Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam đang chậm lại

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng nhưng tốc độ chậm lại, trong đó khách Trung Quốc giảm 2,8% so với cùng kỳ.

Bảy tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 9,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7,9%, nhưng mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2018 là 25,4%. Trong đó, thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Việt Nam là Trung Quốc giảm 2,8% so với cùng kỳ 2018. Còn so bảy tháng đầu năm 2018 với cùng kỳ 2017, khách Trung Quốc tăng 34%.

Ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết thị trường Trung Quốc giảm theo xu thế chung khi kinh tế nước này khó khăn hơn do ảnh hưởng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. 

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhờ vào ba thị trường có quy mô lớn là Hàn Quốc (tăng 22,1%), Đài Loan (tăng 27,6%), Thái Lan (tăng 48,2%). Dù đang tăng trưởng, khách Hàn Quốc chỉ tăng 434.000 lượt, trong khi 7 tháng đầu năm 2018 tăng 706.000 lượt (tương đương hơn 56% so với cùng kỳ 2017).

Trong bối cảnh này, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) tổ chức hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày 16/8, tại Đà Nẵng.

Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam đang chậm lại

Ông Nguyễn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Đông.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành du lịch trong năm 2019 là đón và phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách. Với xu thế khách ở một số thị trường đang chững lại, ngành du lịch cần tập trung xúc tiến vào các thị trường nguồn có ưu thế là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga, ASEAN; mở rộng khai thác thị trường Australia, New Zealand, Trung Đông, Ấn Độ…

Bên cạnh đó, ông Khánh cho rằng phải tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế qua các cửa khẩu đường bộ; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp tổ chức xúc tiến, có chương trình kích cầu du lịch để đẩy mạnh thu hút khách; tăng cường nguồn lực xúc tiến, quảng bá; thành lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm.

“Hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cũng cần cải thiện, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư nâng cấp và phát triển các hạ tầng sân bay. Ngoài ra, còn phải cải thiện yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, tăng cường công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường”, ông nói.

Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam đang chậm lại

Du khách xem một show diễn tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, con số 18 triệu khách du lịch một năm vẫn còn nhỏ bé. Tuy nhiên để đạt được trong năm nay thì phải có giải pháp căn cơ để kéo lượng khách quốc tế tăng trưởng trở lại, 5 tháng cuối năm ít nhất mỗi tháng phải đạt được 1,5 triệu lượt.

“Lượng khách du lịch từ Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất. Nếu tiếp tục để sụt giảm như thời gian qua sẽ rất khó để bù lại, dẫn đến không hoàn thành được chỉ tiêu 18 triệu khách du lịch như đã đề ra”, Bộ trưởng nói và yêu cầu ngành du lịch các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa phải siết chặt tình trạng phức tạp của tour 0 đồng, tuy nhiên không được làm giảm lượng khách du lịch. Ba thị trường cần tập trung phát triển là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Tại hội nghị, Tổng cục Du lịch đã phát động Chiến dịch bảo vệ môi trường du lịch với chủ đề “Go green – Du lịch xanh”, nhằm kêu gọi sự chung tay của toàn ngành. Theo báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế về xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch, Việt Nam chỉ đạt 3,4/7 điểm ở chỉ tiêu tính bền vững về môi trường, xếp hạng 129/136 thế giới.

Trong giai đoạn 1995-2015, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng liên tục với tốc độ trung bình 15%/năm. Giai đoạn 2015-2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá, từ 7,9 triệu lượt năm 2005 lên 15,5 triệu lượt năm 2018, tăng 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trung bình 25%/năm. Đây là giai đoạn tăng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển của du lịch Việt Nam.

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 29-10-2019 17:47:02

Danh mục đăng tin:Thông tin Du học, Tin tức Trung Quốc,
Top