Songzanlin – tu viện tập trung những nét văn hóa tiêu biểu Tây Tạng

Songzanlin tức Tùng Tán Lâm (tiếng Tây Tạng Ganden Sumtseling Gompa), một mẫu thu nhỏ cung điện Potala ở Lhassa, là tu viện lớn nhất và quan trọng nhất , tập trung những nét văn hóa tiêu biểu Tây Tạng.

Songzanlin - tu viện tập trung những nét văn hóa tiêu biểu Tây Tạng

Tu viện được vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 tức Losang Gyatso (1617-1682), người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng, xây dựng trong hai năm 1679-1681. Tương truyền sau 7 năm khô hạn, dân sinh đói khó, sau khi bói toán, Ngài được cử xây 13 tu viện trong vùng mà Tùng Tán Lâm là một trong số đó. Qua thế kỷ XVIII, tu viện được mở rộng, từ 330 tu sĩ dần dần lên đến quá 1.200 và vào thời thịnh vượng nhất, 3.000 nhà sư tu hành ở đây, ngày nay chỉ còn khoảng 700 vị, phần lớn được gia đình bao nuôi.

Songzanlin - tu viện tập trung những nét văn hóa tiêu biểu Tây Tạng

Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử Trung Quốc, nhờ nhiều lần trùng tu, nay vẫn chưa xong, tu viện ngày nay tồn tại gần như nguyên vẹn. Hành lang dẫn lên hội trường chính của tu viện gồm 146 bậc. Nhiều công trình tích tụ làm thành một tổng thể thống nhất. Nổi bật là cung điện nằm trên đỉnh đồi gồm có hai khu Zhacang và Jikang, bao quanh có những tu viện nhỏ hơn, nơi những tu sĩ trẻ sinh sống và học tập. Một phần các nhà sơn đỏ, sơn vàng, gợi lên kiến trúc những tu viện Tây Tạng, nhất là với những mái nhọn bằng đồng rực rỡ lóng lánh dưới ánh mặt trời nên có khi được gọi là Tiểu Potala. Một phần khác trông giống như những pháo đài nhỏ, tường dày bằng đất nện giống như ðược vẽ bằng phấn trắng với những ô cửa nâu tao nhã, trông rất ấm cúng.

Songzanlin - tu viện tập trung những nét văn hóa tiêu biểu Tây Tạng

Giữa phức hệ này, thiền viện là một ngôi phòng lớn có 108 cột khổng lồ, được vô số đèn dầu thắp sáng. Ngày lễ, nghe nói có thể chứa đến gần 2.000 người ngồi tụng kinh hay cùng nhau hát. Ngày thường chỉ có vài tu sĩ trầm lắng trong một cuộc thiền định bất chấp tiếng động của khách hành hương xung quanh. Bên trong nhiều phòng cầu nguyện trang hoàng rực rỡ với những bức tranh thangka Tây Tạng kể lại những truyện thánh Phật giáo, đặc biệt đời sống của đức Phật. Những bức tranh muôn màu kia trên những bức tường, giữa những cột trụ một màu đỏ rực, thêm vào mùi hương ngào ngạt, mùi sáp mở bò yak nồng nàng, gợi lên một không khí huyền bí, dễ làm say sưa tín đồ vào làm lễ. Trên bàn thờ, trong tủ kính, nhiều đồ vật thờ cúng, nhiều kho của như tượng Phật bắng đồng, những cây đèn bằng vàng, những bình xông hương bằng bạc, những văn bản Phật giáo tích trử nhiều năm làm tăng thêm nét cổ kính một nơi thờ tự vốn đã nghiêm trang. Trên mái của tu viện, một bánh xe pháp luân với hai con nai quỳ chầu hai bên. Phật sử kể năm 528 trước Công nguyên, sau khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tới Sarnath ở vườn Lộc Uyển (Mrgadava), tay bắt ấn chuyển pháp luân, giảng bài Kinh Chuyển Pháp Luân cho năm vị tỳ kheo đã từng tu khổ hạnh với Ngài tại khu rừng Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela): Kiều Trần Như (Kondanna), Bạt Ðề (Bhaddiya), Thực Lực (Vappa), Maha Nama (Mahanama) và Át Bệ (Assaji). Hai bên bánh xe pháp, hai con nai trình bày địa danh Lộc Uyển (Lộc nai). Bánh xe pháp luân với hai con nai quỳ chầu hai bên còn thấy ngoài sân tu viện, trên một bình phong ngăn chận tầm mắt bao quát thị trấn, sáng chói nổi bật trên dãy núi đậm màu xa tận chân chân trời.

Tu viện Songzanlin – không chỉ là điểm hành hương cho tín đồ Phật giáo mà còn là điểm đến lý tưởng cho những người ngoại đạo muốn có một không gian bình yên và linh thiêng. Nếu có dịp du lịch Trung Quốc, du khách hãy dành thời gian đến thăm viếng Tu viện Songzanlin nhé! Chắc chắn du khách sẽ không phải hối tiếc về điều này.

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 13:02:56

Danh mục đăng tin:Du lịch Trung Quốc, Khám Phá Trung Quốc,
Top