Người Trung Quốc bỏ thói quen đặt đồ ăn sẵn

Việc người Trung Quốc quan tâm tới nguyên liệu thô và hàng tạp hóa khiến nền tảng giao đồ ăn phải thay đổi để thích nghi trong thời dịch bệnh.

Anna Wang (30 tuổi) là khách quen trên các ứng dụng giao thực phẩm. Dù được công ty cung cấp bữa trưa miễn phí, Wang vẫn đặt đồ ăn và trà sữa trực tuyến đều đặn hàng tuần. Tuy nhiên, cô đã thay đổi thói quen này khoảng 10 ngày trước, khi virus corona lan rộng ở Trung Quốc.

Người Trung Quốc bỏ thói quen đặt đồ ăn sẵn

Nhân viên chuyển phát của Meituan trước một nhà hàng ở ngày 3/2. Ảnh: SCMP.

“Ngoài làm việc tại nhà theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, tôi ngừng đặt đồ ăn trực tuyến hàng ngày vì lo ngại thực phẩm có thể chứa virus, cũng như tiếp xúc với nhân viên chuyển phát nhiễm bệnh”, Wang cho biết.

Thay vào đó, Wang đặt hàng rau quả tươi và nguyên liệu thô để chế biến tại nhà. Điều này cũng giúp gia đình cô giảm nguy cơ lây nhiễm từ việc mua hàng trực tiếp tại các khu chợ dân sinh đông đúc. Cô vẫn phải tiếp xúc với nhân viên chuyển phát nhưng với mật độ thấp hơn.

“Mỗi đơn hàng có thể đủ để gia đình cô duy trì trong bốn ngày, so với đặt đồ ăn chế biến sẵn theo từng bữa”, Wang nói thêm. “Chúng tôi đang hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác”.

Wang là một trong nhiều người thường xuyên đặt đồ ăn trực tuyến tại Trung Quốc, một trong những nước có ngành dịch vụ giao vận phát triển nhất thế giới. Trustdata ước tính, thị trường giao đồ ăn và tạp hóa của Trung Quốc đạt 604 tỷ nhân dân tệ (86 tỷ USD) trong năm 2019, tăng 30% so với năm 2018 và gấp bốn lần giá trị của nó vào năm 2014. Trong quý III/2019, các ứng dụng phân phối thực phẩm ở Trung Quốc có khoảng 400 triệu người dùng mỗi tháng, tương đương 30% dân số của quốc gia này. Nhưng sự bùng phát của dịch viêm phổi đã phủ bóng đen lên toàn bộ ngành công nghiệp đang bùng nổ tại đây.

Người Trung Quốc bỏ thói quen đặt đồ ăn sẵn

Người Trung Quốc lo ngại đồ ăn chế biến sẵn có thể chứa virus, cũng như rủi ro tiếp xúc với nhân viên chuyển phát bị bệnh viêm phổi. Ảnh: BBC.

Các phương tiện địa phương đưa tin về một người đưa thư đã làm việc trong 14 ngày trước khi được chuẩn đoán nhiễm virus, trong khi bốn nhân viên khác tại tiệm đồ ăn nhanh ở cũng được xác nhận là mắc bệnh viêm phổi. Virus corona lây lan nhanh chóng đến mức vượt qua đại dịch SARS năm 2003.

Li Zhanlin (34 tuổi), nhân viên chuyển phát toàn thời gian cho ứng dụng đặt đồ ăn Meituan Dianping cho biết đã có ít đơn hàng từ ngày 24/1 đến 2/2. “Số đơn hàng trung bình trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán là 50 đến 60 đơn, nhưng sau kỳ nghỉ này chỉ có khoảng 20 đến 30 đơn”, anh nói. “Tôi cho rằng nguyên nhân là nhiều nhà hàng đã đóng cửa và khách hàng cũng không muốn đặt đồ ăn trong thời kỳ dịch bệnh”.

Yang Xu, chuyên gia cấp cao tại công ty phân tích thị trường Analysys nhận định, hoạt động trên các ứng dụng giao hàng trong dịp Tết Nguyên đán thường kém nhộn nhịp hơn do nhiều nhà hàng đóng cửa và khách hàng đi nghỉ. “Với ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng hoạt động thậm chí còn thấp hơn và giai đoạn này có thể kéo dài hơn”, bà nói. “Nhiều nhà hàng ngừng hoạt động và kỳ nghỉ kéo dài vì lo ngại về virus corona có thể gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp giao đồ ăn”.

Để đáp ứng những nhu cầu thay đổi của khách hàng, các nền tảng giao vận cũng đang mở rộng danh mục thuốc men và các mặt hàng tạp hóa. Theo phát ngôn viên của Meituan, số lượng đơn đặt hàng trên Meituan Maicai, ứng dụng giao hàng tạp hóa, cao gấp hai đến ba lần so với dịp nghỉ Tết Nguyên đán ở Bắc Kinh. Zhanlin nói rằng khoảng 70% đơn hàng mỗi ngày của ông hiện là mặt hàng tạp hóa, chủ yếu là giao hàng tận nhà.

Khi khách hàng như Wang tìm mọi cách để đề phòng dịch bệnh, hai nền tảng giao vận phổ biến nhất Trung Quốc, Meituan và Ele.me, cũng đang triển khai dịch vụ giao hàng phi tiếp xúc trên toàn quốc. Tính năng này cho phép người dùng thiết lập điểm đến tới vị trí chỉ định mà không phải tương tác với nhân viên chuyển phát.

Dù nhân viên chuyển phát cũng có nguy cơ nhiễm virus từ khách hàng bị bệnh, nhưng Zhanlin chưa có kế hoạch chuyển sang làm công việc khác. Anh cho biết, tất cả nhân viên chuyển phát đều được Meituan cung cấp biện pháp bảo vệ như khẩu trang và chất khử trùng. Hơn nữa, Zhanlin cũng được nhận thêm khoảng trợ cấp “không hề tệ”, giúp thu nhập hàng tuần của anh tăng thêm 900 nhân dân tệ (129 USD).

Bất chấp thách thức đang phải đối mặt, Yang vẫn lạc quan về triển vọng của ngành công nghiệp giao vận Trung Quốc. “Nếu dịch bệnh được ngăn chặn trong quý I/2020, tôi tin rằng ngành công nghiệp sẽ hồi phục ngay trong quý tiếp theo và doanh số trong cả năm có thể đạt được ít nhất bằng với năm 2019”, bà nói.

Việt Anh (theo SCMP)

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 10-02-2020 14:36:10

Danh mục đăng tin:Tin tức Trung Quốc,
Top