60 triệu smartphone Samsung sẽ do Trung Quốc sản xuất

Nhằm giảm chi phí, Samsung được cho là sẽ thuê đối tác Trung Quốc đảm nhiệm hoàn toàn việc thiết kế, sản xuất 60 triệu smartphone giá rẻ năm 2020.

Đối tác này là Wingtech, một ODM – nhà thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng. Samsung đã các nhà máy của họ ở Trung Quốc tháng trước. Hợp tác với Wingtech sẽ giúp Samsung giảm chi phí sản xuất các thiết bị giá rẻ, trong đó có một số phiên bản thuộc dòng Galaxy A, từ đó hạ giá bán lẻ của sản phẩm tại những khu vực như Ấn Độ – thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới.

60 triệu smartphone Samsung sẽ do Trung Quốc sản xuất

Galaxy A9s, một trong những mẫu điện thoại Galaxy do ODM thiết kế và sản xuất. Ảnh: Reuters

Dự kiến, 20% trong số 300 triệu smartphone xuất xưởng năm 2020 của hãng Hàn Quốc sẽ do Wingtech chịu trách nhiệm sản xuất và sẽ được Samsung phân phối tại các thị trường như Đông Nam Á và Nam Mỹ.

ODM khác với OEM. OEM (Original Equipment Manufacturing – nhà sản xuất thiết bị gốc) nhận hợp đồng từ đối tác, làm theo y hệt và không được thay đổi dù là chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ, Foxconn là OEM của Apple. Foxconn đảm nhiệm sản xuất, lắp ráp iPhone, còn Apple làm chủ về thiết kế, cấu hình, tính năng… Trong khi đó, nếu một công ty muốn có sản phẩm “ăn liền” để bán ngay, họ tìm đến ODM (Original Design Manufacturer – sản xuất thiết kế gốc). ODM nghiên cứu, thiết kế và sản xuất nhưng không bán thiết bị dưới thương hiệu của mình. Họ lập danh sách sản phẩm mẫu cho khách hàng lựa chọn, tùy chỉnh và đóng logo, nhờ đó các hãng điện thoại có thể tung ra hàng loạt smartphone mới một cách nhanh chóng với giá rẻ. Wingtech và các ODM khác đang chế tạo theo đơn đặt hàng cho nhiều thương hiệu nổi tiếng, trong đó có Huawei, Xiaomi và Oppo. 

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại chiến lược của Samsung tiềm ẩn rủi ro như mất kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tự làm suy yếu năng lực sản xuất và có nguy cơ lệ thuộc nhiều hơn vào các đối tác ODM. Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc cũng không có nhiều lựa chọn khi mà lợi nhuận từ phân khúc smartphone bình dân ngày càng thấp. “Đây là đối sách bất đắc dĩ, chứ không phải chiến lược hoàn hảo”, nguồn tin của Reuters nhận định.

Samsung xác nhận họ đã thuê sản xuất bên ngoài để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, họ từ chối công bố số lượng smartphone sẽ do ODM sản xuất thời gian tới.

Nguồn linh kiện giá rẻ

Hãng nghiên cứu Counterpoint cho biết, các ODM chỉ tốn khoảng 100-250 USD để mua tất cả linh kiện cần thiết cho smartphone, thấp hơn 10-15% so với các thương hiệu lớn. Ví dụ, WingTech thu mua linh kiện với giá thấp hơn tới 30% so với chi phí mà Samsung bỏ ra ở Việt Nam, nơi họ có ba nhà máy sản xuất điện thoại, TV và thiết bị gia dụng.

Thực tế, WingTech đã bắt đầu hợp tác với Samsung từ năm 2017, cung cấp 3% trong tổng sản lượng điện thoại Galaxy. IHS Markit ước tính tỷ lệ này sẽ đạt 8%, tương đương 24 triệu smartphone trong năm 2019. Các sản phẩm do WingTech tự thiết kế và sản xuất tập trung vào dòng Galaxy A và smartphone bình dân, phân phối cho thị trường Đông Nam Á và Nam Mỹ. Ví dụ, Galaxy A6s bán tại Trung Quốc chỉ với giá 1.299 NDT (tương đương 4,3 triệu đồng).

“Điện thoại giá rẻ là vấn đề khiến Samsung phải đau đầu”, CW Chung, chuyên gia của công ty nghiên cứu thị trường Nomura, nói. Ông cho rằng việc thương hiệu lớn tự sản xuất smartphone bình dân “không còn phù hợp”. Tuy nhiên, nếu số lượng đơn đặt hàng lớn hơn cũng sẽ tạo cơ hội cho các đối tác ODM giảm thiểu chi phí sản xuất, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao tay nghề.

“Các công ty gia sản xuất thiết kế gốc càng lớn mạnh, đối thủ của Samsung càng trở nên cạnh tranh”, Tom Kang, nhà phân tích của Counterpoint nói. “Việc thuê ngoài khiến công ty đánh mất bí quyết thành công trên thị trường smartphone bình dân”.

60 triệu smartphone Samsung sẽ do Trung Quốc sản xuất

Quang cảnh bên ngoài nhà máy Samsung tại Huệ Châu (tỉnh , Trung Quốc) trước khi đóng cửa vào tháng trước. Ảnh: Techweez.

Trò chơi sinh tồn

Samsung bắt đầu từ vị trí thương hiệu điện thoại giá rẻ của châu Á, nay đã trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng hàng đầu thế giới. CW Chung nhận định, chiến lược thay đổi là dấu hiệu cho thấy năng lực sản xuất của hãng đang suy giảm. Trong khi đó, Apple thuê Foxconn lắp ráp iPhone tại các nhà máy ở Trung Quốc, nhưng vẫn tự thiết kế sản phẩm của mình.

Samsung khẳng định vẫn giám sát quá trình thiết kế và phát triển smartphone của các đối tác. Tất cả sản phẩm do ODM sản xuất đều phải vượt qua bài kiểm định về tiêu chuẩn và chất lượng của công ty. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin  đối tác của Samsung vẫn có thể cắt xén chi phí bằng cách giảm một số bước trong quy trình sản xuất, gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

Giám đốc điều hành một công ty cung ứng linh kiện Hàn Quốc nói: “Quyết định tăng đơn đặt hàng với các đối tác Trung Quốc là quyết định kinh doanh chiến lược, nhưng không phải ai cũng có thể hài lòng”.

Trước đó, Samsung vẫn tự thiết kế và sản xuất hầu hết điện thoại trong các nhà máy tại Việt Nam và Ấn Độ, hạn chế gia công tại Trung Quốc và Hàn Quốc vì chi phí lao động cao hơn. Roh Tae Moon, Chủ tịch Samsung Electronics, đang đặt niềm tin vào chiến lược mới cùng vai trò quan trọng của ODM đối với bộ phận kinh doanh thiết bị di động.

“Vấn đề cốt lõi là Samsung phải cắt giảm chi phí để duy trì khả năng cạnh tranh với Huawei và các nhà sản xuất smartphone khác từ Trung Quốc“, một chuyên gia nhận định. Các công ty Hàn Quốc khác như LG cũng đã chấp nhận thuê ODM sản xuất smartphone từ bình dân đến trung cấp.

“Ngành công nghiệp smartphone đang hướng tới cuộc chiến về chi phí. Đây là một trò chơi sinh tồn”, Kim Young Serk, Giáo sư tại Đại học Sungkyunkwan, phát biểu.

Việt Anh (theo Reuters)


60 triệu smartphone Samsung sẽ do Trung Quốc sản xuất

Đăng ký tham dự
Tech talks: cuộc sống thông minh


Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 07-01-2020 05:27:37

Danh mục đăng tin:Khám Phá Trung Quốc, Tin tức Trung Quốc,
Top