vào công tác dập dịch. Nước này cũng tiến hành xây dựng hai bệnh viện dã chiến chỉ trong vòng một tuần để giảm thiểu tình trạng quá tải, bổ sung nhân viên y tế, thậm chí quân đội để ứng phó với dịch bệnh.

Tuy nhiên, chính các phản ứng cực đoan và gấp rút đối với bệnh viêm phổi của Trung Quốc làm dấy lên nghi vấn về việc che giấu dịch. Những hình ảnh bệnh nhân hoảng loạn, bác sĩ mệt mỏi, bệnh viện quá tải, được người Vũ Hán ghi lại lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, tuy nhiên bị gỡ bỏ sau đó gây ra cảm giác hoài nghi. Các công dân kẹt lại Vũ Hán tỏ ra lo sợ.

Về phần Li, ngay cả trước khi lệnh phong tỏa được phát đi, anh quyết định Tết này sẽ không về quê, lần đầu tiên kể từ khi làm việc xa nhà. Anh lo lắng cho sức khỏe của gia đình, tuy nhiên cho rằng mình chẳng thể làm gì khác.

“Tôi hy vọng chính phủ đã rút ra được bài học từ những gì xảy ra 17 năm về trước. Có vẻ họ đang nghiêm túc xem xét vấn đề, nhưng tôi không chắc liệu mọi việc có quá muộn hay không”, anh cho biết.

Thục Linh (Theo CNN, Telegraph)

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 02-02-2020 21:26:14

Danh mục đăng tin:Tin tức Trung Quốc,
Top