Đại Chiêu Tự ngôi chùa theo Phật giáo Mật Tông ở Tây Tạng

Đại Chiêu Tự (大昭寺, Jokhang temple) là ngôi chùa theo Phật giáo Mật Tông Tạng truyền nằm trong trung tâm phố cổ Lhasa, nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO từ năm 2000. Đại Chiêu Tự tiếng Tây Tạng có nghĩa là “Giác Khương”, chính là nơi thờ Phật Thích ca. Trong quá khứ Lhasa từng bị Mông Cổ chinh phạt nhưng chùa vẫn sừng sững trang nghiêm. Hiện nay, ngôi chùa này là một trung tâm tôn giáo nổi tiếng của Tây Tạng và cũng là một thánh tích thiêng liêng đối với tất cả những Phật tử ở xứ này. Nó thu hút vô số những người hành hương Tây Tạng và du khách nước ngoài mỗi năm.

Đại Chiêu Tự ngôi chùa theo Phật giáo Mật Tông ở Tây Tạng

Đại Chiêu Tự được vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) xây vào thế kỷ thứ 7 (năm 647) khi vương triều này hưng thịnh nhất. Thực ra ban đầu chùa được vua dựng để thờ tượng Phật mà công chúa Nepal Ba Lợi Khố Cơ mang vào Tây Tạng, nhưng sau tượng này được chuyển sang Tiểu Chiêu Tự còn Đại Chiêu Tự lúc đó bắt đầu thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thập Nhị Tuế Đẳng (Twelve-years old Shakyamuni, hay Jowo Rinpoche) do công chúa Đường quốc Văn Thành mang vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ 7.

Đại Chiêu Tự ngôi chùa theo Phật giáo Mật Tông ở Tây Tạng

Tương truyền rằng, xưa kia vua Songtsen Gampo cầu hôn công chúa người Nepal tên là Bhrkuti Devi. Công chúa Bhrkuti khi theo chồng đã mang theo của hồi môn là bức tượng Phật Bất Động Như Lai quý hiếm. Nhà vua Tùng Tán Cương Bố bắt đầu ban lệnh xây dựng ngôi chùa này để thờ pho tượng mà người vợ Nepal mang theo. Chẳng bao lâu, nhà vua lại kết hôn với công chúa nhà Đường, nàng Văn Thành xinh đẹp, tài giỏi. Theo chồng về phương xa, nàng mang theo tượng Phật Jowo sang Tây Tạng. Bức tượng quý Jowo Rinpoche (Thích Ca Mâu Ni – Đức hạnh cao quý) có nguồn gốc từ Ấn Độ, tái tạo hình ảnh của đức Phật khi ngài còn sống. Và để lưu giữ hai bức tượng quý giá này, vua Tùng Tán Cán Bố đã cho xây dựng Đại Chiêu tự.

Đại Chiêu Tự được xây dựng trên nền của một hồ nước lớn. Truyền thuyết kể rằng, vị trí hồ nước để xây dựng ngôi chùa đã được chọn sau rất nhiều lần xây dựng không thành ở những chỗ khác. Trước đó, mỗi khi chùa được xây lên là đều bị sập xuống. Bối rối trước tình hình đó, Công chúa Ba Lợi Khố Cơ đã tới nhờ Công chúa Văn Thành giúp đỡ. Với sự thông tuệ của mình, Công chúa Văn Thành cho biết, vùng đất Tây Tạng nằm trên lưng của một mụ phù thủy mà hồ nước kia chính là trái tim của mụ phù thủy đó. Nếu muốn xây dựng được chùa, thì phải xây dựng ở ngay trên vị trí trái tim hồ nước kia thì mới được. 

Đại Chiêu Tự ngôi chùa theo Phật giáo Mật Tông ở Tây Tạng

Đại Chiêu Tự đã trải qua hai lần bị phá hủy trong những hành động chống Phật giáo xảy ra vào cuối thế kỷ VII và giữa thế kỷ IX. Trong suốt thời kỳ đó, Đại Chiêu tự đóng cửa và các bức tượng Phật được chôn giấu dưới đất để tránh bị phá hủy. Sau đó nó trải qua những lần tái thiết khác nhau vào thời Nguyên, Minh và Thanh, và trở thành một công trình tôn giáo kỳ vĩ. Ngôi chùa về sau dần được mở rộng, và đã đạt được kiến trúc quy mô dưới thời vị Dalai Lama thứ V vào thế kỷ XVII. Nhưng dù trải qua nhiều lần tái thiết, ngôi chùa vẫn giữ được kiến trúc ban đầu của nó từ thế kỷ VII.

Trải qua trên 1.300 năm, Đại Chiêu tự vẫn bảo tồn được kiến trúc từ thời kỳ vua Songtsen Gambo. Mặc dù một số bộ phận của ngôi chùa đã được xây dựng lại, những yếu tố gốc vẫn còn: những xà, rầm bằng gỗ, khung cửa, cho đến cột và những hình chạm được cho là có niên đại thuộc thế kỷ VII và VIII TL. Và bức tượng Phật do công chúa Wencheng mang đến thờ ở trong ngôi chùa này là một báu vật thiêng liêng nhất của người Tây Tạng.

Từ sau sự chiếm đóng của Trung Quốc vào năm 1951, Đại Chiêu Tự đã trải qua những xáo trộn đáng kể. Trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Đại Chiêu tự được sử dụng làm nơi chăn nuôi và cũng là nơi đồn trú của những người lính Trung Quốc, những người lấy việc đốt phá kinh sách làm công việc.

Ngày nay, Đại ChiêuTtự được mở cửa cho những người hành hương và du lịch, nhưng luôn được chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có khoảng 100 Tăng nhân cư ngụ tại chùa và địa danh này luôn được giám sát bởi hàng trăm cảnh sát. Vì lý do này, những Tăng nhân ở đây không được thoải mái khi họ trò chuyện với những du khách nước ngoài.

Qua nhiều lần tu sửa và xây thêm, hiện nay chùa có diện tích khoảng 25000 m2. Trong chùa ngoài điện Phật Thích Ca còn có điện của ngài Tông Khách Ba, điện Tạng Vương, điện thần Hộ Pháp của phái Cách Lỗ.

Bước vào sân chùa, du khách sẽ bị cuốn hút bởi sự trang nghiêm toát lên từ rực rỡ pha trộn tinh hoa Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, và cả nhà Đường của Trung Hoa. Bên ngoài chùa, du khách thấy những mô-típ trang trí như nai và bánh xe pháp luân – những biểu tượng của Phật giáo sơ kỳ Ấn Độ. Hai biểu tượng này tượng trưng cho việc thuyết bài pháp đầu tiên của Đức Phật tại Lộc Uyển, Varanasi. Trong khi đó một phần mái của ngôi chùa cho thấy sự ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc. Màu sắc mỗi cây cột dọc hay xà ngang của ngôi chùa càng nổi bật hơn khi có ánh nắng chiếu vào. Trên đầu mỗi cột đều có hình Đức Phật Thích Ca với các tư thế toạ thiền và tay ấn khác nhau, còn trên các xà con giữa các thân cột là những câu kinh Tạng.

Chùa Đại Chiêu xây theo hướng Tây, cao 4 tầng. Mỗi bức tường của chùa đều là những bức tranh mural khổng lồ với hoạ hình Phật Thích Ca đẹp cổ kính, màu sắc trải qua hơn 10 thế kỷ nhưng nhìn vẫn lạ lẫm và cuốn hút. 

Đại Chiêu Tự ngôi chùa theo Phật giáo Mật Tông ở Tây Tạng

Như một số ngôi chùa Tây Tạng khác, hành lang chính của ngôi chùa này được lắp những chiếc chuông xoay hay còn được gọi là chuông cầu nguyện, mà những người đi qua đây thường xoay chuông và cầu nguyện. Lối đi này dẫn đến chính điện, nơi thờ bức tượng Phật được xem là báu vật của ngôi chùa. Hai bên chính điện là những bàn thờ của vua Songtsen Gampo và hai người vợ của ông, những người có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo ở Tây Tạng. Tầng ba của ngôi chùa có thờ bức tượng Palden Lhamo, một vị nữ thần bảo hộ chùa Jokhang và thành phố Lhasa. Trên cùng của ngôi chùa, ở đó du khách có thể chứng kiến toàn bộ kiến trúc độc đáo của Đại Chiêu tự. Và cũng ở đây, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh cung điện Potala.

Bên trong chùa ngoài tượng Đức Phật Thích Ca dát vàng được bảo vệ cẩn mật, còn có các bức tượng và gian điện thờ sư tổ Hoàng Mạo Giáo – đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) cùng các đại đệ tử, tượng các Tạng Vương Thổ Phồn, tượng các Hộ Pháp của phái Cách Lỗ (Gelugpa Sect) có kích cỡ bằng người thật.

Ánh sáng bên trong chùa lấy ánh sáng tự nhiên là chính, kết hợp với những ngọn đèn nến làm từ mỡ bò Yak khiến màu sắc bên trong chùa lung linh huyền ảo hơn. Khác với chùa của Trung Quốc hay Việt Nam, các chùa ở Tây Tạng không nghi ngút khói hương, thay vào đó là mùi nồng nồng của mỡ bò bởi theo người Tạng, mỡ bò Yak khi đốt không tạo ra khói nhờ đó không gây hư hại đến các bức tượng hay tranh thangka treo trong chùa, ngược lại, mỡ bò Yak như phủ một lớp bóng đặc trưng lên các pho tượng. Những người hành hương mộ đạo khi vào lễ bái các tu viện và chùa chiền đều không quên mang theo một chiếc phích nhỏ chứa mỡ bò Yak mà họ sẽ thành kính rót vào các lư đèn như một sự dâng hiến nhỏ vinh danh Phật pháp.

Tây Tạng có một nền văn hóa độc đáo, trong đó Phật giáo đặc trưng của Tây Tạng vừa đầy tính lý luận khúc chiết vừa đầy tính Mật tông ảo diệu. Tây Tạng có đến 16.000 tu viện lớn nhỏ. Đại Chiêu Tự là tu viện thiêng liêng và nổi tiếng nhất. Ở đây có bức tượng Jowo Rinpoche – tượng phật Thích Ca Mâu Ni thời trai trẻ. Đó là bức tượng tuyệt vời nhất mà khả năng con người có thể làm nên. Các lạt ma đều tổ chức lễ đăng quang ở ngôi đền này.

Đại Chiêu Tự ngôi chùa theo Phật giáo Mật Tông ở Tây Tạng

Nổi tiếng là chùa linh thiêng và có lịch sử lâu đời nhất tại Lhasa, Đại Chiêu Tự gần như lúc nào cũng bị bao vây bởi những đoàn người hành hương về đất Phật và những khách du lịch về tham quan. Những đoàn người hành hương về thánh địa này phải đi 13 vòng quanh chùa với nghi thức “tam bộ nhất bái” (đi ba bước, bái một lạy) – một nghi thức tôn giáo dành cho những người hành hương được xem là khổ hạnh nhất thế giới. Những người dân Tạng đi vòng quanh Đại Chiêu Tự theo chiều kim đồng hồ, coi đó là vòng Kora khổng lồ bao ngoài tự.

Ngay bên ngoài chùa, ở hai phía tả hữu là dòng người hành hương mộ đạo làm lễ ngũ thể nhập địa tiêu biểu nhất trong các nghi lễ bái Phật của Tây Tạng: trước tiên là 2 tay chụm lại làm thành hình như búp sen chưa nở, sau đó chạm lên đầu, chạm xuống phía dưới cằm, rồi chạm xuống ngực, thân hình theo đó mà cúi thấp xuống, 2 tay đưa về phía trước rồi đầu gối quỳ xuống cho đến khi chạm toàn thân xuống đất, khi đã nằm song song với mặt đất thì 2 tay lúc này ở phía trên đầu, ngón tay có thể lần 1 hạt trong tràng hạt hoặc bấm vào một máy nhỏ đeo ở cổ tay; như vậy là làm xong 1 lần lễ. Người Tạng đến Đại Chiêu Tự bày tỏ lòng thành bằng hình thức bái lạy như thế, ít nhất là lần hết 108 hạt trong tràng hạt hoặc làm đến 10.000 lần. 

 

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 16-03-2020 22:31:38

Danh mục đăng tin:Du lịch Trung Quốc, Khám Phá Trung Quốc,
Top