Khám phá Cung điện Potala hùng vỹ tại Tây Tạng, Trung Quốc

Cung điện Potala (Potala Palace hay Bố Đạt La cung) nằm ở thành phố Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Là một quần thể tiêu biểu cho Phật giáo Tây Tạng, Potala là một trong những cung điện ấn tượng nhất thế giới khi được xây dựng ở độ cao 3.600 m.

Cung điện này được vua Tùng Tán Cán Bố cho xây dựng vào năm 637 sau Công nguyên như cột mốc đánh dấu cuộc hôn nhân giữa ông và Công chúa Văn Thành. Tòa kiến trúc này tồn tại mãi cho đến thế kỷ thứ 17 mới được Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 xây dựng lại. Lúc này Potala mới chính thức được chọn làm cung điện của Hoàng Mạo Giáo và nơi đây được kiến thiết lại với quy mô cực lớn, xây cất trong suốt 50 năm mới hoàn thành, tính đến nay đã hơn 6 thế kỷ mà không bị biến động thiên tạo hay nhân tạo nào làm hư hại. Sau này, cùng với sự ra đời của cung điện mùa hè Norbulingka, nơi đây chính thức trở thành cung điện mùa đông của các đời Lạt Ma.

Cái tên “Potala” của Cung điện được đặt vào khoảng những năm đầu của Thế kỷ 11. Bởi vua Tùng Tán Cán Bố, vị vua vĩ đại đã xây dựng lên cung điện này được người dân Tây Tạng coi là một hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, do vậy, người dân Tây Tạng đã lấy tên của ngọn núi thiêng Cung điện Potala, nơi gắn liền với truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm ở miền Nam Ấn Độ làm tên cho cung điện của vị vua này.

Khám phá Cung điện Potala hùng vỹ tại Tây Tạng, Trung Quốc

Cung điện Potala có kết cấu kiến trúc rất lớn với tổng diện tích hơn 130,000 mét vuông. Potala gồm 3 bộ phận: Khu cung thành phía trước núi, khu cung thất trên đỉnh núi và khu hồ phía sau núi. Khu cung thành có 3 cửa Đông, Nam, Tây và 2 gác lầu. Trong thành có các cơ quan quản lý phục vụ cung như viện in kinh, nơi ở của các quan viên, tăng ni và có cả nhà giam, chuồng ngựa. Leo lên con đường bằng đá rộng rãi là tới khu cung thất. Khu này là một quần thể kiến trúc lớn mà chủ thể của nó là Bạch Cung (Potrang Karpo) và Hồng Cung (Potrang Marpo). Bạch Cung được xây dựng từ năm 1645, hoàn thành năm 1648, sau đó, trong khoảng năm 1690 đến năm 1694, Hồng Cung mới được xây dựng thêm.

Năm 1645, vị Dalai Lama thứ 5 quyết định xây dựng lại cung điện Potala, công việc xây dựng tiến hành trong nhiều thế kỷ liên tục mãi đến năm 1933 sau cái chết của Dalai Lama thứ 13, mới hoàn thành cung điện như diện mạo mà chúng ta thấy ngày nay. Từ thế kỷ thứ 17, Cung Potala đã được chọn làm nơi cư trú của Đức Đạt Lai Lạt Ma và các đệ tử.

Vào năm 1959, khi người dân Tây Tạng nổi dậy chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, cung Potala đã bị hư hại nhẹ và vào những năm 1960 đến 1970, nhờ sự can thiệp cá nhân của Thủ tướng Chu Ân Lai, Cung Potala đã may mắn thoát khỏi số phận bị cướp bóc và tàn phá giống như các Công trình kiến trúc Tôn giáo khác trên đất Tây Tạng, và được bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Đứng bất kỳ hướng nào ở Lhasa, du khách cũng có thể thấy được quần thể lâu đài tráng lệ, nguy nga này. Bất chấp sự phát triển của thành phố Lhasa trong những thập niên gần đây, cung điện Potala vẫn nổi bật giữa cảnh quan thành phố với dáng vẻ cổ kính và uy nghiêm của mình.

Khám phá Cung điện Potala hùng vỹ tại Tây Tạng, Trung Quốc

Ven tường bao ngoài dưới cung điện là Kora, một con đường với hàng trăm chiếc kinh luân (bánh xe phật pháp) màu đồng in nổi câu kinh Om Mani Padme Hum xếp dọc theo tường. Mỗi năm một lần, các tín đồ phật giáo lại đi bộ quanh cung điện Potala, vừa đi vừa đẩy kinh luân xoay theo chiều kim đồng hồ, để tay phải họ luôn hướng vẫn thần điện, bởi theo quan niệm của họ thì đây là phía tốt và may mắn.

Vật liệu xây dựng cung điện chủ yếu là đất, đá và gỗ. Lúc đó chưa có phương tiện di chuyển, tất cả vật liệu này đều phải dùng dê và sức người chở đến. Tòa nhà lớn có hơn 1.000 gian phòng, hơn 10.000 Phật điện và 20.000 tượng điêu khắc. Toàn bộ cung điện Potala có sáu đỉnh tháp bằng vàng, cùng với đỉnh tháp chính bằng vàng của cung điện Potala, hình thành nên những mái vòm bằng vàng nổi tiếng của Potala. Và bình thường không mở cửa cho du khách tham quan.

Khám phá Cung điện Potala hùng vỹ tại Tây Tạng, Trung Quốc

Potala gồm hai tòa lầu chính là Portrang Karpo (Bạch Cung) và Portrang Marpo (Hồng Cung). Phần trung tâm của Potala được gọi là Hồng Cung do có màu đỏ thẫm khác hẳn với các phần còn lại. Hồng Cung là khu vực dành cho nghiên cứu tôn giáo và tụng niệm kinh Phật. Bên cạnh đó, ở đây còn có các linh tháp vàng, nơi an nghỉ của tám vị Đạt Lai Lạt Ma, hội trường của các nhà sư, nhiều điện Phật, đền thờ, thư viện chứa kinh kệ và một số sảnh điện khác. Nội thất Hồng Cung được trang trí bằng đá quý, những bức tượng được điêu khắc công phu, chi tiết chạm nổi truyền thống cùng nhiều bức tranh tường phong phú… Bố cục của Hồng Cung khá phức tạp, bao gồm nhiều phòng và hành lang quanh co ở nhiều tầng khác nhau. Một số phần tiêu biểu:

Đại Tây Sảnh: Đây là Hội trường trung tâm chính của Hồng Cung gồm bốn điện Phật lớn, tượng trưng cho vinh quang và quyền lực của người xây dựng Potala, Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5. Các bức tranh tường lộng lẫy ở đây mô tả những sự kiện trong cuộc đời Đức Đạt Lai Lạt Ma này. Cảnh nổi tiếng khi ông gặp Hoàng đế Thuận Trị ở được khắc trên mảng tường phía Đông bên ngoài lối vào. Các cột trong sảnh được bọc một loại vải đặc biệt từ Bhutan.

Khám phá Cung điện Potala hùng vỹ tại Tây Tạng, Trung Quốc

Điện Phật của Tùng Tán Cán Bố: Về phía Bắc của Đại Tây Sảnh là một ngôi đền quan trọng của Potala. Điện Phật ở đây cũng như hang động phía dưới có từ thế kỷ thứ 7, tức là trước khi Potala được khởi công xây dựng. Điện Phật có một viên ngọc cổ nạm vào tượng Quán Thế Âm bên cạnh tiên đồng, ngọc nữ. Tầng dưới là một hành lang tối và thấp dẫn vào hang thiền, nơi Tùng Tán Cán Bố được cho là đã nghiên cứu Phật giáo. Trong hang có những hình ảnh của Tùng Tán Cán Bố, vợ ông, giám đốc hội đồng bộ trưởng, Sambhota (người phát triển chữ viết Tây Tạng), cùng nhiều vị thần.

Khám phá Cung điện Potala hùng vỹ tại Tây Tạng, Trung Quốc

Điện Phật phía Bắc: Trung tâm của điện là bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bên trái và tượng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 bên phải. Góc trái điện là ngôi mộ cổ trong linh tháp vàng của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 11, trên bia có các hình ảnh điêu khắc cảnh chư Phật chữa bệnh cho vị này. Bên phải điện Phật là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và các hóa thân lịch sử của ngài (theo Phật giáo Tây Tạng), bao gồm Tùng Tán Cán Bố và bốn Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên. Căn phòng bên cạnh là một thư viện chuyên ngành. Trong đó có những quyển kinh được bọc trong lụa và đặt vào hộp gỗ.

Điện phía Nam: Giữa điện là tượng Đức Liên Hoa Sinh (Padmasambhava), một đại sư người Ấn Độ từng đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Phật giáo Tây Tạng cho rằng ông là hiện thân của Đức Phật A Di Đà. Những tượng bên trái Liên Hoa Sinh là người vợ tên Yeshe Tsogyal, một mối lương duyên được sắp đặt bởi vua Tây Tạng, kế đến là tám hiện thân thánh thiện của ông. Bên phải là người vợ mà ông đã cưới ở quê nhà và tám hiện thân phẫn nộ của ông.

Điện phía Đông:  Đây là khu điện thờ Tông Khách Ba (Tsong Khapa), người sáng lập tông phái Phật giáo Cách Lỗ (Gelug) của Tây Tạng. Bao quanh bức tượng trung tâm của ông là các vị Lạt Ma từ chủng viện Sakya. Những người này đã cai trị Tây Tạng trong một khoảng thời gian ngắn. Họ cũng đã thành lập một tông phái riêng trước khi được Tông Khách Ba cải đạo.

Khám phá Cung điện Potala hùng vỹ tại Tây Tạng, Trung Quốc

Điện phía Tây: Khu điện này có chứa 5 linh tháp vàng. Xác ướp của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 được đặt trong linh tháp trung tâm cao 14,85m. Linh tháp này được xây dựng từ gỗ đàn hương, phủ vàng, đính 18.680 viên ngọc trai và ngọc bán quý. Bên trái là tháp chứa thi hài Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 12 và bên phải là tháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 10. Linh tháp gần đó thờ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 (không chứa thi hài) cao 22m. Những linh tháp khác chứa các bộ kinh quan trọng.

Hành lang thứ nhất nằm một tầng trên điện phía Tây. Những cửa sổ lớn ở đây được thiết kế để thu sáng, đồng thời thông gió cho Đại Tây Sảnh và các điện Phật bên dưới. Giữa những cửa sổ này là các bức tranh tường nhằm mô tả chi tiết quá trình xây dựng cung điện Potala. Hành lang thứ hai dẫn vào gian hàng trung tâm, nơi du khách nghỉ ngơi và mua quà lưu niệm. Hành lang thứ ba có nhiều bức tranh tường và các khu vực trưng bày, lưu giữ vô số những bộ sưu tập tượng đồng. Phòng tụng kinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 ở phía Nam. Phía Đông là đường dẫn đến khu điện Phật của Tùng Tán Cán Bố và khu Deyangsar (nối với Bạch Cung).

Lăng mộ của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13: Ngôi mộ này được đặt ở phía Tây của Đại Tây Sảnh. Đây là một linh tháp cao 14m, được xây dựng vào năm 1933. Để đến đây, du khách cần một nhà sư hoặc hướng dẫn viên dẫn đường. Các đồ cúng cho tang lễ vẫn còn được đặt trong lăng mộ, gồm ngà voi từ Ấn Độ, sư tử bằng sứ và nhiều chiếc lọ. Những bức tranh tường phức tạp theo phong cách Tây Tạng truyền thống miêu tả các sự kiện trong cuộc đời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 trong giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Khám phá Cung điện Potala hùng vỹ tại Tây Tạng, Trung Quốc

Nằm về phía Đông của Hồng Cung là Bạch Cung. Đây là nơi chuyên vụ sinh hoạt tôn giáo và chính trị của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nơi đây có đặt ngai vàng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đồng thời là nơi ở của ngài. Bạch Cung gồm hai điện chủ yếu là Điện Đông Nhật Quang và Điện Tây Nhật Quang. Điện Đông Nhật Quang được xây dựng vào năm 1922 dưới thời vị Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, và Điện Tây Nhật Quang được xây dựng từ năm 1645 dưới thời vị Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, hiện không mở cửa cho khách tham quan.

Khám phá Cung điện Potala hùng vỹ tại Tây Tạng, Trung Quốc

Sảnh ở Điện Tây Nhật Quang rất lớn, nơi đây là nơi tổ chức làm việc của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nổi bật nhất là các bức tường treo đầy các bức họa với hình ảnh Đa La Bồ Tát làm chủ đạo.

Khám phá Cung điện Potala hùng vỹ tại Tây Tạng, Trung Quốc

Cung điện Potala xứng đáng là một kho tàng văn hóa của Phật giáo Tây Tạng với khoảng 698 bức tranh, gần 10 nghìn cuộn tranh giấy và nhiều tác phẩm điêu khắc giá trị. Từ các bức tường ở cổng vào đến thảm, mái che, rèm cửa… đều là các tác phẩm truyền tải văn hóa và tôn giáo Tây Tạng. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ một cuốn kinh Phật được viết bằng tay với chữ bằng vàng. Và có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ đa sắc màu cùng những bức họa ghi chép các sự kiện về cuộc đời Đức Phật theo truyền thống văn học dân gian và đời sống của người dân Tây Tạng thời xưa. Bên cạnh đó, còn có nhiều tượng Phật, đồ thờ cúng như lư hương, đèn, bình hoa… toàn bằng vàng, bạc, đồng, ngọc trai, mã não và nhiều loại đá quý khác. Trong đó có ngôi tháp nổi tiếng nhất thế giới, có gắn hơn 2.000 viên ngọc trai lấp lánh đủ màu sắc. Trong các tủ xưa còn lưu giữ nhiều bộ đồ ăn uống như chén, bát, đĩa, thìa, nĩa, đũa, ấm trà, chén trà, bình đựng trà, bình đựng sữa, chén uống sữa… đủ kiểu, đủ màu, được làm bằng vàng, bạc, sứ, men… qua các thời đại ở Trung Quốc và nhiều nước khác.

Cung điện Potala tượng trưng cho tôn giáo và chế độ thần quyền của Tây Tạng. Ngày nay, vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của quần thể Cung điện Potala uy nghi tại nơi cao nhất Lhasa là biểu tượng thiêng liêng cho văn hóa và Phật giáo của vùng đất Tây Tạng. Cung Potala đã trở thành một trong những điểm hành hương và tham quan chính của người dân Tây Tạng và du khách quốc tế.

Nếu có dịp đến vùng đất Tây Tạng linh thiêng trong hành trình du lịch Trung Quốc, du khách đừng quên dành thời gian cùng https://travel.duhoctrungquoc.vn/ đến khám phá quần thể kiến trúc Potala hùng vĩ này nhé!

Source URL:https://www.tourtrungquoc.net.vn/dia-diem-du-lich/kham-pha-cung-dien-potala-hung-vy-tai-tay-tang-trung-quoc.html

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 25-03-2020 13:19:14

Danh mục đăng tin:Du lịch Trung Quốc, Khám Phá Trung Quốc,
Top